Cơ hội lớn trong tăng trưởng xanh

H.Hương 20/04/2023 06:39

Tình trạng khó khăn hiện nay đòi hỏi tất cả các quốc gia phải đổi mới mô hình tăng trưởng để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, hướng tới phát triển bền vững và bao trùm, trong đó tăng trưởng xanh đang trở thành ưu tiên hàng đầu của các nền kinh tế.

Nhiều doanh nghiệp ngành may đang nỗ lực xanh hóa. Ảnh: Quang Vinh.

Nỗ lực “xanh hóa”

Hiện nay ngày càng nhiều quốc gia đã, đang và sẽ tham gia vào các “liên minh xanh” nhằm chuyển dịch sang nền kinh tế xanh thông qua các cam kết khu vực và toàn cầu. Theo đánh giá gần đây của Ủy ban châu Âu, quy mô thị trường toàn cầu hiện nay cho các sản phẩm và dịch vụ xanh ước tính đạt trên 5 nghìn tỷ USD và có tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với các thị trường truyền thống. Dự báo đến năm 2030, nền kinh tế xanh sẽ tạo ra khoảng 24 triệu việc làm mới trên toàn cầu.

Hướng đến tăng trưởng xanh là điều mà các quốc gia đang triển khai và thực hiện. Việt Nam cũng không đứng ngoài cuộc, bởi theo cam kết Việt Nam đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

Hiện nay nhiều ngành kinh tế đã nỗ lực “xanh hoá” để bắt kịp xu hướng chung. Chẳng hạn ở lĩnh vực dệt may, một số doanh nghiệp (DN) dệt may phản ánh, gần đây, họ thường xuyên nhận được yêu cầu mới về quy trình sản xuất xanh hóa, giảm phát thải từ một số nhà mua hàng châu Âu và Mỹ. Động thái này cho thấy, nếu DN không chuyển đổi để thích ứng nhanh sẽ mất nhiều cơ hội chốt đơn hàng trong chuỗi sản xuất, cung ứng của ngành, nặng nề hơn sẽ bị đào thải khỏi chuỗi sản xuất.

Cuối năm ngoái, Tổng công ty cổ phần Dệt may Hà Nội (Hanosimex) và Tập đoàn Hansae (Hàn Quốc) đã bắt tay thực hiện dự án đặc quyền về sản xuất vải tái chế. Với dự án này, Hanosimex và Hansae cùng xây dựng chuỗi cung ứng hoàn thiện từ sợi - dệt - nhuộm - may dành riêng cho các sản phẩm tái chế. Cụ thể, hai bên sẽ thực hiện dự án sản xuất sợi và vải từ xơ tái chế, toàn bộ sản phẩm từ nhà máy sẽ được may hàng xuất khẩu. Dự kiến, khoảng 4.000 tấn vải tái chế dành cho thị trường EU sẽ được đưa vào sản xuất trong thời gian tới.

Những năm gần đây, nhận thức của cộng đồng DN về vai trò của mình trong chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia đã được nâng lên rõ rệt, từng bước thay đổi hành vi và có nhiều hành động thiết thực đóng góp vào thực hiện tăng trưởng xanh. Nhiều DN đã và đang lấy kinh doanh “xanh” là chiến lược và lợi thế cạnh tranh; từ sử dụng năng lượng sạch, nguyên vật liệu thân thiện môi trường, ủng hộ các hoạt động trách nhiệm xã hội, đến đầu tư nghiêm túc vào những dây chuyền sản xuất hiện đại, công nghệ cao, thân thiện môi trường, sử dụng ít tài nguyên, năng lượng, giảm thiểu chất thải và khí thải…

Mới đây nhất trong lần công bố báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2022, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lần đầu tiên giới thiệu Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) nhằm hỗ trợ chính quyền các tỉnh, thành phố nâng cao chất lượng quản trị môi trường, hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Đi tắt đón đầu

Kết quả nghiên cứu của Tập đoàn Tư vấn Boston (BCG) cũng chỉ ra Việt Nam với tiềm năng, vị thế địa kinh tế trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang đứng trước cơ hội rất lớn trong tăng trưởng xanh để có thể chuyển mình, bắt kịp, tiến cùng, vượt lên, đi tắt đón đầu và tạo đà cho một bước nhảy vọt về phát triển kinh tế, xã hội và môi trường.

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 đã xác định rõ, tăng trưởng xanh là giải pháp quan trọng để thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài. Tăng trưởng xanh phải lấy con người làm trung tâm, phải dựa vào thể chế và quản trị hiện đại, khoa học và công nghệ tiên tiến, nguồn nhân lực chất lượng cao, phải định hướng đầu tư vào công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, kết cấu hạ tầng thông minh và bền vững; tạo động lực để đầu tư tư nhân đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế xanh.

Theo ông Jaime Ruiz-Cabrero - Tổng giám đốc BCG khu vực Đông Nam Á, các quốc gia dẫn đầu thế giới đang tăng tốc đẩy mạnh phát triển các công nghệ giải pháp nhằm chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, sạch và ít cacbon. Điều này mở ra cơ hội cho Việt Nam đón đầu xu hướng và trở thành quốc gia dẫn đầu về công nghệ sạch trong khu vực và có thể toàn cầu.

4 khuyến nghị chính được đưa ra cho Chính phủ Việt Nam nhằm hiện thực hóa cơ hội, đó là hoàn thiện thể chế chiến lược xanh và đẩy mạnh xây dựng nền móng khuôn khổ pháp lý; tăng cường xây dựng hệ thống tài chính xanh ổn định, giúp giảm chi phí vốn đầu tư; phát triển hệ thống hạ tầng lưới điện, tạo nền móng để phát triển các nguồn năng lượng sạch và tái tạo và tăng tốc phát triển hệ sinh thái hydro sạch.

H.Hương