Dân chung cư đã tạm an lòng

Nam Việt 20/04/2023 06:40

Mới đây, liên quan đến đề xuất sở hữu nhà chung cư có thời hạn bị dư luận phản đối, Bộ Xây dựng đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép không quy định nội dung này trong dự án Luật Nhà ở. Theo đó, bỏ các Điều 25, 26 quy định về xác lập và chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư. Dân chung cư đã tạm an lòng.

Trước đó, về vấn đề sở hữu nhà chung cư có thời hạn, tại Thông báo số 2101 ngày 21/3 và Báo cáo thẩm tra sơ bộ số 1546 ngày 16/3, cả Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đều đề nghị không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư.

Cũng cần nhắc lại, trước đó, về vấn đề sở hữu nhà chung cư, thời hạn sở hữu nhà chung cư do Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo đã đưa ra 2 phương án: Phương án 1 bổ sung mới quy định về sở hữu nhà chung cư. Phương án 2 không quy định về sở hữu nhà chung cư. Tại tờ trình gửi lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đưa ra 1 phương án là sở hữu nhà chung cư cần có thời hạn, xác định theo hồ sơ thiết kế và thời gian sử dụng thực tế do cơ quan có thẩm quyền thẩm định.

Ngay sau đó, nhiều ý kiến đã bày tỏ không đồng tình đề xuất này. Đáng chú ý, ngày 13/2, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) đã có văn bản gửi đến Bộ Xây dựng phản đối, trong đó có việc đề xuất chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư khi có thông báo phá dỡ nhà chung cư, hoặc UBND cấp tỉnh thông báo về việc phá dỡ nhà chung cư thì quyền sở hữu ghi trong giấy chứng nhận đã cấp cho các chủ sở hữu nhà chung cư không còn giá trị. Theo HoREA, nếu như thế khiến chủ sở hữu nhà chung cư bất an, phát sinh tâm lý bất an trong xã hội.

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân sống trong các chung cư, HoREA kiến nghị không quy định chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư khi UBND cấp tỉnh thông báo phá dỡ nhà chung cư. Trong trường hợp chung cư được đập đi xây lại, vẫn cần thiết phải quy định xác lập quyền sở hữu đất cho người dân.

Hiện nay cả nước có hơn 4.500 khu nhà chung cư tại các đô thị. Riêng TPHCM có hơn 1.569 khu nhà chung cư, với hơn 2.550 tòa nhà với hàng trăm ngàn căn hộ nhà chung cư. Trong đó có 474 khu nhà chung cư xây dựng trước 1975. Do vậy, nếu ban hành quy định chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư khi UBND cấp tỉnh thông báo phá dỡ nhà chung cư và quy định xử lý nhà chung cư khi chấm dứt quyền sở hữu sẽ tác động bất lợi đến sự nghiệp đô thị hóa của đất nước.

Cùng với nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nhà đất, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, đã chỉ ra nhiều điểm bất cập, không phù hợp nhiều luật. Theo ông Châu, quy định chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư khi nhà chung cư chưa hết thời hạn sử dụng nhưng thuộc trường hợp phải phá dỡ là không phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự 2015, Luật Đất đai 2013 và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tuy rằng việc chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư dù mới chỉ là đề xuất của Chính phủ trong dự thảo luật Nhà ở sửa đổi trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhưng thị trường bất động sản đã có ảnh hưởng, phản ứng ngay lập tức. Nhiều người dân ở nhà chung cư, nhất là chung cư cũ lo sợ bị mất quyền sở hữu căn hộ. Không chỉ cư dân nhà tập thể lo lắng về quyền sở hữu mà người dân ở chung cư thương mại cũng hoang mang. Vì thế, thay vì mua nhà chung cư, nhiều người đã chuyển hướng sang mua nhà đất.

Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng bày tỏ “rất lo lắng” vì những đề xuất gây xáo trộn tâm lý mạnh như việc chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư. Cả nước có hàng nghìn nhà chung cư với cả triệu người đang sinh sống nên mức độ ảnh hưởng của chính sách là rất lớn.

Một chính sách (dù trong giai đoạn đề xuất) liên quan đến quyền sở hữu nhà chung cư rõ ràng không phù hợp thực tiễn, không có tính khả thi và cũng không bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. Cũng chính vì thế đã phải nhận nhiều phản ứng.

Tuy nhiên việc Bộ Xây dựng tiếp thu các ý kiến, chủ động đề xuất sửa đổi cũng có thể coi đó là một động thái tích cực, không “mũ ni che tai”, quyền trong tay thì cứ làm.

Nam Việt