Linh hoạt, chủ động kiểm tra học kỳ sớm
Để không ảnh hưởng đến việc học tập, nhiều trường học đã quyết định đẩy lịch kiểm tra học kỳ II lên sớm hơn do lo ngại dịch Covid-19.
Ngày 18/4, chị Lam Anh (xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, Hà Nội) nhận thông báo từ cô giáo chủ nhiệm của con gái đang học lớp 4 Trường Tiểu học Tứ Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội).
“Cô giáo đã phát đề cương tất cả các môn: Toán, Tiếng Việt, Địa lý, Tin học… và đề nghị phụ huynh nhắc con hoàn thành dần để giáo viên bộ môn chấm, chữa bài trong tuần này. Các môn học dự kiến sẽ được thi vào tuần sau (trừ Toán và Tiếng Việt sẽ thi sau kỳ nghỉ lễ 30/4). Cô giáo sẽ cập nhật lịch thi cụ thể tới các bậc phụ huynh ngay khi có. Gia đình tôi ủng hộ lịch kiểm tra này và mong năm học không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như những năm trước” – chị Anh bày tỏ.
Tuy nhiên, chị Anh cũng băn khoăn với khối 1, 2, 3 học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì vẫn chưa có thông báo kiểm tra vào bao giờ trong khi con trai chị học lớp 2 cùng trường, hiện đang nghỉ học vì bị ốm, sốt nhưng test nhanh thì không mắc Covid-19.
Bà Phan Thị Thục Hạnh - Hiệu trưởng Trường THCS Phương Mai (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, ghi nhận đến thời điểm này trường có khoảng 10 học sinh mắc Covid-19 ở thể nhẹ. Tuy nhiên, với những học sinh cuối cấp thì việc mắc Covid-19 sẽ khiến ảnh hưởng đến việc học và thi sắp tới. Nhà trường đã lường trước việc này và đẩy lịch kiểm tra của học sinh lớp 9 lên sớm hơn kế hoạch ban đầu, hiện đã tổ chức xong để tập trung cho kỳ thi vào lớp 10.
“Riêng với học sinh các khối lớp 6, 7, 8 sẽ kiểm tra vào tháng 5 vì các em phải học xong chương trình. Khối lớp này không lo vì nếu phải học online các em sẽ thi online” – bà Hạnh nói.
Tương tự, ông Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, học sinh khối lớp 9 của trường hiện đã hoàn thành xong việc kiểm tra, đánh giá học kỳ 2 năm học 2022-2023. Thầy và trò đang dồn sức cho việc ôn tập, sẵn sàng cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT sắp tới. Đối với các khối lớp còn lại, trường cũng dự kiến sẽ đẩy lịch kiểm tra sớm hơn từ ngày 24/4. Theo kế hoạch ban đầu, các khối lớp này sẽ kiểm tra học kỳ 2 sau kỳ nghỉ lễ 30/4.
Song song với các giải pháp ổn định việc học, tổ chức thi sớm, các nhà trường cũng đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn học sinh phòng, chống dịch bệnh. Ban giám hiệu Trường THCS Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội) quán triệt giáo viên thường xuyên nhắc nhở học sinh thực hiện nguyên tắc “2K” (khẩu trang, khử khuẩn); khuyến cáo học sinh mang theo bình nước riêng để hạn chế lây lan dịch bệnh. Đồng thời, cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh lên trang thông tin điện tử nhà trường để học sinh, phụ huynh nắm bắt.
Chuẩn bị sẵn sàng các phương án chủ động, linh hoạt để đảm bảo chất lượng dạy và học là điều các trường đã có kinh nghiệm qua các mùa dịch trước. Bà Trần Thị Hương - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (quận Tây Hồ, Hà Nội) cho hay, nhiều trường trên địa bàn đã tổ chức cho học sinh kiểm tra sớm vừa đảm bảo chất lượng vừa giúp các em có thời gian nghỉ lễ vui vẻ, thoải mái.
“Trước tình hình dịch hiện nay, việc kiểm tra sớm cũng giúp các trường chủ động kế hoạch học tập và phụ huynh yên tâm hơn. Ngành giáo dục luôn làm mọi việc tốt nhất cho các em học sinh” - bà Hương bày tỏ.
Ông Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng, việc các trường linh hoạt kiểm tra sớm để đảm bảo an toàn phòng dịch là hoàn toàn hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, không phải vì thế mà việc đánh giá, kiểm tra diễn ra qua loa, có lệ mà vẫn cần đảm bảo thực chất, phản ánh đúng năng lực học tập của học sinh. Đặc biệt, với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 mục tiêu là phát triển năng lực và phẩm chất học sinh, giáo dục các em thành con người toàn diện. Vì thế, đòi hỏi giáo viên không chỉ thay đổi phương pháp và hình thức dạy học theo lối mòn mà còn phải đổi mới cả việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của các em theo hướng tích cực. Tinh thần đổi mới này cần được tất cả các trường áp dụng mạnh mẽ trong thực tiễn, gần nhất là kỳ kiểm tra cuối học kỳ II đang diễn ra ở nhiều nơi.