Giảm thuế giá trị gia tăng: Sẽ kích thích nhanh tiêu dùng
Đồng ý đề xuất giảm thuế VAT về 8% đến hết năm nay, Chính phủ giao Bộ Tài chính sớm chuẩn bị để trình Quốc hội ban hành Nghị quyết theo thủ tục rút gọn. Giảm thuế giá trị gia tăng được kì vọng sẽ kích thích tiêu dùng, kích thích kinh tế, góp phần giảm khó cho doanh nghiệp (DN).
Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về đề xuất giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT), từ 10% xuống 8%. Tại tờ trình Chính phủ trước đó, Bộ Tài chính đề xuất giảm 2% thuế VAT với hàng hóa, dịch vụ có thuế suất 10%. Cơ sở kinh doanh khi xuất hóa đơn sẽ được giảm 20% mức tỷ lệ phần trăm để tính thuế.
Hóa giải phần nào áp lực tăng giá tiêu dùng
Thuế suất VAT phổ thông hiện nay là 10%, nên khi giảm 2% sẽ có tác động đến toàn bộ giao dịch trên thị trường. Như vậy, người bán có điều kiện không phải tăng giá khi mà sức ép về chi phí tăng cao, thách thức còn nhiều. Khả năng tiêu thụ theo đó cũng được hỗ trợ mạnh mẽ. Với người tiêu dùng trước sức ép về thu nhập, nếu được giảm 2% thuế VAT, đồng nghĩa họ sẽ trực tiếp tiết kiệm được 2% chi tiêu. Còn với DN thì sao? Giảm thuế VAT, DN cũng sẽ giảm phần thuế phải đóng.
Có thể lấy ví dụ, Công ty cổ phần Công nghệ mới Nhật Bản hiện đang kinh doanh nhiều mặt hàng, thiết bị điện tử phục vụ người tiêu dùng. Theo tính toán, khi được giảm 2% thuế VAT, nếu được áp dụng ngay DN này sẽ được giảm khoảng 1 tỷ đồng tiền thuế. Còn với người tiêu dùng, khi mua 1 sản phẩm có giá khoảng 1,5 triệu đồng của DN này cũng sẽ được giảm giá gần 30 nghìn đồng từ việc giảm thuế VAT. Theo chia sẻ của đại diện DN, việc hàng hóa được giảm giá sẽ kích thích người tiêu dùng hồ hởi mua hàng nhiều hơn. Nhờ đó cũng giúp DN thuận lợi hơn.
Khi Chính phủ đồng ý với kiến nghị giảm thuế VAT từ 10% về 8%, giới chuyên gia cho rằng cần phải triển khai ngay. Nếu được, cần áp dụng ngay bắt đầu từ dịp 30/4 – 1/5 này để kích cầu tiêu dùng.
Chia sẻ với báo chí, TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách thuộc Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) kiến nghị, Chính phủ và Quốc hội có thể xem xét cơ chế thông qua chính sách này nhanh chóng nhất có thể, thậm chí là áp dụng những trường hợp đặc biệt để việc giảm thuế VAT 2% cho các hàng hóa có thể áp dụng ngay trong dịp 30/4 - 1/5 mà không chờ đợi lâu.
“Nếu chính sách được triển khai luôn dịp 30/4 - 1/5 vừa có tác dụng hỗ trợ người lao động, vừa như một yếu tố kích cầu du lịch dịp nghỉ lễ dài ngày. Việc giảm thuế sẽ có tác động ngay, giúp giá hàng hóa giảm và từ đó hỗ trợ cầu tiêu dùng gia tăng và tác động làm tăng vòng quay sản xuất” - TS Việt phân tích.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, khi giảm thuế VAT dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 5,8 nghìn tỷ/tháng, nếu áp dụng trong 6 tháng cuối năm thì tương đương khoảng 35 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhìn nhận, giải pháp giảm thuế VAT có ý nghĩa rất tích cực. Giảm để tăng bởi lẽ khi giảm thì hoạt động kinh doanh diễn ra sôi nổi hơn, DN kinh doanh thuận lợi hơn. Khi các hoạt động kinh tế được thúc đẩy phát triển hơn thì sẽ đóng thuế trở lại.
Đặc biệt việc giảm thuế VAT sẽ giúp kiềm chế, kiểm soát tăng chỉ số giá tiêu dùng. Bởi lẽ, việc giảm 2% thuế VAT sẽ giúp đạt 2 mục tiêu là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế từ phía sản xuất kinh doanh, từ phía tiêu dùng và ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Có thể nói, đây là một lựa chọn chưa từng có trong việc hỗ trợ thông qua việc giảm sắc thuế phổ biến nhất, tác động rộng rãi nhất, rõ ràng nhất đến thị trường.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) phân tích, Bộ Tài chính đã tính toán giảm thuế thì ngân sách giảm thu khoảng 35.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, bù lại là sản xuất kinh doanh, nhu cầu tiêu dùng tăng trưởng hoàn toàn có thể bù đắp lại khoản thu ngân sách nhà nước hụt đi. Chưa kể, giảm thuế VAT có thể làm giảm bớt áp lực tăng giá cả, kích hoạt cơ chế kiềm giữ lạm phát, góp phần hoàn thành mục tiêu Quốc hội đề ra.
Nhiều người cùng có lợi
Về việc giảm thuế VAT, chính sách này cũng đã được thực hiện vào năm 2022. Cụ thể từ ngày 1/2/2022 đến hết năm 2022, thuế VAT được áp dụng giảm từ 10% xuống còn 8% đối với hầu hết nhóm hàng hóa dịch vụ theo Nghị định số 15/2022 của Chính phủ. Trên thực tế chính sách này đã tác động tích cực và hiệu quả đến nền kinh tế, giúp người dân, DN và cả nền kinh tế hưởng lợi từ chính sách thiết thực này.
Với người dân, khi điều kiện kinh tế khó khăn hơn, thu nhập sụt giảm, việc giảm thuế suất thuế VAT 2% giúp người tiêu dùng với cùng một số tiền nhưng mua được nhiều sản phẩm hơn, chất lượng cuộc sống nâng cao hơn.
Với DN, giảm thuế cũng là giảm cả giá đầu vào và đầu ra. Giá đầu vào giảm giúp DN trực tiếp tiết giảm được chi phí, có thêm vốn để tái đầu tư, tăng khả năng mở rộng sản xuất. Giá đầu ra giảm tuy DN không được lợi trực tiếp nhưng lại thu lợi gián tiếp nhờ cơ hội gia tăng doanh số.
Nhiều tiểu thương cũng cho biết, sức mua hàng hóa hiện nay rất chậm. Có nhiều mặt hàng như bánh kẹo, đồ khô chỉ dám nhập vừa đủ để bán, không dám nhập nhiều. Nếu như thuế giảm, thì giá hàng hóa nhập được từ nhà máy giảm, giá mà tiểu thương bán ra cũng sẽ mềm hơn. Theo bà Hoàng Mỹ Ánh (tiểu thương kinh doanh trên đường Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên, Hà Nội), giá quá cao thì cả người mua và người bán đều gặp khó. Vì vậy cứ giảm được thuế chừng nào hay chừng ấy. Bà Ánh cũng cho rằng khi đã có chủ trương giảm thuế thì cần giảm sớm, giảm nhanh để người bán và người mua cùng được lợi.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế VAT; với đề xuất năm 2023, giảm 2% mức thuế suất thuế VAT đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (còn 8%); giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế VAT đối với cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) khi thực hiện xuất hóa đơn đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế VAT 10%. Thực hiện theo phương án này nhằm đảm bảo đúng mục tiêu kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước cũng như nền kinh tế.