'Cấm sóng' nghệ sĩ lệch chuẩn - Bài 2: Đừng để 'mất bò mới lo làm chuồng'
Theo NSƯT Hạnh Thúy - Uỷ viên BCH Hội Điện ảnh TP HCM, cần ngăn chặn hành vi lệch chuẩn của nghệ sĩ ngay trong quá trình đào tạo, tránh để rơi vào tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.
Ứng xử đúng chuẩn mực là chuyện đương nhiên nên làm
Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết Online, NSƯT Hạnh Thúy cho rằng, những quy trình về hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo với nghệ sĩ vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục là động thái cho thấy cơ quan chức năng đang siết chặt hơn các quy định nhằm thanh lọc showbiz. Tránh việc làm ảnh hưởng đến giới trẻ cũng như toàn xã hội.
“Cơ quan chức năng nên chú trọng đến việc hướng dẫn, đào tạo với nghệ sĩ, giúp họ có định hướng trong ứng xử, phát ngôn và cả hành động. Thay vì thấy sai rồi mới chặn. Nên chú trọng đến công tác đào tạo thay vì “mất bò mới lo làm chuồng”, NSƯT Hạnh Thúy nêu quan điểm.
Về bộ quy định nhằm "cấm sóng" nghệ sĩ lệch chuẩn, Uỷ viên BCH Hội Điện ảnh TP HCM nói hoàn toàn đồng ý và cho rằng cần có biện pháp mạnh tay để xử lý những trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, khi đưa ra biện pháp cấm sóng người nổi tiếng vì ồn ào đời tư cần có cái nhìn công bằng, khách quan tránh những tình huống oan uổng.
“Thời gian vừa qua showbiz trở nên hỗn loạn nhưng nhìn một cách khách quan mà nói không phải vấn đề nào nghệ sĩ cũng sai. Có những việc vì dư luận cố tình làm lớn chuyện khiến sự việc đi quá xa. Nghệ sĩ sai đương nhiên sẽ phải chịu trách nhiệm. Nhưng, cơ quan chức năng cần nhìn nhận khách quan, công bằng để có biện pháp xử lý phù hợp”, NSƯT Hạnh Thúy nhìn nhận.
NSƯT Hạnh Thúy chia sẻ, hai từ “nghệ sĩ” vốn dĩ đã mang sứ mệnh phục vụ và ảnh hưởng tới cộng đồng. Nghệ sĩ đặc biệt cần phải chú ý lời ăn tiếng nói, cách cư xử vì họ có tác động lớn đến công chúng, xã hội.
Bản thân người nghệ sĩ phải ý thức được mình là một công dân đặc biệt. Mỗi hành động, mỗi hành vi của mình không chỉ gây ảnh hưởng cho bản thân mà còn tác động đến những người xung quanh (cả việc tốt lẫn việc xấu). Nghệ sĩ phải tự ý thức được đặc ân mà nghề nghiệp mang lại cho mình, xã hội mang lại cho mình để ứng xử cho đúng chuẩn mực là chuyện đương nhiên nên làm.
Đồng tình với NSƯT Hạnh Thúy, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận thấy việc ban hành các văn bản để chấn chỉnh các hành vi vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục của các nghệ sĩ là cần thiết.
“Chúng ta đang nỗ lực trong việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh để hướng con người đến chân - thiện - mỹ. Nghệ sĩ là những người nhận được nhiều sự quan tâm của công chúng, vì vậy, họ có ảnh hưởng lớn đến nhận thức, lối sống và cả định hướng phát triển đạo đức của công chúng.
Thời gian vừa qua, dù chúng ta đã có nhiều hành động cụ thể như ban hành các bộ quy tắc ứng xử, tăng cường công tác truyền thông, kể cả xử phạt làm gương, nhưng hoạt động vi phạm đạo đức cộng đồng, thuần phong mỹ tục, thậm chí cả luật pháp vẫn có nhiều diễn biến tiêu cực. Vì thế, chấn chỉnh hoạt động của họ góp phần vào việc làm lành mạnh hóa môi trường văn hóa của xã hội, đồng thời có ích cho việc định hướng phát triển nhân cách, đạo đức của mỗi cá nhân”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
Tạo “barie” rào chắn
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, quản lý Nhà nước trong lĩnh vực nghệ thuật và trên không gian mạng gặp rất nhiều khó khăn. Điều này đến từ việc cạnh tranh quyết liệt của thị trường giải trí dẫn đến việc các nghệ sĩ tìm mọi cách, mọi chiêu trò để có chỗ đứng tốt hơn trong thị trường. Sự phát triển như vũ bão của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với rất nhiều điều mới mẻ, không lường trước được, cũng khiến cho không chỉ ở Việt Nam, mà còn nhiều nước trên thế giới bị động trước ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông mới, nhất là các mạng xã hội.
“Một môi trường nghệ thuật tiêu cực, tệ hại ảnh hưởng xấu đến môi trường xã hội chung. Chúng ta giờ đây không chỉ đối phó với thách thức an ninh phi truyền thống, mà đang phải đối phó với cả những thách thức văn hóa phi truyền thống.
Những hành vi lợi dụng mạng xã hội để phát ngôn bừa bãi, tung tin đồn nhảm, xúc phạm người khác một cách công khai, quảng cáo sai sự thật, trục lợi... là những biểu hiện cụ thể như thế. Vì vậy, tăng cường những biện pháp xử lý ngay, từ sớm để những biến tướng tệ hại này không trở thành mầm mống làm băng hoại những nền tảng đạo đức của xã hội là một điều hết sức cần thiết”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhận định.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn khẳng định, để đưa ra quy định mới lần này cần phải thực hiện hết sức thận trọng, trên cơ sở đánh giá tác động văn hóa - xã hội cụ thể. Quy định cũng cần được xem xét kỹ lưỡng để tránh những hệ lụy không mong muốn. Từ đó giúp các nghệ sĩ nghiêm túc hơn với nghề, cần có các chương trình đào tạo và hỗ trợ để giúp họ hiểu rõ hơn về trách nhiệm của mình trong việc truyền tải thông tin đến khán giả và cộng đồng. Đồng thời, cần có sự thay đổi về cách thức hoạt động của ngành giải trí để bảo đảm sự chuyên nghiệp và trách nhiệm cao của các nghệ sĩ.
“Tôi nghĩ rằng, chúng ta cần nhiều biện pháp quản lý khác nhau, hỗ trợ nhau để bảo vệ môi trường văn hóa trong lành cho xã hội. Để làm được như vậy, thứ nhất, chúng ta cần có sự phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong việc quy định, hướng dẫn hành vi của nghệ sĩ. Mỗi bộ, ngành và địa phương, tùy vào chức năng và nhiệm vụ của mình, sẽ đưa ra các quy định cụ thể”, ông Sơn nêu.
(Còn tiếp...)