Các ngân hàng thận trọng với mục tiêu tín dụng năm 2023

Lê Trang (Tổng hợp) 20/04/2023 15:56

Nhiều ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 tương đối thận trọng trong bối cảnh sức cầu yếu, dòng tiền luân chuyển trong nền kinh tế có xu hướng chậm lại.

Ngân hàng thận trọng

Nhiều ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 tương đối thận trọng so với kết quả thực hiện năm 2022, điển hình như Techcombank, MBBank, ACB, Sacombank, Eximbank...

Năm nay, Ngân hàng ACB đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt 9,7% và sẽ điều chỉnh tương ứng khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp bổ sung.

Mặc dù tăng trưởng tín dụng đạt đến 26% trong năm 2022, Ngân hàng MBBank chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay ở mức khá an toàn 15%.

3 ngân hàng quốc doanh niêm yết là Vietcombank, BIDV, VietinBank cũng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay trong khoảng 10-13%, phù hợp với mục tiêu của NHNN.

Thông tư 26 hiệu lực vào cuối năm 2022 đã hạ tỷ lệ LDR (Tỷ lệ Cho vay/Huy động) của cả BIDV và VietinBank giúp cải thiện tăng trưởng tín dụng cho 2 ngân hàng này.

Dòng tiền luân chuyển trong nền kinh tế đang có dấu hiệu chậm lại do sức cầu yếu, nguồn tiền của người dân và doanh nghiệp đang dần cạn kiệt.

Không chỉ các ngân hàng thận trọng, các doanh nghiệp cũng đang thận trọng với kế hoạch mở rộng kinh doanh với dự đoán sức cầu từ người tiêu dùng chưa thực sự hồi phục.

Quốc hội Việt Nam cũng thông qua mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm nay chỉ ở mức 6,5%, thấp hơn 1,5 điểm % so với mức tăng năm ngoái. Theo nhiều chuyên gia, ngay cả mức tăng này vẫn là thách thức lớn trong năm 2023.

VPBank, VIB và HDBank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng vượt trội

Ngân hàng VPBank tiếp tục dẫn đầu về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023. Năm 2022, VPBank ghi nhận tín dụng tăng trưởng đạt gần 31% tại ngân hàng mẹ, với động lực tăng trưởng tới từ hai khối chiến lược bán lẻ cùng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Theo VnDirect, năm 2022, ngân hàng mẹ của VPBank được NHNN giao cho hạn mức là 31%, cao nhất hệ thống.

Cuối tháng 3 vừa qua, VPBank đã bán 15% cổ phần cho đối tác ngoại là Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC). Khoản đầu tư từ SMBC sẽ mang lại cho VPBank gần 36.000 tỷ đồng vốn cấp 1, nâng tổng vốn chủ sở hữu của VPBank lên xấp xỉ 140.000 tỷ đồng.

Đây sẽ là động lực hỗ trợ VPBank tăng trưởng trong năm 2023 nhờ hệ số an toàn vốn (CAR) được nâng cao - một trong những tiêu chí để VPBank có khả năng nhận được room tín dụng ở mức cao từ NHNN, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Ngân hàng VIB với chiến lược tập trung vào cho vay bán lẻ, đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2023 là 25%. Tại Đại hội cổ đông thường niên năm nay, ông Đặng Khắc Vỹ - Chủ tịch VIB cho rằng ngân hàng này có thể hoàn thành kế hoạch nhờ lợi thế so sánh của VIB với các ngân hàng trong nước.

Ông Vỹ tiết lộ các cơ quan chức năng đánh giá cao chất lượng tín dụng của VIB, do đó 2017 - 2021, VIB luôn được NHNN cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng từ 25 - 35% nhờ các chỉ số hoạt động tốt, an toàn. Người đứng đầu VIB kỳ vọng ngân hàng sẽ quay lại hạn mức tín dụng cao như các năm trước.

Ngân hàng HDBank có dư địa đạt mức tăng tín dụng cao hơn so với các ngân hàng cùng quy mô nhờ tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém, CAR đạt 13,4% vào cuối năm 2022 - số liệu từ VnDirect.

Với chính sách tài khóa đang được thúc đẩy mở rộng nhanh hơn, trong đó nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng đang được đẩy nhanh tiến độ, sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng, chia lửa phần nào với chính sách tiền tệ, vì vậy NHNN có lẽ cũng không còn chịu quá nhiều áp lực phải mở rộng tín dụng quá mức để hỗ trợ tăng trưởng như giai đoạn trước.

Thay vào đó, mục tiêu quan trọng hơn cho năm nay là phải kiềm chế và giữ lãi suất ổn định để tránh gây bất ổn cho nền kinh tế và tác động xấu đến hoạt động của các doanh nghiệp và chi tiêu của hộ gia đình.

[Cẩn thận khi vay tiền ngoài hệ thống ngân hàng]

Lê Trang (Tổng hợp)