Biến rác chăn nuôi thành sản phẩm hữu ích: Tại sao không?
Nếu áp dụng những lợi thế có được từ phát triển kinh tế tuần hoàn, ngành chăn nuôi có thể biến rác thành các phụ phẩm có lợi cho trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện cả nước có hơn 28,8 triệu con lợn, đàn trâu, bò đạt hơn 8,9 triệu con, đàn gia cầm đạt 533 triệu con. Với xu hướng tăng trưởng của chăn nuôi như hiện nay, số lượng đàn vật nuôi lớn có tác động nhất định đối với môi trường. Hoạt động chăn nuôi gây phát sinh một lượng lớn chất thải ra môi trường, trong khi chỉ một phần nhỏ trong đó được xử lý bằng việc làm khí sinh học, ủ phân, nuôi trùn... Còn lại phần lớn (80%) thải ra môi trường.
Cũng theo Bộ NN&PTNT, năm 2021, hoạt động chăn nuôi gây phát sinh chất thải lớn gồm gần 68 triệu tấn chất thải rắn từ hoạt động chăn nuôi; hơn 245 triệu m3 nước thải từ hoạt động chăn nuôi (trâu, bò, lợn) và một lượng lớn chất thải rắn, lỏng từ giết mổ gia súc, gia cầm, chỉ khoảng 20% được sử dụng hiệu quả. Trong khi đó, hàm lượng carbon, hữu cơ và các chất dinh dưỡng tốt cho cây trồng, vật nuôi... chứa trong hàng chục triệu tấn chất thải chăn nuôi và phụ phẩm nông nghiệp là rất lớn. Nếu có phương pháp xử lý và tận dụng tốt, nó có thể đáp ứng thay thế tới 70 - 80% lượng phân hóa học, cũng như lượng thức ăn chăn nuôi phục vụ cho nông nghiệp, từ đó góp phần giảm thiểu chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế, giảm ô nhiễm môi trường... Đây chính là yếu tố quan trọng để phát triển ngành chăn nuôi bền vững.
Ông Võ Trọng Thành (Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT) cho rằng, thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ hạn chế phát thải đầu ra, xử lý tối ưu chất thải chăn nuôi làm đầu vào cho trồng trọt, nuôi trồng thủy sản và lâm nghiệp.
Thời gian qua, nhiều địa phương đã phát triển chăn nuôi theo xu hướng của nền kinh tế tuần hoàn. Đơn cử như tại tỉnh Đồng Nai, địa phương có lượng chăn nuôi lớn nhất cả nước đã phát huy khá tốt mô hình này. Theo ông Trần Lâm Sinh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, hiện tỉnh đang áp dụng các mô hình tuần hoàn nông nghiệp như mô hình nuôi ruồi cánh đen, áp dụng công nghệ tiên tiến nhất giúp các phụ phẩm được sử dụng gần như triệt để, từ đó hạn chế phát thải ra môi trường.
Giới chuyên gia ngành nông nghiệp nhận định, trong hoạt động của ngành chăn nuôi, chúng ta đã sử dụng các mô hình như: vườn ao chuồng; luân canh lúa - tôm, lúa - cá; sản xuất phân hữu cơ từ khí thải nông nghiệp; sản xuất tổng hợp bò - trùn quế - cỏ/ngô - gia súc, gia cầm - cá; chăn nuôi an toàn sinh học 4F… Tuy nhiên, thực tế cho thấy, phát triển kinh tế tuần hoàn ở nước ta vẫn chưa tương xứng với tiềm năng; tỷ lệ thu và tái chế các phụ phẩm còn rất thấp. Nhiều nông dân, nhà sản xuất vẫn nặng về tư duy coi các phụ phẩm là phế liệu, rác thải chứ không phải tài nguyên.
Do đó, rất cần nâng cao nhận thức, vai trò, hiệu quả của các mô hình; hoàn thiện cơ chế đẩy mạnh sản xuất, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn trong các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, để từ đó thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, để ngành chăn nuôi phát triển ổn định và bền vững, các cơ sở chăn nuôi cần chú trọng ngay từ các khâu đầu vào (thức ăn, vệ sinh môi trường…) để đảm bảo sản phẩm sạch ngay từ quá trình sản xuất. Bên cạnh đó, các đơn vị phân phối, tiêu thụ sản phẩm ra thị trường cũng phải tham gia chuỗi tuần hoàn này.
Theo Bộ NN&PTNT, tổng lượng phế, phụ phẩm trong nông nghiệp của Việt Nam ước tính gần 160 triệu tấn, trong đó có khoảng 90 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, từ quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt (56,2%); 62 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (38,7%); 6 triệu tấn từ ngành lâm nghiệp (3,7%); gần 1 triệu tấn từ ngành thủy sản (0,6%). Những con số này cho thấy tiềm năng, giá trị của phế, phụ phẩm nông nghiệp.