Nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Góp ý vào dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), TS Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Kinh tế, UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, vai trò của công tác quản lý nhà nước là đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo cho người dân nói chung, người tiêu dùng nói riêng.
Theo TS Nguyễn Tiến Dĩnh, trong dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), tại Điều 75 quy định về trách nhiệm của Bộ Công thương, là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được xác định có 14 nhiệm vụ cụ thể hóa nội dung quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; trong đó có nội dung về xây dựng và ban hành pháp luật, chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đây là nội dung quản lý nhà nước rất quan trọng và tác động rất lớn đến kết quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Do đó, đòi hỏi phải xây dựng được pháp luật, chính sách đầy đủ và chất lượng.
Ông Dĩnh cho rằng, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã có nhiều bổ sung, sửa đổi phù hợp với tình hình mới. Tuy nhiên, một số vấn đề cần được quan tâm, trong đó cần phải nhận diện một cách đầy đủ các loại sản phẩm hàng hóa, dịch vụ và các hành vi của tổ chức, cá nhân sản xuất, cung ứng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ làm ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.
Do vậy, trong Điều 3 về “Giải thích từ ngữ” và các điều khoản liên quan quy định các loại sản phẩm hàng hóa, dịch vụ và các hành vi, cần bổ sung các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng, giả, nhái, không rõ nguồn gốc xuất xứ và các hành vi lừa đảo, tin nhắn rác… là những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ và hành vi gây nên thiệt hại lớn đến người tiêu dùng và gây tranh cãi trong quá trình xử lý thời gian vừa qua cần phải được bổ sung, nêu rõ và hướng xử lý trong Luật.
Dự thảo Luật cần bổ sung điều, khoản quy định về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật, tư vấn, hỗ trợ các biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bởi đây là nội dung và là nhiệm vụ quản lý nhà nước rất quan trọng của các cơ quan quản lý nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay, nhằm giúp cho người tiêu dùng hiểu rõ quyền và trách nhiệm để có thể tự bảo vệ mình; đồng thời người sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ thấy được trách nhiệm của mình trong việc sản xuất, kinh doanh những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chất lượng.
Mặt khác, Nhà nước cũng cần đầu tư thành chương trình tuyên truyền, phát huy các phương tiện thông tin đại chúng, khuyến khích các tổ chức xã hội thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, chuyên môn đến người dân.
Về nội dung tổ chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ông Dĩnh kiến nghị, tại Điều 76 quy định về “Trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ”, Ban soạn thảo cần ban hành rõ, đầy đủ quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng các loại sản phẩm hàng hóa, dịch vụ để làm căn cứ cho phép lưu hành, kiểm tra, giám sát, xử lý theo từng chuyên ngành.
Đồng thời nên có khoản riêng cho Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc xây dựng và ban hành bộ tiêu chuẩn Việt Nam đối với các loại sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; làm rõ hơn trách nhiệm của các ngành Y tế, Công thương và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, tránh sự chồng chéo, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
“Công tác quản lý nhà nước có vai trò cực kỳ quan trọng trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Thực hiện đầy đủ và có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ quản lý nhà nước và phát huy trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân sản xuất và cung ứng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cũng như toàn xã hội tham gia vào công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chắc chắn sẽ cho hiệu quả cao” - ông Dĩnh đề xuất.
“Tại Điều 48 dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) quy định về “Trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội”, Ban soạn thảo cần quy định thêm ở khoản 3 rằng không chỉ giám sát các cơ quan quản lý nhà nước các cấp thực hiện các quy định của pháp luật như trong dự thảo, mà còn phải giám sát các cơ quan, tổ chức, cá nhân sản xuất, cung ứng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, từ đó góp phần đảm bảo chất lượng hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng” - TS Nguyễn Tiến Dĩnh khẳng định.