Mong sớm có Luật Nhà giáo
Với những đặc trưng riêng, khác biệt với viên chức của các ngành, lĩnh vực khác, thực tiễn của ngành giáo dục đòi hỏi phải có văn bản pháp lý có giá trị cao - Luật Nhà giáo.
Hiện biên chế sự nghiệp của ngành giáo dục chiếm khoảng 70% tổng biên chế sự nghiệp của cả nước. Đây là lực lượng đông đảo nhất trong tổng số công chức, viên chức của tất cả các ngành/lĩnh vực, có vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Thống kê toàn quốc hiện có khoảng 1,6 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang làm việc trong cả hai khối công lập và ngoài công lập.
Tuy nhiên, cơ cấu đội ngũ giáo viên còn tồn tại nhiều bất cập. Cụ thể, cơ cấu đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông còn mất cân đối. Việc thực hiện, tuyển dụng, bố trí, điều động, giáo viên tại các địa phương, cơ sở giáo dục còn nhiều vướng mắc. Việc thực hiện tinh giản biên chế theo yêu cầu chung gặp nhiều khó khăn, vì đặc điểm nghề nhà giáo là dạy học, giáo dục theo cấp học, môn học. Bên cạnh đó, chính sách tiền lương chưa phù hợp với vị trí, vai trò của nhà giáo. Ngoài ra, còn thiếu cơ chế để thu hút người giỏi thi tuyển vào ngành sư phạm và chưa có đủ chế tài để quản lý nhà giáo ngoài công lập.
Nhằm giải quyết những bất cập này, cuối năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có dự thảo tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về đề nghị xây dựng dự án Luật Nhà giáo. Dự kiến dự án Luật sẽ được trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2024).
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, GS.TS Nguyễn Mậu Bành - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam cho rằng, dạy học là nghề dạy người nên cần hết sức thận trọng. Ông đồng ý với quan điểm của dự thảo đã đề cập, đó là chất lượng của một hệ thống giáo dục phụ thuộc vào chất lượng đội ngũ nhà giáo. Tuy nhiên, để đảm bảo phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, chất lượng ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu đặt ra về giáo dục, đào tạo con người, đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước thì cần phải có các chính sách tổng thể, có cơ chế và môi trường phù hợp với đặc thù lao động sư phạm của nhà giáo.
Chia sẻ quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Trí - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo viên (nay là Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục), Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, các quy định về nhà giáo trong 4 bộ luật về giáo dục hiện nay chưa bao quát hết mọi nghề dạy học khác nhau ở nhiều cấp học, ngành học.
Cụ thể, đội ngũ nhà giáo rất đa dạng, bao gồm nhiều nghề khác nhau, làm việc ở lĩnh vực dạy học khác nhau, nhưng có chung một danh xưng là “nhà giáo”. Dạy trẻ mầm non, tiểu học, THCS, THPT, dạy nghề, dạy đại học… là những nhóm nghề khác nhau trong ngành giáo dục. Đội ngũ này phân bố rất rộng, từ các thành phố lớn đến thôn bản miền biên giới, hải đảo xa xôi, do sự quản lý của cấp chính quyền khác nhau (từ cấp bộ đến cấp tỉnh, quận, huyện, phường, xã…). Do đó, cách quản lý ở một số nơi, một số cấp chưa tạo được sự nhất quán. Trong khi đó, khi có sự cố xảy ra, như dịch Covid-19 vừa qua, đội ngũ nhà giáo nói chung, nhất là giáo viên ở các cấp học mầm non, tiểu học, giáo viên tư thục, những người trông giữ trẻ, dạy nghề ở các lớp dạy nghề tư nhân… chịu nhiều thiệt thòi mà thiếu một cơ sở pháp lý để họ tự bảo vệ và để xã hội bảo vệ họ.
“Sự đa dạng và phức tạp đó đòi hỏi cần có một bộ luật chung về nhà giáo để điều chỉnh toàn bộ quá trình quản lý xây dựng, phát triển, bảo vệ và sử dụng… cũng như quá trình hoạt động nghề nghiệp của đội ngũ này trên phạm vi cả nước theo luật lệ thống nhất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” - ông Trí nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, ông Trí cũng bày tỏ mong muốn đây sẽ trở thành bộ luật cơ bản, nền tảng, đề cập đến tất cả vấn đề liên quan đến đội ngũ nhà giáo, có thể dùng bộ luật này để xây dựng, phát triển, bảo vệ và quản lý đội ngũ nhà giáo từ nay về sau. Đặc biệt, những áp lực đặt ra trong ngành giáo dục hiện nay cho thấy, cần thiết phải có những chính sách riêng để bảo vệ đội ngũ nhà giáo. Một là chống lại tình trạng xâm phạm đến nghề nghiệp, phẩm chất, danh dự, sức khỏe… nhà giáo. Hai là nhà giáo cần tự tu dưỡng, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, phát triển và cập nhật kiến thức chuyên môn, đổi mới phương pháp dạy học và giáo dục… để đủ khả năng hoàn thành chức trách nhiệm vụ của mình.
Là giáo viên đồng thời là chủ cơ sở trông giữ trẻ mầm non độc lập tại Khu đô thị Hồng Hà Eco, xã Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì, Hà Nội), cô Nguyễn Ngọc Linh cho biết, dịch Covid-19 vừa qua đã khiến cô và những đồng nghiệp của mình lao đao, bất an suốt một khoảng thời gian dài. Dù nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước song rất nhiều đồng nghiệp của cô đã không thể trụ nổi với nghề, chuyển sang làm công việc khác. Bản thân nhóm lớp tư thục của cô Linh cũng lâm vào cảnh thiếu giáo viên sau khi hoạt động trở lại. Nếu như có Luật Nhà giáo, cô Linh kỳ vọng sẽ góp phần tạo bình đẳng giữa nhà giáo khu vực công lập và ngoài công lập, giúp cô và những đồng nghiệp của mình yên tâm gắn bó với nghề.
Theo GS.TS Nguyễn Mậu Bành - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam, cần thiết phải có một luật riêng điều chỉnh về nhà giáo với những quy định phù hợp, với các quy định có tính chất mở đường cho việc xây dựng đội ngũ nhà giáo trước mắt và lâu dài.