'Đói' vốn và 'ma trận' thủ tục
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu Việt Nam cho rằng thị trường bất động sản đang gặp vô vàn khó khăn, nếu không có cơ chế bảo vệ, nhà thầu xây dựng nguy cơ sẽ biến mất. Theo ông Hiệp, chưa có năm nào nhà thầu xây dựng trải qua tình trạng khốc liệt như hiện nay.
Báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết, quý I/2023, ngành xây dựng âm 3% so với cùng kỳ năm ngoái, còn theo Hiệp hội Các nhà thầu Việt Nam, quý I chỉ thực hiện được 8% kế hoạch. Vì thế nhiều doanh nghiệp (DN) xây dựng đã phải gửi đơn kêu cứu lên Thủ tướng. Được biết, do quá thiếu vốn, DN xây dựng phải vay tiền ngân hàng để hoạt động, làm xong dự án mới được thanh toán, lãi vay 11-13%/năm. Mức lãi suất quá cao cộng với phương thức giải ngân “ứng trước trả sau” nên nhiều chủ đầu tư đã rơi vào tình thế không thể chi trả, thậm chí yêu cầu trả bằng sản phẩm là các nhà đã xây…
Liên thông giữa bất động sản (BĐS) và xây dựng là rất chặt chẽ, tuy nhiên vẫn thiếu cơ chế pháp lý bảo vệ nhà thầu. Thời gian qua nhiều ý kiến kêu gọi gỡ vướng cho thị trường BĐS nhưng với ngành xây dựng (nhà thầu) thì không. Đáng chú ý khi Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu Việt Nam cho rằng về nguồn vốn, bằng cách này hay cách khác DN có thể xoay sở, tuy nhiên giải pháp về pháp lý mới là điều quan ngại nhất.
Lấy dẫn chứng từ TP Hồ Chí Minh, ông Võ Hồng Thắng - Phó Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Vietnam cho biết tại thành phố này có 116 dự án chưa được tháo gỡ do chưa nhất quán giữa các quy định điều chỉnh của các luật; cùng đó là động thái tăng cường thanh tra, kiểm tra… ảnh hưởng tới tâm lý thị trường.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cũng cho rằng với các chính sách lớn mà Chính phủ đã đưa ra, đến nay nguồn vốn đã phần nào được tháo gỡ, tuy rằng hiện 3 kênh vốn chính, gồm vốn vay ngân hàng, phát hành trái phiếu DN và nguồn vốn huy động từ khách hàng chưa hẳn đã hết tắc. Nhưng điểm nghẽn cơ bản cuối cùng phải xử lý là pháp lý, làm thế nào để các dự án được phê duyệt, được tham gia thị trường.
Không chỉ DN mà cả người “ngoại ngạch” như ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng nhìn nhận thị trường BĐS hiện nay đang gặp ách tắc. Trong đó, khung pháp lý là vấn đề mấu chốt. Từ đó, ông Hiếu đề xuất 2 vấn đề cần phải làm ngay. Thứ nhất, Chính phủ cần giải quyết các dự án đang vướng pháp lý, rơi vào cảnh tồn đọng. Thứ hai là nếu các dự án đang chậm lại vì thủ tục chưa phù hợp, đòi hỏi nhanh hơn thì cần đơn giản hoá các chính sách trùng lặp, chồng chéo để tiết kiệm thời gian.
Còn theo ông Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia thì, rào cản, khó khăn lớn nhất hiện nay chính là ở quy định pháp lý trong lĩnh vực đất đai, xây dựng và BĐS khi liên quan đến hơn 100 luật, nghị định, thông tư; trong đó có nhiều quy định còn chồng chéo, thiếu đồng bộ...
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt, cụ thể, giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ cho thị trường BĐS. Theo giới chuyên gia BĐS, nhà thầu xây dựng, thời điểm này tuy có nhiều khó khăn nhưng đó cũng là lúc để điều chỉnh và cơ cấu lại hoạt động cho phù hợp, tự cân bằng. Thị trường sẽ có những thanh lọc, lựa chọn nhất định đối với chủ thể tham gia thị trường, ví dụ như môi giới, cung cấp, nhà thầu, tư vấn... Khó khăn, thách thức luôn đồng hành với cơ hội cho người có khả năng vượt lên.
Nhưng muốn thế thì ngoài sự tính toán thấu đáo và quyết tâm của DN, 2 điểm nghẽn cần phải tháo gỡ đó là vốn và thủ tục, cơ chế pháp lý. Nghiên cứu về khủng hoảng từ những năm 1970 tới nay thì chỉ có 2 nguyên nhân của khủng hoảng kinh tế là tỷ giá hối đoái (gần đây ít xảy ra) và thị trường BĐS. Đáng chú ý, trong 15 năm trở lại đây phần lớn khủng hoảng bắt đầu từ thị trường BĐS. Với tình hình thị trường BĐS “đóng băng” cũng như nhà thầu xây dựng gặp khó khăn, nói như TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia thì “chúng ta chưa bước tới bờ vực nhưng phải hành động thật nhanh nếu không sẽ không kịp”.
“Không kịp” ở đây là gì? Phải chăng đó là sự đổ vỡ của thị trường BĐS và nhiều DN xây dựng phải dừng hoạt động?