'Cấm sóng' nghệ sĩ lệch chuẩn - Bài cuối: Răn đe bằng luật
Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoàn tất quy trình xử lý người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật là các nghệ sĩ, nếu có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức.
Bên cạnh việc hạn chế lên sóng, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch còn triển khai thêm nhiều biện pháp nhằm “thanh lọc” môi trường mạng, môi trường văn hóa nghệ thuật.
Nghệ sĩ ảo tưởng quyền lực
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng: Bối cảnh xã hội hiện nay dễ khiến nghệ sĩ có những hành vi lệch chuẩn, xuất phát từ việc mắc bệnh ảo tưởng quyền lực. Đặc biệt khi sự phát triển của các phương tiện truyền thông mới, với sự cởi mở, tự do, ít kiểm soát hơn trong việc lan truyền thông tin trên không gian mạng.
Với nghệ sĩ, có một số nguyên nhân có thể góp phần làm họ rơi vào tình trạng này như: khi một nghệ sĩ trở nên nổi tiếng và được tôn vinh, họ có thể bị mê hoặc bởi cảm giác quyền lực mà nó mang lại. Họ có thể tin rằng họ có thể làm bất cứ điều gì và có quyền kiểm soát mọi thứ trong cuộc sống của họ. Nghệ sĩ có thể tin rằng họ đã làm được tất cả mọi thứ một mình và không cần đến sự giúp đỡ của bất kỳ ai khác. Sự tự tin thái quá này có thể dẫn đến sự ảo tưởng quyền lực.
“Hậu quả của ảo tưởng quyền lực, lệch chuẩn sẽ rất tai hại đối với nghệ sĩ cũng như cả xã hội. Đối với nghệ sĩ, đó là cảm giác tự tin quá mức, có cảm giác mình là người quyết định và kiểm soát mọi thứ, không chấp nhận được sự phản đối hoặc chỉ trích, không chú ý hoặc bất cẩn đến những người xung quanh, và kể cả sử dụng những từ ngữ hoặc cử chỉ không phù hợp, kiêu ngạo.
Điều này dễ khiến nghệ sĩ bị mất cảm tình, hình ảnh, thương hiệu trong con mắt của xã hội nói chung, công chúng của họ nói riêng. Mà đối với nghệ sĩ, công chúng chính là những người quan trọng nhất. Sự phản đối, quay lưng của công chúng đối với nghệ sĩ ảo tưởng quyền lực là hình phạt nặng nề nhất đối với họ”, PGS. TS Bùi Hoài Sơn nói.
Đối với xã hội, nghệ sĩ ảo tưởng quyền lực là hình ảnh xấu, tấm gương tồi, nhất là đối với giới trẻ. Nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng và đặc biệt là giới trẻ, vì thế họ phải thể hiện trách nhiệm đạo đức đối với cộng đồng.
Việc ảo tưởng quyền lực có thể gây ra những ảnh hưởng xấu, tạo ra tác động tiêu cực đến quan niệm sống và giá trị của giới trẻ nói riêng, xã hội nói chung.
Hướng xử lý
Ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn thông tin, cơ quan quản lý của Cục đang làm việc với các bộ, ngành để đưa ra quy chế phối hợp tốt hơn nhằm giảm tác động tiêu cực của các nghệ sĩ vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục. Theo lộ trình, dự thảo sẽ hoàn thiện trước tháng 10.
Theo ông Dương, hiện nay, xử lý các vi phạm này đã có Luật an ninh mạng, Luật Khoa học và Công nghệ, Nghị định về hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có các nghệ sĩ nhưng có lẽ đến nay chưa nhiều người nắm rõ bộ quy tắc này.
Ông Dương khẳng định, các nghệ sĩ nên thực hiện đúng Bộ quy tắc ứng xử nói trên. “Những nghệ sĩ vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý theo luật pháp hiện hành còn nếu trái thuần phong mỹ tục thì phải đưa ra quy định rõ ràng”, ông Dương nhắc lại với PV Báo Đại Đoàn Kết.
Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn thông tin: “Thời gian tới, về phía Nhà nước sẽ có nhiều biện pháp xử lý quyết liệt hơn. Hiện tại, ngành văn hóa đang phối hợp với một số bộ, ngành để có quy chế phối hợp tốt hơn nhằm quản lý người hoạt động văn hóa nghệ thuật tốt hơn. Rất có thể, quy chế này sẽ được ban hành sớm, trước tháng 10/2023”.
Theo PGS. TS Bùi Hoài Sơn, mỗi một biện pháp quản lý từ cơ quan Nhà nước đều mang lại hiệu quả riêng. Bộ quy tắc ứng xử trước đây sẽ có ích trong việc đưa ra những hướng dẫn hành vi thông qua định hướng nhận thức về những gì nên làm/không nên làm. Điều quan trọng nữa mà bộ quy tắc ứng xử làm được là tạo ra nhận thức chung của xã hội, từ đó góp phần hình nên dư luận xã hội đối với những vấn đề liên quan đến hành vi ứng xử của nghệ sĩ.
“Để đưa ra một quy định mới, chúng ta cần phải thực hiện hết sức thận trọng, trên cơ sở đánh giá tác động văn hóa - xã hội cụ thể. Quy định cũng cần được xem xét kỹ lưỡng để tránh những hệ lụy không mong muốn. Để giúp các nghệ sĩ nghiêm túc hơn với nghề cũng cần có các chương trình đào tạo và hỗ trợ để giúp họ hiểu rõ hơn về trách nhiệm của mình trong việc truyền tải thông tin đến khán giả và cộng đồng.
Cần có sự thay đổi về cách thức hoạt động của ngành giải trí để bảo đảm sự chuyên nghiệp và trách nhiệm cao của các nghệ sĩ”, ông Sơn nhấn mạnh.
['Cấm sóng' nghệ sĩ lệch chuẩn - Bài 1: Muộn còn hơn không]
['Cấm sóng' nghệ sĩ lệch chuẩn - Bài 2: Đừng để 'mất bò mới lo làm chuồng']