Mùa lộc biển
Từ sau Tết Nguyên đán đến khoảng đầu tháng tư hàng năm, ngư dân ở các vùng ven biển xứ Thanh thường gọi quãng thời gian này là mùa "lộc biển”. Năm nay được mùa, những sản vật từ biển như: moi, cá trích, sứa luôn nặng những bè mảng cập bến mỗi bình minh. Dẫu chưa thể giúp người dân tại các xã bãi ngang giàu lên từ nghề biển nhưng chúng cũng đang góp phần đẩy lùi những khó khăn.
Những chuyến bè nặng sứa
6 giờ sáng trên bãi biển xã Quảng Hùng, TP Sầm Sơn (Thanh Hóa), ẩn hiện trong làn sương mỏng bao phủ mặt biển là những chiếc bè, mảng đang ậm ạch vượt ngọn sóng về bến. Tiếng máy bè công suất nhỏ gắt lên giữa tĩnh lặng buổi ban mai. Trên bờ, chừng hơn 10 người phụ nữ trung tuổi nhấp nhổm đứng, ngồi, tay rổ, tay mẹt chỉ chờ những chiếc bè cập mép sóng là ùa đến giành phần mua những mẻ hải sản đầu ngày còn tươi rói cho kịp buổi chợ…
Chuyến bè đầu tiên trong ngày cập bến. Trong lòng bè là chật ních những con sứa biển trong suốt, to như những chiếc mẹt lớn nằm xếp lớp. Chủ bè, một người đàn ông lực lưỡng vừa cố ghì lái để con bè không bị sóng xô ra, miệng vừa hò hét, xua đuổi những tiểu thương đang vây quanh, giành nhau vơ vội vào rổ, chậu của mình 1-2 con sứa nặng hàng chục kilogam. “Các bà xê ra cho bè neo nào! Tôi không bán cho ai cả, chủ vựa đặt mua cả chuyến này rồi” - tiếng người chủ bè sứa nhanh chóng bị chìm vào tiếng những con sóng đang ầm ào đổ vào bờ. Như để minh chứng, chiếc đầu máy cày màu cam chậm rãi trườn trên cát, kéo theo chiếc thùng sắt lớn ghé vào bên mạn bè. Những người phụ nữ đổ trả lại những con sứa vào lòng bè, mặt lộ vẻ tiu nghỉu, thất vọng.
Sau khi đã chuyển hết số sứa trên bè sang máy kéo, chủ bè vừa chậm rãi châm thuốc vừa vui vẻ nói, anh tên là Nguyễn Văn Hải, trú tại thôn 1, xã Quảng Hùng, TP Sầm Sơn. Chuyến ra khơi sáng nay, anh và bạn nghề vớt được 70 con sứa. Bình quân giá nhập cho các cơ sở chế biến tại dịa phương là 40 nghìn đồng/con. Sau khi trừ chút chi phí tiền dầu, anh và bạn nghề vẫn còn chia nhau được mỗi người hơn 1 triệu đồng. “Lộc của biển đấy! Dù mùa sứa không kéo dài nhưng cũng phần nào giúp những ngư dân như chúng tôi bớt nỗi cơ cực mưu sinh” - giọng anh Hải hào hứng.
Anh Hải thong thả kể cho tôi nghe về quãng thời gian mà những ngư dân không có điều kiện vươn khơi mà chỉ đánh bắt gần bờ như anh mong chờ hàng năm - mùa “lộc biển”. Thường thì cứ sau Tết Nguyên đán, khi nắng xuân ấm áp đến cũng là lúc mùa sứa về. Sứa theo dòng hải lưu ấm bơi về ven bờ các vùng biển trải dài từ Thanh Hóa đến Nam Định. Lúc ấy, ngư dân chỉ việc chạy thuyền, bè công suất nhỏ từ 20 - 30CV ra xa chừng 1 hải lý là có thể buông lưới, định vị rồi quay về bờ nghỉ ngơi. Sáng hôm sau, khi trời còn mơ đất, lại tất bật chạy bè ra nơi đã thả lưới từ đêm hôm trước và thu sứa về. Tùy theo thủy triều, con nước và bầy sứa mà mỗi ngày thuyền của anh có thể ra khơi từ 1 đến 2 chuyến. Từ tháng 4 âm lịch trở đi, khi mùa hè bắt đầu, những cơn mưa nhiều hơn kéo theo sấm chớp dội xuống, khi ấy mùa sứa kết thúc. Tuy nhiên năm nay, do nhuận tháng 2 nên mùa sứa đến muộn hơn. Vì thế, trên các vùng biển, ngư dân vẫn đang tấp nập cho mùa đánh bắt sứa.
“Không như các loại hải sản khác phải đánh bắt xa bờ, sứa chỉ cần đánh ven bờ, việc đầu tư ngư lưới cụ đánh bắt sứa lại đơn giản, ít tốn kém hơn so với các nghề chài lưới khác nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm nay sứa không về nhiều như mọi năm nhưng bù lại, giá sứa được các chủ đại lý chế biến thu mua với giá cao. Trung bình mỗi con sứa về đến bờ không kể lớn bé đều được mua đổ đồng với giá 40 nghìn đồng/1 con. May mắn, một chuyến bè có thể đánh bắt được từ 100 - 130 con. Nếu trúng luồng sứa thì có thể thả sức vớt… thu nhập có ngày lên đến cả chục triệu đồng” - anh Hải cho hay.
Để chuẩn bị cho mùa sứa năm nay, anh Hải đã mạnh dạn vay vốn đầu tư sắm một chiếc bè mới, gắn máy xe ô tô, lưới cao dậu, đèn cao áp… với tổng chi phí lên đến gần 200 triệu đồng. “Có được chiếc mảng mới này cũng là nhờ “lộc biển” cả đấy. Thường thì bè khai thác gần bờ không gắn đèn cao áp nhưng nhờ năm nay có dư chút tiền bạc, đầu tư thêm dàn đèn để hết mùa sứa là có thể sử dụng trong việc câu mực đêm” - anh Hải cho biết.
Thêm cơ hội đầu tư
Rời bãi biển khi các bè sứa đã vơi dần, theo con đường bê tông dẫn vào thôn, tôi tìm đến các cơ sở chế biến sứa. Không nhộn nhịp như các địa phương khác như: Hoằng Trường, Hoằng Phụ (huyện Hoằng Hóa), hay như các xã biển Nghi Sơn, Quảng Hùng hiện chỉ có 3 cơ sở thu mua và chế biến sứa. Tuy nhiên, không khí sản xuất, chế biến tại các cơ sở này cũng khá tấp nập.
Chúng tôi đến cơ sở chế biến Thanh Hưng (đóng tại thôn 2, xã Quảng Hùng). Xưởng chế biến rộng mênh mông chất đầy những con sứa rô trắng tinh chờ sơ chế. Tại đây, nhân công làm việc không kể ngày đêm, máy tời sứa lên tới đâu, lập tức sơ chế đến đó. Sứa được cắt rời thành các phần riêng biệt bao gồm: chân, tay, óc, dù (thân) và cho vào bể nước ngọt để quay. Thời gian quay thường từ 6-8 tiếng để loại hết vị mặn trong con sứa. Sau khi đã loại bỏ được vị mặn, sứa được vớt lên cho vào một bể khác có pha muối, phèn chua để bảo quản.
Ông chủ cơ sở Thanh Hưng cho biết sơ qua về quy trình chế biến: “Sứa thành phẩm có để được lâu hay không phụ thuộc vào các yếu tố, thời gian quay và lượng muối, phèn pha phù hợp khi ngâm. Vì đây là các công đoạn đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao lẫn kinh nghiệm của người làm nghề nên tôi thường chọn các thợ lâu năm để sơ chế sứa”. Cũng theo ông chủ cơ sở Thanh Hưng, một mẻ sứa chất lượng phải đạt các yêu cầu: Miếng sứa trong suốt, cầm lên nhìn có ống nước di chuyển bên trong, đạt độ cứng, giòn nhất định. Sứa ngâm trong dung dịch muối, phèn 3 ngày là có thể ăn được. Sản phẩm sứa sau khi sơ chế được bảo quản ở 25 độ mặn, được đóng vào những thùng gỗ thông chắc chắn phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Những năm gần đây người dân ưa dùng các sản phẩm chế biến từ sứa như: Nộm sứa, sứa ăn liền nên nghề đánh bắt và chế biến sứa phát triển, mang lại thu nhập ổn định cho cả ngư dân và các hộ làm nghề chế biến.
Vụ sứa năm 2020, cơ sở Thanh Hưng xuất bán trên 2.000 thùng sứa. Với giá bán trung bình 150 nghìn đồng/thùng, sau khi trừ chi phí gia đình ông thu lãi trên 200 triệu đồng. Mỗi ngày các cơ sở chế biến sứa tại Quảng Hùng đã tạo việc làm cho hơn 50 lao động với thu nhập từ 300-500 nghìn đồng/người/ngày. Họ làm việc liên tục 24/24 giờ, sơ chế từ 15-20 nghìn con sứa. Điều này đang giúp địa phương giải quyết nhu cầu việc làm cho lực lượng lao động dôi dư lúc nông nhàn. Đồng thời cũng là động lực giúp ngư dân vươn khơi bám biển, phát triển kinh tế.
Nói về những giá trị do con sứa mang lại trong giúp người dân ven biển phát triển kinh tế, ông Viên Đình Nam - Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Hùng cho biết: Xã có điều kiện kinh tế còn khó khăn, người dân không đủ điều kiện đóng tàu lớn, vươn tới khai thác hải sản tại các ngư trường xa mà chỉ ở ven bờ. Các sản phẩm chủ yếu gồm: Moi, cá trích, sứa và câu mực… Hiện, trên địa bàn toàn xã có gần 100 bè mảng của các ngư dân tham gia đánh bắt sứa. Vụ sứa năm nay do thời tiết nồm ẩm kéo dài, lạnh khô nên sứa về không nhiều nhưng bù lại giá thị trường lại tăng cao, khiến thu nhập của ngư dân có chiều hướng tăng so với cùng kỳ.
“Chúng tôi luôn động viên bà con ngư dân đầu tư mua sắm ngư cụ, tích cực ra khơi, tận dụng triệt để thời gian sứa nổi để khai thác. Bên cạnh đó, để những ngư dân chưa có điều kiện đầu tư thuyền, mảng, lưới đủ tiêu chuẩn đánh bắt, xã cũng vận động các chủ vựa thu mua sứa và hải sản đầu tư cho người dân có nhu cầu vay vốn và bao tiêu luôn sản phẩm. Có thể nói, mặc dù con sứa chưa thể giúp người dân vùng ven biển làm giàu nhưng nó cũng đang góp phần không nhỏ trong việc thay đổi bức tranh kinh tế của các xã ven biển như chúng tôi” - ông Nam chia sẻ.