Giá vé máy bay đắt đỏ dịp nghỉ lễ: Du lịch nội địa ‘mất khách’

DIỆP ANH 23/04/2023 07:28

Mặc dù dịp 30/4 và 1/5 các hãng hàng không đều tăng tần suất bay ở nhiều chặng, nhưng vẫn cung không đủ cầu. Do vậy tiếp tục xảy ra tình trạng giá vé máy bay tới các thành phố du lịch tăng phi mã. Giới chuyên gia cho rằng, giá vé máy bay tăng không chỉ ảnh hướng tới các doanh nghiệp du lịch mà còn làm “mất điểm” du lịch nội địa.

Giá vé máy bay tăng mạnh khiến du lịch nội địa mất đi một lượng khách đáng kể.

Giá vé “nhảy múa”

Trên nhiều trang bán vé của các hãng bay nội địa cho thấy, đường bay du lịch Hà Nội - Phú Quốc của Vietnam Airlines khởi hành ngày 28/4, về ngày 2/5 có giá dao động từ 8,5 - 9 triệu đồng/vé khứ hồi, số chỗ trống còn lại rất ít. Cũng đường bay này, vé khứ hồi của Bamboo Airways thấp nhất giá 7,7 triệu đồng; của Vietjet Air thấp nhất 6,7 triệu đồng. Cá biệt, có những thời điểm và đường bay giá lên tới 14 triệu đồng 1 vé khứ hồi.

Ông Phùng Quang Thắng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, gần đây chia sẻ trải nghiệm "khá sốc" của cá nhân, khi ông cùng một số doanh nghiệp đi khảo sát du lịch Phú Quốc từ Hà Nội. Dù chưa vào cao điểm, giá vé máy bay đã 8 triệu đồng khứ hồi. Người mua được rẻ cũng hơn 5 triệu đồng.

Đây là mức giá khá cao, và theo nhiều người làm trong ngành du lịch - lữ hành, mức giá này cao hơn cả tour trọn gói đi Thái Lan 5 ngày 4 đêm đang được nhiều hãng lữ hành chào bán.

Không riêng chặng Hà Nội - Phú Quốc, các chặng bay khác giá vé cũng “nhảy múa” theo ngày, thậm chí theo giờ. Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Vũ Khắc Huy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Kiên Giang, cho biết từ đầu năm đến nay, lượng khách đến tham quan du lịch tại Phú Quốc, đặc biệt là khách nội địa giảm mạnh do chi phí vé máy bay tăng cao. “Hoạt động du lịch Phú Quốc phụ thuộc 80% vào đường bay. Do đó, chi phí vé máy bay tăng cao là trở ngại lớn khiến du khách chuyển hướng không du lịch đến Phú Quốc”, ông Huy khẳng định và cho biết thêm, nếu so sánh với các thị trường khác, kể cả du lịch nước ngoài, giá vé máy bay cao đang khiến Phú Quốc mất lợi thế cạnh tranh du lịch.

Lý giải việc giá vé máy bay tăng “chóng mặt” mỗi khi đến kỳ nghỉ lễ, đại diện các doanh nghiệp hàng không cho biết, giá vé nội địa tháng 3, tháng 4 năm nay cao hơn năm trước một phần do du lịch nội địa đã phục hồi mạnh mẽ, thời điểm khách hàng lựa chọn đi du lịch đa dạng hơn, dẫn đến nhu cầu di chuyển tăng cao. Trong khi đó, dịch vụ vận chuyển hàng không mang tính mùa vụ cao. Giai đoạn cao điểm như hè hay dịp lễ 30/4, nhu cầu đi lại tăng đột biến, trong khi nguồn cung của các hãng có hạn, dẫn đến giá vé bị đẩy lên. Vào ngày thường, nhu cầu đi lại cũng cao hơn cùng kỳ một năm trước sau khi gỡ bỏ mọi hạn chế.

Theo đại diện Vietnam Airlines, giá vé được các hãng thực hiện theo cơ chế dải linh hoạt, gồm nhiều mức từ thấp đến cao với các điều kiện khác nhau để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Loại vé giá thấp sẽ đi kèm hạn chế như không được hoàn hủy, đổi chuyến, giờ bay không đẹp. Khách mua sớm sẽ có cơ hội mua giá thấp, sát ngày phải trả giá cao hơn. Nhu cầu hành khách đi lại tăng cao trong dịp nghỉ lễ 30/4 nên nhiều chuyến bay đã đạt tỷ lệ lấp đầy trên 80%, đa số là các chặng từ Hà Nội và TPHCM đến những điểm du lịch "nóng" như: Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa), Huế, Quy Nhơn (Bình Định), Phú Quốc (Kiên Giang). Giá thấp đã được mua hết, chỉ còn loại giá cao, song mức giá này vẫn nằm trong khung được Bộ Giao thông vận tải quy định.

Khách nội tìm tour ngoại

Vẫn biết, các hãng hàng không sẽ làm trong giới hạn quy định, và “đây là quy luật cung cầu thị trường”, song với việc tăng giá vé như hiện nay, thật khó có thể thiện cảm.

Chị Bùi Thu Trà (phố Ngô Thì Nhậm, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, cách đây hơn 10 ngày chị định đặt vé máy bay cho gia đình đi Đà Nẵng nghỉ 30/4. Nhưng khi đó, đường bay Hà Nội - Đà Nẵng của Vietnam Airlines có giá xấp xỉ 5 triệu đồng/vé khứ hồi; của Bamboo Airways thấp nhất là 5 triệu đồng/vé khứ hồi; Vietjet Air thấp nhất khoảng 4,1 triệu đồng/vé khứ hồi. Trong khi gia đình chị 5 người, tiền vé nếu mua ngay lúc đó đã khoảng 25 triệu đồng. Hai ngày sau, giá đã tăng lên xấp xỉ 32 triệu cho 5 vé khứ hồi”, chị Trà cho biết. Gia đình chị Trà và rất nhiều gia đình khác đã phải từ bỏ mong muốn đi chơi trong nước kỳ nghỉ lễ tới và chuyển sang du lịch nước ngoài.

Theo ông Nguyễn Minh Mẫn - Giám đốc marketing Công ty TST Tourist, khoảng 2.000 khách đặt tour lễ 30/4 - 1/5 qua hãng lữ hành này thì tour nước ngoài chiếm tới 69%, tới các điểm đến: Thái Lan, Dubai, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu… Ghi nhận tại Flamingo, VietSense Travel và nhiều hãng lữ hành, lượng khách đặt tour đi nước ngoài chiếm 60-80% tổng số khách đặt tour dịp 30/4, 1/5.

Đại diện một công ty du lịch tại Hà Nội cũng cho biết, giá vé máy bay nội địa đắt đỏ cộng thêm tour nội địa không có nhiều ưu đãi, nên xuất hiện xu hướng người Việt Nam lựa chọn đi du lịch nước ngoài.

Ông Nguyễn Công Hoan - Tổng Giám đốc Flamingo Redtours, cho rằng, việc giá vé máy bay đắt đỏ khiến giá tour nội địa tăng cao. Sức hấp dẫn của sản phẩm kém đi sẽ ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của điểm đến, không chỉ điểm đến trong nước mà cả hình ảnh du lịch Việt Nam so với các nước.

Nêu quan điểm để “gỡ khó” cho vấn đề này, các chuyên gia du lịch cho rằng, cần có cơ quan điều tiết vận chuyển du lịch. Nói cách khác cần có một “nhạc trưởng”. Theo ông Hoàng Nhân Chính - Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch, hiện nay, giá vé máy bay chiếm từ 40-60% giá thành tour du lịch. Do đó, ngành du lịch và các hãng hàng không cần hợp tác chặt chẽ, sớm lên kế hoạch điều tiết trong các dịp cao điểm. Cần xây dựng một cơ quan, đơn vị có trách nhiệm như một nhạc trưởng định hướng các doanh nghiệp lữ hành, hàng không phát triển đồng đều, giảm tác động của các biến động thị trường. "Nhạc trưởng" không tham gia vào công việc của từng doanh nghiệp, nhưng định hướng cho các doanh nghiệp cùng lên, cùng xuống, cùng hòa ca để có một "dàn đồng ca" hay nhất.

Nếu không giải quyết được vấn đề này, thì việc ngành du lịch Việt Nam đánh mất đi một lượng khách nội địa là điều dễ hiểu. Bởi hiện nay, nhiều gia đình đã chuyển hướng du lịch sang các nước như: Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… khi những điểm đến này có nhiều hãng hàng không cạnh tranh, nguồn cung lớn, giá thấp và chính sách visa thông thoáng.

DIỆP ANH