Đề xuất cấm mua bán sổ bảo hiểm xã hội: Bảo đảm tối đa quyền lợi người lao động
Được ví như “của để dành” cho tuổi già, sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) là tài sản thiết thân của người lao động. Thế nhưng lợi dụng bộ phận người lao động gặp khó khăn nhiều đối tượng đã thu gom mua sổ BHXH của người lao động nhằm trục lợi bất chính.
Nan giải tình trạng mua bán sổ BHXH
Trước đó, tình trạng mua bán sổ BHXH diễn ra tại nhiều địa phương có khu công nghiệp lớn, tập trung đông lao động như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai... Vì khó khăn trước mắt, công nhân rao bán sổ bảo hiểm dưới hình thức ủy quyền, cam kết không đi làm và nếu hủy kèo rút lại sổ sẽ phải đền tiền gấp đôi.
Người bán thường là công nhân trẻ tuổi đi làm vài năm, đóng bảo hiểm xã hội và gặp khó khăn do dịch. Giá thu gom, mua bán, cầm cố sổ BHXH chỉ bằng 30-50% so với giá trị được thanh toán BHXH một lần. Tình trạng này kéo dài khiến lao động mất quyền lợi, dễ sa vào tín dụng đen và nảy sinh tranh chấp gây mất trật tự xã hội. Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thái Bình thống kê giai đoạn 2020-2022 có trên 85.000 trường hợp thu gom kiểu này, trong đó có người gom đến 227 sổ BHXH.
Trước thực trạng này đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu cơ quan bảo hiểm xã hội các địa phương lập danh sách cá nhân nhận ủy quyền gửi cơ quan Công an. Việc này phần nào hạn chế song chưa thể xử lý triệt để.
Vì vậy, góp ý vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), một số địa phương, đơn vị đề nghị bổ sung quy định: Nghiêm cấm hành vi cầm cố, mua bán sổ BHXH; hành vi mượn hồ sơ, giấy tờ của người khác để tham gia quan hệ lao động và tham gia BHXH.
“Để ngăn chặn trục lợi chính sách, đảm bảo quyền lợi người lao động cũng như rõ ràng trong chính sách, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi cần bổ sung quy định cấm mua bán, cầm cố sổ BHXH cũng như mượn hồ sơ của người khác. Hiện Điều 7 dự luật có 8 hành vi nghiêm cấm, song không có hành vi mua bán sổ” - văn bản góp ý dự thảo Luật BHXH sửa đổi nhiều địa phương đề xuất.
Đánh giá kỹ tác động của chính sách
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), để ngăn chặn tình trạng thu gom, mua bán sổ BHXH, các đơn vị cũng đề xuất sửa đổi phương án 2 về rút BHXH một lần theo hướng bỏ quy định chờ sau 12 tháng.
Cụ thể, phương án 2 là sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động hưởng chế độ BHXH khi đủ tuổi nghỉ hưu.
Liên quan đến vấn đề này mới đây Bộ Tư pháp đã có góp ý dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), trong đó đề nghị Bộ LĐTB&XH là cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát để bảo đảm thể hiện đúng và đầy đủ các chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 152/NQ-CP. Theo đó, Bộ Tư pháp cho biết, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) quy định “Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu…”, đồng nghĩa với trường hợp người lao động sau 12 tháng mà thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm sẽ không được hưởng BHXH một lần.
“Quy định này nếu không làm tốt công tác tuyên truyền, giải thích chính sách để người lao động hiểu được cặn kẽ ý nghĩa, mục đích của quy định mới có thể làm phát sinh những phản ứng không tốt như quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Nhất là trong trường hợp người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp có thời gian đóng BHXH ngắn, gặp khó khăn và có nhu cầu nhận BHXH một lần để trang trải cuộc sống trước mắt” - Bộ Tư pháp cho biết.
Ngoài ra, theo Bộ Tư pháp, đối với phương án 2, ngoài việc có thời gian dưới 20 năm đóng BHXH thì dự thảo luật đã có quy định giới hạn người lao động chỉ được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động hưởng chế độ BHXH khi đủ tuổi nghỉ hưu. Bộ Tư pháp cho rằng, quy định này là chưa rõ người lao động có tiếp tục được hưởng BHXH một lần nếu có yêu cầu hay không. Do vậy, Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, quy định rõ nội dung này.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, do nhận thức của một bộ phận người lao động còn chưa đầy đủ, các đối tượng xấu đã lợi dụng quy định trên để tiếp cận, dụ dỗ, lôi kéo người lao động nhằm thực hiện việc mua bán số bảo hiểm xã hội của người lao động với giá rẻ, kèm theo giấy ủy quyền nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội để sau đó làm thủ tục thanh toán với cơ quan bảo hiểm xã hội và hưởng chênh lệch.