Chuẩn hoạt động thanh tra
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa ký Quyết định 293 ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động Đoàn thanh tra của Bộ Nội vụ. Trong đó nêu rõ 12 hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thanh tra công vụ. Đáng chú ý, Quyết định này nghiêm cấm việc đề xuất, tham mưu, quyết định cử người không đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia Đoàn thanh tra.
Cùng đó, Quyết định 293 của Bộ Nội vụ nghiêm cấm việc tiết lộ thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung, kết quả làm việc của Đoàn thanh tra, Báo cáo kết quả thanh tra của thành viên và Đoàn thanh tra, dự thảo Kết luận thanh tra; ý kiến chỉ đạo của Thủ trưởng đơn vị chủ trì Đoàn thanh tra về cuộc thanh tra cho các tổ chức, cá nhân không có trách nhiệm biết. Bên cạnh đó, không được thanh tra vượt thẩm quyền, ngoài phạm vi, đối tượng, nội dung theo Quyết định thanh tra; bỏ lọt, bỏ sót, bỏ qua nội dung thanh tra trong kế hoạch tiến hành thanh tra được phê duyệt.
Quyết định này được đánh giá là nghiêm khắc khi nghiêm cấm đoàn thanh tra báo cáo, tham mưu, đề xuất kết luận sai sự thật, không đầy đủ, không đúng kết quả thanh tra, bao che cho đối tượng thanh tra, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật, bỏ lọt, bỏ sót hành vi vi phạm pháp luật; không kiến nghị xử lý đối với hành vi vi phạm đến mức phải xử lý, không kiến nghị chuyển vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự sang cơ quan điều tra; sử dụng dự thảo Kết luận thanh tra và các tài liệu liên quan để đe dọa đối tượng thanh tra; không báo cáo, phản ánh, xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực của Trưởng đoàn thanh tra, Phó Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra; Tự ý tiếp xúc với đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến nội dung thanh tra khi chưa được giao nhiệm vụ.
Quyết định còn rất chi tiết khi cấm việc tổ chức, tham gia giao lưu, ăn uống với đối tượng thanh tra dưới mọi hình thức. Không được sử dụng rượu, bia trước và trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa các ngày làm việc.
Lâu nay, việc thanh tra vẫn được tiến hành thường xuyên, trong đó có thanh tra chuyên ngành. Nhìn chung, thanh tra hoạt động hiệu quả, phát hiện nhiều sai phạm. Tuy nhiên, trong quá trình thanh tra đây đó các thành viên trong đoàn, kể cả trưởng, phó đoàn thanh tra vẫn vi phạm kỷ luật, một số cá nhân nhũng nhiễu, vòi vĩnh, nhận hối lộ. Từ đó làm sai lệch mức độ vi phạm và bản chất sai phạm; để lọt đối tượng vi phạm.
Trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cùng với các lực lượng khác thì vai trò của thanh tra là hết sức quan trọng. Ngày 30/6/2022, tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã biểu dương các ngành Thanh tra, Kiểm toán có nhiều cố gắng, công tâm, khách quan, làm rõ các sai phạm; đã xử lý và kiến nghị xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan, thu hồi nhiều tài sản cho Nhà nước. Nhất là đã tập trung vào các lĩnh vực có nhiều dư luận về tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm và công khai các sai phạm liên quan đến nhiều dự án gây thất thoát, thua lỗ lớn, dư luận xã hội quan tâm. Từ năm 2012 đến nay, qua công tác thanh tra, kiểm toán, đã xử lý, thu hồi được hơn 975 nghìn tỉ đồng, gần 76 nghìn ha đất; xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân; chuyển cho cơ quan điều tra, xử lý gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu phạm tội; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế hơn 2.000 văn bản, trong đó có nhiều văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp.
Trở lại với việc Bộ trưởng Nội vụ ban hành Quyết định 293 Quy chế tổ chức và hoạt động Đoàn thanh tra của Bộ Nội vụ, xét cho cùng cũng không chỉ là của riêng ngành Nội vụ, mà còn có thể áp dụng chung cho hoạt động thanh tra. Từ khâu đầu tiên là chọn người vào Đoàn thanh tra, cho tới những quy định chi tiết, cụ thể cho tất cả các thành viên phải nghiêm túc thực hiện. Việc này là để hạn chế tới mức tối đa việc thanh tra làm khó dễ đơn vị được thanh tra, cũng không để việc thanh tra kém hiệu quả và càng không để xảy ra sai phạm từ ngay chính hoạt động thanh tra.
Để kết lại bài viết này, xin được dẫn phát biểu của Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, sáng 5/11/2022, khi Quốc hội tiến hành chất vấn đối với lĩnh vực thanh tra. Ông Phong nói: "Vừa qua có phản ánh cán bộ thanh tra cũng có hiện tượng vòi vĩnh. Tôi mong đại biểu (Quốc hội) và cử tri giúp giám sát cán bộ đoàn thanh tra, nếu phát hiện sai phạm thì thông báo, chúng tôi sẽ xử lý".