Ngành tôm nâng sức cạnh tranh
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep) xuất khẩu tôm của Việt Nam trong năm 2023 sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Tôm Việt Nam phải cạnh tranh trực tiếp với Ecuador và Ấn Độ về giá thành.
Giảm sâu ở các thị trường trọng điểm
Nhật Bản là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 17,6% tuy nhiên quý đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt hơn 105 triệu USD, giảm 29% so với cùng kỳ. Tương tự, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt hơn 104 triệu USD, giảm 46% so với cùng kỳ. Lạm phát tăng kỷ lục, sức mua giảm, tồn kho từ năm 2022 còn cao là những yếu tố làm giảm nhu cầu nhập khẩu tôm vào Mỹ.
Quý đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang EU đạt 89 triệu USD, giảm 44% so với cùng kỳ. Nửa đầu năm 2023, nhập khẩu tôm của Hàn Quốc sẽ chậm lại do kinh tế khó khăn. Quý I năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 78 triệu USD, giảm 25% so với cùng kỳ.
Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Vasep cho biết, thông thường, đến đầu quý II hàng năm, các doanh nghiệp (DN) đã có đơn hàng giao đến quý IV, nhưng năm nay phần lớn DN vẫn chưa ký được đơn hàng lớn, chủ yếu là các đơn hàng nhỏ, giao nhanh nhưng giá bán thấp. “Các DN vẫn đang nỗ lực duy trì hoạt động để chờ thị trường hồi phục” – ông Hòe nhận định và cho biết, bước sang quý II/2023 sẽ có nhiều dư địa để ngành tôm phục hồi song những thách thức phía trước còn rất lớn do đó, DN xuất khẩu muốn trụ vững, cần phải có chiến lược tối ưu chi phí, tập trung phát triển sản phẩm giá trị gia tăng; chuyển hướng sang xuất khẩu sản phẩm đặc thù như tôm lúa; chủ động thay đổi cơ cấu sản phẩm để đáp ứng nhu cầu từng phân khúc thị trường.
Ở góc độ DN, ông Lê Văn Quang - Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết, ngành tôm Việt Nam mỗi năm mất đến 10.000 tỷ đồng chi phí kiểm soát kháng sinh từ vùng nuôi đến nhà máy chế biến. Ngoài ra, còn có chi phí kiểm soát kháng sinh ở các nước nhập khẩu mà DN phải chịu và bị trừ vào giá bán. Điều này khiến năng lực cạnh tranh của ngành tôm bị giảm sút.
“Để phát triển ngành thủy sản thì nên tập trung chú trọng nhiều hơn trong việc phát triển con tôm từ khâu nuôi trồng nguyên liệu đến chế biến, xuất khẩu, giúp con tôm Việt Nam cạnh tranh tốt trên thị trường thế giới” - ông Quang nêu quan điểm.
Nâng cao chất lượng tôm Việt
Ngành tôm Việt Nam đang đối diện với các nguy cơ mất lợi thế cạnh tranh về giá thành sản xuất so với Ecuador và Ấn Độ. Điều này đặt ra vấn đề, cần thay đổi tư duy trong tổ chức sản xuất và tối ưu hóa chuỗi cung ứng cũng như hoàn thiện về quy hoạch và thiết kế trang trại nuôi để làm sao kéo giảm chi phí cố định và chi phí biến đổi trong sản xuất để tăng lợi thế cạnh tranh.
“Sự phát triển vượt bậc của nuôi tôm nước lợ tại vùng ĐBSCL trong nhiều năm qua đã góp phần vào phát triển kinh tế cho Việt Nam, tuy nhiên, mặt trái đã có những tác động môi trường từ sản xuất thiếu bền vững. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, đòi hỏi phải có sự quản trị tốt về môi trường, đặc biệt về sử dụng đất, chất lượng nước, thức ăn, nguồn cung cấp giống và công nghệ áp dụng…”, ông Ngô Tiến Chương - Chuyên gia kỹ thuật cao cấp của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) nhấn mạnh.
Để tăng sức cạnh tranh cho con tôm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu các địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật Thủy sản 2017, đặc biệt là quan tâm triển khai đăng ký đối tượng thủy sản nuôi chủ lực như tô sú, tôm thẻ chân trắng và cả tôm sinh thái. Cùng với việc thực thi Luật Thủy sản trong nuôi tôm, sẽ tiếp tục triển khai nhiều đề án liên quan đến phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo bà Kim Thu, chuyên gia thị trường tôm của Vasep, ngành tôm Việt Nam vẫn phải đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức ở cả đầu vào và đầu ra liên quan đến nguồn cung nguyên liệu, từ chất lượng con giống, kiểm soát dịch bệnh, kiểm soát vùng nuôi... Do vậy các DN cần tối ưu chi phí, tập trung nâng chất, nâng giá trị con tôm, chủ động thay đổi cơ cấu sản phẩm để đáp ứng nhu cầu từng phân khúc thị trường, chuẩn bị về nguồn nguyên liệu, năng lực sản xuất để bắt nhịp khi nhu cầu tôm trên thị trường thế giới phục hồi.
Theo ông Lê Văn Quang - Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, ngành tôm Việt Nam mỗi năm mất đến 10.000 tỷ đồng chi phí kiểm soát kháng sinh từ vùng nuôi đến nhà máy chế biến. Ngoài ra, còn có chi phí kiểm soát kháng sinh ở các nước nhập khẩu mà DN phải chịu và bị trừ vào giá bán. Điều này năng lực cạnh tranh của ngành tôm bị giảm sút.