Kỳ vĩ quần thể Khu di tích Mỹ Sơn – Bài 1: Tìm lại hình hài khu di tích
Tháng 12/1999, quần thể Khu di tích Mỹ Sơn (ở xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Hơn 1000 năm trôi qua, tới nay người ta vẫn ngỡ ngàng trước kiến trúc đặc biệt của một quần thể đền tháp vô cùng độc đáo trong một không gian cũng rất độc đáo.
Quần thể Khu di tích Mỹ Sơn nằm ở một thung lũng được bao quanh bởi đồi núi với bán kính khoảng 2km, với hơn 70 công trình kiến trúc bằng gạch đá, được xây dựng từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ 13. Nơi đây được coi là một trong những trung tâm đền đài chính của Ấn Độ giáo ở khu vực Đông Nam Á.
Năm 1898, Khu di tích Mỹ Sơn được phát hiện bởi một học giả người Pháp, ông M.C Paris. Vào những năm đầu thế kỷ 20, hai nhà nghiên cứu của Viện Viễn Đông bác cổ là L.Finot và L. de Lajonquière và kiến trúc sư H. Parmentier đã đến Mỹ Sơn để nghiên cứu văn bia và nghệ thuật kiến trúc điêu khắc Chăm.
Năm 1903-1904, những tài liệu cơ bản nhất về bia ký và nghệ thuật kiến trúc Mỹ Sơn đã được L.Finot chính thức công bố. Từ đây bức màn bí mật về Mỹ Sơn được vén lên.
Hầu hết các đền tháp tại Mỹ Sơn đều quay về hướng Đông, theo quan niệm đó là phương mặt trời mọc, nơi trú ngụ của thần linh. Tuy nhiên cũng có một vài tháp quay về hướng Tây hoặc Đông - Tây, thể hiện tư tưởng hướng về thế giới bên kia của các vị vua sau khi chết được phong thần và để tỏ lòng hoài niệm tổ tiên.
Điều rất đáng trân trọng, ngay từ thời xa xưa những nghệ nhân Chăm đã thổi hồn vào những tượng đất nung, đá sa thạch làm cho chúng có diện mạo, sự rung động, có hồn. Chính họ đã làm cho nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Chăm trở thành thành tựu rực rỡ của nền văn hóa Chăm, là một trong những đỉnh cao của nghệ thuật, văn hóa của các nước khu vực Đông Nam Á.
Theo thời gian, gánh chịu những sự khắc nghiệt của thời tiết cùng với những năm chiến tranh, Khu di tích Mỹ Sơn xuống cấp khá nặng nề.
Ngày 29/4/1979, quần thể Khu di tích Mỹ Sơn được xếp loại là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Từ đây, Việt Nam và cộng đồng quốc tế bắt đầu có nhiều nỗ lực đáng ghi nhận để trùng tu, tôn tạo khu di tích này và giữ gìn được bản sắc riêng cũng như những giá trị đích thực cho mai sau.
Năm 1980, trong chương trình hợp tác văn hóa Việt Nam - Ba Lan, kiến trúc sư Kazimierz Kwiatkowski (1944-1997) đã sắp xếp, gia cố các đền tháp. Ông chính là người có công lớn trong việc tạo dựng bộ mặt của Khu di tích Mỹ Sơn còn lại ngày hôm nay.
Và cứ thế, trong hành trình tìm lại hình hài vốn có cũng như những giá trị cổ xưa của mình, Khu di tích Mỹ Sơn đã tiếp nhận, hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước, chuyên gia đến từ nhiều quốc gia, nhiều cơ quan của Trung ương, địa phương.
Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cho biết, cuối năm 2008, Chính phủ phê duyệt dự án quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Mỹ Sơn, giai đoạn (2008-2020), với tổng diện tích nghiên cứu đưa vào phạm vi quy hoạch gần 11.160ha. Với định hướng chiến lược là bảo tồn khu di tích một cách bền vững, lâu dài, tương xứng với giá trị và phù hợp với điều kiện môi trường tự nhiên, xã hội.
Để bảo tồn di tích, Italia và Việt Nam đã đầu tư thực hiện “Dự án trùng tu tôn tạo nhóm tháp G tại Khu di tích Mỹ Sơn”. Đây là nhóm tháp được cho là quan trọng nhất tại khu vực Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn và đã đem lại những kết quả thực sự ý nghĩa. Nói về dự án này bà Katherine Muller Marin - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam cho rằng, dự án là minh chứng cho sức mạnh của quan hệ đối tác giữa của Chính phủ Italia - Việt Nam thông qua sự điều phối của UNESCO. Nhờ đó du khách có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về một báu vật vô giá của nhân loại.
Gần đây, Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn cho biết, dự án hợp tác song phương giữa Chính phủ Ấn Độ và Việt Nam trùng tu các nhóm tháp K, H, A đã đạt được nhưng kết quả quan trọng, phát hiện nhiều hiện vật có giá trị, trong đó có bộ Linga - Yoni liền khối lớn nhất Việt Nam (đài thờ A10), được công nhận Bảo vật quốc gia năm 2021.
Được biết, tháng 9/2022, Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn và các chuyên gia Ấn Độ đã phối hợp thực hiện xong dự án trùng tu các công trình kiến trúc thuộc nhóm tháp A. Dự án giúp gia cố, tái định vị hoàn chỉnh tường phía Nam tháp A1, hoàn chỉnh trùng tu tháp A12, A13… Đồng thời cũng chính thức kết thúc chặng đường 6 năm triển khai dự án “Bảo tồn, tôn tạo di sản văn hóa thế giới Khu đền tháp Mỹ Sơn” do Chính phủ Ấn Độ tài trợ (2016 - 2022).
Theo ông Phan Hộ - Giám đốc Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn, năm 2022 được xem là cột mốc quan trọng đánh dấu những kết quả đạt được trên lĩnh vực bảo tồn, trùng tu di sản, trọng tâm là dự án hợp tác trùng tu với Ấn Độ. Thành công của nhóm tháp A trong năm 2022 là thành công của công tác bảo tồn di sản ở Mỹ Sơn bởi đây là nhóm tháp bị hư hại rất nhiều. Ông Hộ cũng cho rằng, từ chỗ có nguy cơ thành phế tích, đến nay Mỹ Sơn đã hồi sinh.
Ngày 4/12/1999 tại Maroc, UNESCO đã vinh danh Mỹ Sơn là Di sản Văn hóa thế giới với 2 tiêu chuẩn: Là điển hình nổi bật về sự giao lưu văn hóa với sự hội nhập văn hóa bên ngoài vào văn hóa bản địa, đặc biệt là nghệ thuật kiến trúc Ấn Độ giáo; và phản ánh sinh động tiến trình phát triển lịch sử văn hóa Chăm trong lịch sử Đông Nam Á. Ngày nay, khu di tích Mỹ Sơn còn 30 đền tháp, nhưng không công trình nào còn nguyên vẹn và vẫn tiếp tục được trùng tu.
(Còn nữa)