Giáo viên có nên sử dụng Tiktok để truyền cảm hứng cho học sinh?
Không khó để tìm những clip của các thầy cô giáo quay có hình ảnh học sinh đăng tải trên mạng xã hội Tiktok, Facebook. Có những video đăng tải thu hút đến hàng triệu lượt xem và hàng nghìn lượt bình luận, đánh giá.
Sử dụng hình ảnh học sinh để làm "content" Tiktok
Thời gian qua hàng loạt video về chủ đề đi dạy của giáo viên nhưng lấy học sinh của mình ra làm "content" xuất hiện trên mạng xã hội Tiktok. Các đoạn video ấy thu về không ít ý kiến trái chiều từ phía phụ huynh của học sinh.
Gần đây, một clip kể lại áp lực đi dạy của một giáo viên tiểu học thu hút lượng lớn người xem. Đáng chú ý, trong clip này, giáo viên đã quay cận mặt từng bạn học sinh. Đồng thời, cô cũng chỉ ra mối quan hệ của các học sinh này với ban cán sự của nhà trường.
Ngay sau khi được đăng tải, đoạn video đã thu về nhiều lượt like và comment. Tuy nhiên, nhiều comment trong số đó đến từ phụ huynh học sinh. Họ lo lắng rằng, nếu để học sinh tiếp cận với Tiktok quá sớm sẽ gây ra những ảnh hưởng xấu đến các bạn học sinh ở độ tuổi này.
Trên top trending Tiktok, không khó để bắt gặp những video có tiêu đề như “quyền lực của giáo viên”, “đu trend cùng học sinh” hay“ những áp lực khi đi dạy”... do chính các thầy cô đăng tải. Những video này thu hút từ vài trăm nghìn đến hàng triệu lượt xem và hàng nghìn lượt bình luận, đánh giá.
Thế nhưng ít ai để ý, trong phần mô tả Tiktok trên ứng dụng Appstore hay Ch Play đều gắn kèm độ tuổi sử dụng phần mềm là trên 12 tuổi. Trong khi đó tiêu đề 12+ dành cho những chủ đề người lớn không thường xuyên và ở mức độ thô tục, kích dục nhẹ.
Chị Nguyễn Thu Hà (quận Ba Đình, Hà Nội) băn khoăn về việc để học sinh bậc tiểu học tiếp cận với nền tảng Tiktok sớm ít nhiều sẽ gây ảnh hưởng tới khả năng phát triển của các em trong tương lai.
Ngoài ra, chị Hà cũng cho rằng việc sử dụng hình ảnh học sinh như vậy là hoàn toàn không phù hợp với pháp luật nếu như phụ huynh học sinh không đồng ý.
“Hiện nay Luật an ninh mạng, Luật trẻ em, các văn bản pháp luật có liên quan đều có những quy định bảo vệ trẻ em, đặc biệt là bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Với những hình ảnh của cá nhân người khác, nhất là trẻ em, người đăng tải clip phải hết sức thận trọng”, chị Hà nói.
Cách tiếp cận sai?
Trao đổi về vấn đề này, TS Đoàn Trung Sơn - Chuyên gia an ninh mạng khẳng định: “Việc sử dụng Tiktok để truyền cảm hứng cho học sinh là một cách tiếp cận sai. Bởi Tiktok là một nền tảng mạng xã hội để chia sẻ và lan truyền thông tin giống như Facebook và Youtube”.
Sử dụng Tiktok để truyền cảm hứng trong giảng dạy là một cách đánh tráo khái niệm. Tiktok có thế mạnh là hình ảnh và video ngắn, hình ảnh và âm thanh hấp dẫn. Thuật toán của Tiktok cho phép người dùng điều phối dễ tiếp cận cộng đồng.
Theo TS Đoàn Trung Sơn, các giáo viên quay clip đăng lên Tiktok mục đích sử dụng chính là xây dựng thương hiệu cá nhân, xây kênh quảng bá công việc giảng dạy của mình. Và việc tự ý đưa hình ảnh và âm thanh liên quan đến cá nhân học sinh lên mạng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro không mong muốn cho học sinh. Hành vi đó nhiều khi sẽ vi phạm quy định riêng của nhà trường và nhiều nơi đã bị cấm.
TS Đoàn Trung Sơn cũng đánh giá, mạng xã hội rất dễ gây nghiện bởi vì sự hấp dẫn của các nội dung trong video. Các nền tảng như Tiktok nói riêng và các mạng xã hội nói chung có tính thông tin đa chiều. Tiềm ẩn nhiều nội dung xấu độc.
“Với sự nhận thức có chừng mực của học sinh khi tiếp nhận thông tin đó sẽ dẫn tới những hành vi không mong muốn. Đồng thời việc người trẻ sử dụng Tiktok quá nhiều có thể dẫn tới ảnh hưởng tới cuộc sống bên ngoài”, TS Đoàn Trung Sơn cảnh báo.