Hòa Bình: Nhiều vị trí cảng, bến thủy nội địa chưa được thực hiện theo Quy hoạch cục bộ
Sở GTVT Hòa Bình cho rằng việc các bến thủy trên sông Bôi đến nay chưa được cấp phép là do UBND tỉnh Hòa Bình mới chỉ phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phát triển hệ thống cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong khi, Quy hoạch chung tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 chưa được hoàn thiện.
Trước đó, Báo Đại Đoàn Kết phản ánh về việc nhiều năm qua, các bến thủy nội địa, bãi tập kết vật liệu, dăm gỗ của tổ chức/cá nhân được xây dựng trên dòng sông Bôi thuộc địa phận huyện Lạc Thủy hoạt động dù chưa được cấp phép. Thậm chí, quá trình hoạt động còn gây ô nhiễm môi trường, vi phạm hành lang đê điều... mà không hề được xử lý dứt điểm.
Trao đổi với PV về vấn đề này, Đại diện Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Hòa Bình cho biết, ngày 1/12/2020, UBND tỉnh Hòa Bình đã có văn bản số 2957 về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phát triển hệ thống cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, phương án bố trí hệ thống bãi tập kết và kinh doanh cát, sỏi trên địa bàn tỉnh Hòa Bình cụ thể là bố trí 10 vị trí đồng bộ với vị trí cảng, bến thủy nội địa với tổng diện tích đất sử dụng là 28,495 ha. Trong đó huyện Lạc Thủy có 3 vị trí với diện tích là 2,37 ha.
Các cụm bến trên sông Bôi (thuộc địa phận huyện Lạc thủy) mới được UBND tỉnh Hòa Bình bổ sung vào quy hoạch bao gồm: Cụm bến Mạnh Tiến, cụm bến Hồng Phong và bến Gốm Mỹ - HB (xã Yên Bồng); cụm bến Liên Hồng, cụm bến Liên Sơn và bến Đồng Bông (xã Khoan Dụ); cụm bến Cáy (xã Thống Nhất); cụm bến Nhà máy in tiền và cụm bến Đồng Sắn (xã Phú Nghĩa).
Tuy nhiên, Quy hoạch phát triển hệ thống cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 phải nằm trong Quy hoạch chung tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và hiện tại UBND tỉnh Hòa Bình chưa hoàn thiện quy hoạch này. Do đó, chưa đủ cơ sở để cấp phép hoạt động cho các bến thủy nội địa mới được bổ sung trên sông Bôi.
Thông tin từ phía Sở GTVT Hòa Bình được biết, ngày 28/10/2022, UBND tỉnh đã có Văn bản số 1881 gửi 19 Bộ, ban, ngành Trung ương đề nghị tham gia ý kiến vào dự thảo Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đến ngày 29/12/2022, UBND tỉnh Hòa Bình đã nhận được ý kiến tham gia của 18/19 Bộ, ngành Trung ương. Sau đó đã rà soát, tổng hợp ý kiến để trình các cấp có thẩm quyền thẩm định, sớm hoàn thiện công tác lập quy hoạch tỉnh.
Trước đó, UBND huyện Lạc Thủy đã có văn bản số 626 ngày 12/7/2019 gửi Sở GTVT tỉnh Hòa Bình về việc đề xuất bổ sung cục bộ Quy hoạch phát triển hệ thống cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn huyện Lạc Thủy đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân phát triển kinh tế, phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm của người dân, đảm bảo ổn định, bền vững, thúc đẩy phát triển KT – XH tại địa phương.
Tuy nhiên, các bến thủy được đề xuất chưa được cấp phép dẫn đến việc nhiều bãi tập kết vật liệu, bến thủy tự phát của người dân, đơn vị xây dựng và hoạt động trái phép trên dòng sông Bôi vi phạm hành lang đê điều, gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông… đã nhiều năm.
Theo văn bản số 2957 ngày 1/12/2020 của UBND tỉnh Hòa Bình về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phát triển hệ thống cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. UBND tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp với Sở giao thông vận tải, cập nhật, triển khai thực hiện hiệu quả nội dung điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phát triển hệ thống cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Tổ chức thực hiện việc di chuyển các điểm kinh doanh cát, sỏi không phù hợp quy hoạch về các vị trí tập kết theo đúng quy hoạch được phê duyệt. Phối hợp với các Sở, ngành liên quan thực hiện việc cắm mốc quy hoạch được phê duyệt, đảm bảo quản lý hiệu quả, đúng quy định.
Thường xuyên kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm về việc sử dụng bãi chứa cát, sỏi trên địa bàn không đúng mục đích, tập kết cát, sỏi không rõ nguồn gốc, các bến thủy nội địa hoạt động trái phép, không nằm trong quy hoạch được duyệt.
Tuyên truyền, phổ biến đến các tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý nội dung điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phát triển hệ thống cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Thực hiện việc kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân trong hoạt động tập kết, vận chuyển cát, sỏi trên địa bàn.
Yêu cầu chủ các bãi tập kết kinh doanh cát, sỏi có cam kết đảm bảo tập kết, kinh doanh cát, sỏi có nguồn gốc hợp pháp; vận chuyển đúng tải trọng cho phép; cam kết không ảnh hưởng môi trường trong quá trình tập kết, vận chuyển cát sỏi; trường hợp không thực hiện nghiêm sẽ bị đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép hoạt động kinh doanh theo quy định.
Đồng thời, chỉ đạo UBND cấp xã, phường nơi có các điểm bến, bãi trong quy hoạch có trách nhiệm quản lý, bảo vệ, giám sát hoạt động của các tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép trên địa bàn; bảo đảm an ninh, trật tự xã hội tại khu vực.