Đa dạng thị trường xuất khẩu

K.Lê 25/04/2023 05:48

Trong bối cảnh các thị trường Âu - Mỹ đang gặp khó khăn do sức mua giảm mạnh thì nhiều tín hiệu cho thấy hàng hóa xuất khẩu đang có cơ hội tại các thị trường khu vực châu Á.

Ngành rau quả được dự báo có nhiều tín hiệu khả quan trong quý II. Ảnh: Quang Vinh.

Linh hoạt thích ứng

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa quý I ước đạt 79,17 tỷ USD (giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực sụt giảm rõ nét. Theo đó, thủy sản mang về 1,85 tỷ USD, giảm 27% so với cùng kỳ; nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện giảm 1,87 tỷ USD; dệt may giảm 1,54 tỷ USD... Tuy nhiên, xuất khẩu một số nhóm hàng trong quý I/2023 vẫn đạt mức tăng khả quan so với cùng kỳ năm trước.

Tháng 3/2023, xuất khẩu gạo đạt 962 nghìn tấn, trị giá là 509 triệu USD, tăng 79,9% về lượng và tăng 77,9% về trị giá so với tháng trước. Đây là tháng xuất khẩu gạo đạt mức cao nhất từ trước tới nay. Tính chung trong quý I/2023, cả nước xuất khẩu 1,85 triệu tấn gạo với trị giá 981 triệu USD, tăng 23,4% về lượng và tăng 34,3% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Rau quả xuất khẩu cũng có mức tăng trưởng khá. Theo đó, tăng trưởng xuất khẩu rau quả trong quý I/2023 ước đạt gần 1 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2022, ngành rau quả phát tín hiệu tốt cho xuất khẩu trong năm 2023, sau xuất khẩu lúa gạo.

Nói về con số tăng trưởng xuất khẩu của ngành rau quả, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, trong quý I/2023, xuất khẩu rau quả chỉ tăng từ 7-8% là do nhu cầu tiêu thụ trong dịp Tết âm lịch tăng cao nên tháng 1 và tháng 2 tăng trưởng nóng, sau Tết nhu cầu giảm nên xuất khẩu chậm lại.

Có thể thấy, bức tranh xuất khẩu những tháng đầu năm có phần ảm đạm. Ngoài nguyên nhân do sức cầu hàng hóa thế giới suy giảm, nhiều ý kiến cho rằng, do các thị trường khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc đều có những yêu cầu cao hơn về chất lượng hàng hóa nhập khẩu. Đây cũng là lý do khiến đơn hàng của DN Việt chưa tăng như kỳ vọng.

Thực tế này buộc các DN trong nước phải linh hoạt thích ứng, tiếp tục nâng quy chuẩn chất lượng sản phẩm, giá cả cạnh tranh để thu hút các đơn hàng quay trở lại.

Những tín hiệu tích cực

Nhận định về tình hình xuất khẩu thời gian tới, Bộ Công thương cho rằng, sẽ còn không ít khó khăn nhưng cũng có những tín hiệu tích cực. Một số nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Mỹ tăng trưởng cao hơn dự báo; một số nền kinh tế đang nổi tại châu Á tăng trưởng khả quan. Chỉ số sản xuất công nghiệp dù có giảm nhưng xu hướng tăng dần qua các tháng; nhập khẩu nguyên phụ liệu có dấu hiệu tăng… là những yếu tố dự báo tình hình sản xuất, xuất nhập khẩu trong thời gian tới sẽ khả quan hơn.

Cũng đặt kỳ vọng vào bức tranh xuất khẩu trong quý II, bà Lệ Hằng - Giám đốc truyền thông Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho rằng, xuất khẩu thủy sản có thể hồi phục dần từ quý II, sau khi diễn ra các chương trình hội chợ quốc tế tại Mỹ và EU thu hút thêm các bạn hàng đến với Việt Nam.

Với ngành rau quả, ông Đặng Phúc Nguyên cũng cho rằng từ những tín hiệu khả quan từ thị trường Trung Quốc trong quý I cũng như nhu cầu nhu cầu nhập khẩu trái cây từ thị trường này dự báo kim ngạch xuất khẩu rau quả trong quý II có thể tăng 10%, thậm chí cao hơn. Như vậy, cả 2 quý đầu năm, kim ngạch xuất khẩu rau quả ước đạt tương đương 2 tỷ USD.

Thông tin cụ thể về giải pháp giữ vững đà tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2023, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Bộ xác định tiếp tục đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu; chú trọng phát triển xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới, hệ thống phân phối nước ngoài và đẩy mạnh phát triển thương hiệu hàng Việt Nam. Đặc biệt là gia tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa có hàm lượng chế biến sâu, công nghệ cao và tỷ lệ nội địa hóa lớn.

Giới chuyên gia nhận định, năm 2023, xuất khẩu tiếp tục được xác định là động lực quan trọng cho tăng trưởng của nền kinh tế, với mục tiêu tăng trưởng khoảng 6%. Mặc dù, mục tiêu này thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của năm 2022 (10,5%), song trong tình hình hiện nay, mục tiêu này vẫn là thách thức lớn. Để đạt được mục tiêu đề ra, các bộ, ngành, địa phương và nhất là các hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp cần nỗ lực và phối hợp tốt hơn nữa.

K.Lê