Phong tỏa tài khoản
Một trong những nội dung đáng chú ý tại Tờ trình Thanh tra Chính phủ gửi Chính phủ về dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra, là tiến hành phong tỏa tài khoản của đối tượng ngay khi có dấu hiệu tẩu tán tài sản. Nghị định sẽ là căn cứ để yêu cầu phong tỏa tài khoản khi đối tượng bị thanh tra có dấu hiệu tẩu tán tài sản.
Theo đó, thủ trưởng cơ quan thanh tra, thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, trưởng đoàn thanh tra quyết định phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra để phục vụ cho hoạt động thanh tra.
Dự thảo Nghị định quy định rõ chi tiết, trình tự quá trình phong tỏa cũng như trách nhiệm của tổ chức tín dụng nơi đối tượng thanh tra có tài khoản khi nhận được quyết định phong tỏa tài khoản của người có thẩm quyền.
Quyết định phong tỏa tài khoản được gửi cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam nơi đối tượng thanh tra có tài khoản. Tổ chức tín dụng, đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thực hiện đầy đủ và kịp thời yêu cầu phong tỏa tài khoản của cơ quan thanh tra.
Đây được coi là biện pháp cần thiết để ngăn chặn, thu hồi tài sản bất hợp pháp, tài sản do phạm tội, tham nhũng mà có.
Tẩu tán, che giấu tài sản là hành vi chia nhỏ, cất giấu tiền, vật (tài sản phạm pháp) để không bị thu giữ. Thực tiễn cho thấy, đối tượng phạm tội thường cố ý che giấu, tẩu tán mọi tài sản, kể cả những tài sản thuộc sở hữu của chính mình trước và ngay khi phạm tội. Chính vì thế, việc thu tài sản do phạm pháp để sung công quỹ kết quả thấp, do đối tượng đã kịp thời tẩu tán tiền bạc, tài sản.
Điều đó cũng là do hoạt động thu giữ, xử lý tài sản phi pháp thường gắn với các bước nghiệp vụ pháp lý phải xuyên suốt quá trình tố tụng hình sự, mất rất nhiều thời gian. Vì thế nhiều khả năng đối tượng phạm pháp đã kịp tẩu tán tài sản, cơ quan chức năng thì “chậm chân” nên không thu hồi được. Vì vậy việc nhận diện tài sản phạm pháp, đề nghị phong tỏa ngay từ giai đoạn tiền tố tụng là rất cần thiết; tránh trường hợp vì những khó khăn, phức tạp của vụ án mà không đáp ứng mục tiêu cuối cùng là thu hồi được tài sản liên quan đến tội phạm tham nhũng, kinh tế.
Đáng chú ý, trong việc tẩu tán tài sản do phạm tội mà có thường có sự hiện diện của người thân, như cha mẹ, vợ chồng, con, anh em, họ hàng… Vì vậy, cùng với việc tiến hành phong tỏa tài khoản, “kiểm đếm tài sản” của đối tượng ngay từ giai đoạn tiền tố tụng sẽ hạn chế được những phức tạp pháp lý mà không phải vụ án nào cũng giải quyết được.
Số liệu từ cơ quan chức năng cho thấy, trước năm 2013, kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng trung bình chỉ đạt khoảng 10% trên tổng số phải thu hồi. Đến nay, kết quả này đã được nâng lên. Cụ thể, kết quả bình quân giai đoạn 2013 - 2020 đạt hơn 32%. Đặc biệt là năm 2019 và năm 2020, khi có sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với việc thành lập 5 Đoàn kiểm tra thì kết quả thu hồi tài sản do tham nhũng mà có đạt hiệu quả tích cực hơn. Năm 2020, tài sản thu hồi được bằng 61% tổng số tài sản đã thu hồi được trước đây. Còn nhìn chung, việc thu hồi tài sản qua những vụ án kinh tế, tham nhũng đạt khoảng 40%.
Nhân đây cũng xin được đề cập đến việc tố giác tội phạm kinh tế, tham nhũng. Những đối tượng này thường là chức vụ cao, quan hệ rộng, tổ chức thành đường dây nên khó phát hiện. Mặt khác cũng là do ngán ngại “uy quyền” của đối tượng mà cấp dưới của người có hành vi sai phạm e dè, sợ sệt không dám tố cáo.
Cùng đó, kiểm tra, xác minh việc thực hiện kê khai và công khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn không hiệu quả. Điều đó thể hiện ở nhiều vụ án trước khi bị bắt đối tượng phạm pháp tự kê khai tài sản hầu như không đáng kể, “sạch” cả. Nhưng khi phát giác, đối tượng không chỉ có một nhà mà nhiều nhà; có cả biệt thự, biệt phủ sang trọng. Đáng tiếc là những tài sản khủng ấy khó thu hồi vì đã đứng tên người khác.
Vì thế, việc kiểm đếm tài sản, phong tỏa tài khoản ngay từ lúc tiền tố tụng phải được xem là việc cần làm ngay trước khi cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định, là cơ sở cho việc thu hồi tài sản tham nhũng một cách hiệu quả nhất.