Người dân vùng sạt lở núi về nhà mới
Chúng tôi trở lại Nam Trà My (Quảng Nam) vào những ngày địa phương đang tập trung di dời 51 hộ dân làng Tăk Tố (xã Trà Don) đến nơi ở mới. Đây là số hộ dân nằm trong hơn 7.820 hộ được hưởng chính sách hỗ trợ nhằm sắp xếp, ổn định đời sống của bà con vùng sạt lở do HĐND tỉnh Quảng Nam thông qua (Nghị quyết 23) hồi tháng 7/2021, giai đoạn 2021-2025, với số vốn đầu tư hơn 968 tỷ đồng.
Nam Trà My là vùng đất quanh năm đối diện với những vụ sạt lở núi. Theo kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên thì huyện Nam Trà My có khoảng 15 điểm nguy cơ cao về sạt lở núi, tập trung tại các xã Trà Leng, Trà Vân, Trà Mai, Trà Don...
Di dân vì sạt lở núi
Vùng đất này đã từng xảy ra những vụ sạt lở núi kinh hoàng, như ngày 28/10/2020 tại nóc Ông Đề (xã Trà Leng) vụ sạt lở núi đã vùi lấp 15 ngôi nhà, 55 người chết, bị thương và mất tích. Lực lượng chức năng đã cứu sống 33 người, tìm thấy 10 người chết, đến nay vẫn còn 12 người mất tích. Hay trước đó tại xã Trà Vân cũng thuộc Nam Trà My, một vụ sạt lở núi đã cướp đi 8 sinh mạng con người, nhiều ngôi nhà bị chôn vùi trong đất đá.
Vì thế việc di dời người dân đến nơi an toàn là việc làm cấp bách và dân làng Tak Tố đang được chính quyền hỗ trợ di dời.
Từ tháng 11/2022, xã Trà Don bắt đầu di dời làng Tăk Tố đến nơi ở mới, đến nay một số hộ đã vào ở, nhiều hộ đang dựng nhà. Chính quyền và Mặt trận, các đoàn thể đã rất quan tâm giúp đỡ người dân trong công việc này, từ việc hỗ trợ vật chất đến hỗ trợ con người để di chuyển tài sản trong quá trình xây dựng nhà cửa nơi ở mới.
Lúc chúng tôi có mặt ở đây, người làng Tăk Tố đang cùng nhau làm đường bê tông chạy vào làng mới. Ngoài số tiền hỗ trợ 10 triệu đồng mỗi hộ, nếu phát sinh thêm thì người dân đóng góp. Trước đây làng Tăk Tố không có đường, mỗi khi ra quốc lộ 40B, bà con phải đi bộ đường rừng gần 1 giờ. Nay đường bê tông mở ra, chạy xe máy hết 10 phút.
Chúng tôi gặp anh Đinh Ngọc Vũ trong lúc đang ra gỗ để dựng nhà. Anh Vũ cho biết: “Ở nơi cũ chúng tôi sống trong sự lo lắng vì cuối năm 2020 ngọn núi sau làng đã bị sạt lở. Còn các xã gần đó đã có nhiều người chết do sạt lở nên ai cũng lo sợ. Chúng tôi vô cùng cảm ơn sự quan tâm của chính quyền các cấp tạo điều kiện đưa người dân về nơi ở mới, an toàn”.
Còn bà Hồ Thị Láy - làng Tăk Tố cho biết: “Gia đình mình thuộc diện hộ nghèo, việc di dời tốn kém, song được Nhà nước hỗ trợ và có nơi ở mới rộng hơn chỗ cũ và gần đường, nên rất thuận tiện”.
Hay như gia đình chị Hồ Thị Đăng có 7 người, được cấp 200m2 đất để dựng ngôi nhà mới, chị cho biết: “Gia đình mình được hỗ trợ 95 triệu đồng, trong đó thuê xe múc san lấp 25 triệu đồng, còn thì không phải bỏ tiền thêm. Làng cũ chỗ ở chật chội lắm lại còn lo sợ sạt lở núi khi mưa lũ. Nay về đây rộng rãi hơn, có thể dựng thêm một nhà nữa cũng được, an tâm, mừng lắm”.
Vào cuộc chăm lo cho dân
Ông Lê Trung Thực - Chủ tịch xã Trà Don, cho biết, Trà Don toàn đồi núi dốc, việc tìm kiếm mặt bằng rất khó khăn nhưng chính quyền luôn chăm lo đến cuộc sống của người dân, không chỉ hỗ trợ xây dựng các hạng mục hạ tầng như điện, đường mà việc xây dựng nhà cửa đều được hỗ trợ.
Anh Trần Văn Thảo - người dân ở đây cho biết một cách cụ thể: “Khi đồng ý đến nơi ở mới, mỗi hộ chúng tôi được cấp 150 - 200m2, 20 triệu đồng di chuyển nhà, 30 triệu đồng để san lấp nền, 40 triệu đồng mua vật liệu làm nhà, 10 triệu đồng làm đường dân sinh bê tông, 5 triệu đồng làm công trình vệ sinh. Còn sau khi xây dựng, chính quyền xã sẽ đến nghiệm thu. Ai muốn nhà đẹp hơn thì bỏ thêm tiền”.
Cách Tăk Tố 50km, làng Tăk Răng (xã Trà Cang) cũng thuộc huyện Nam Trà My nằm dưới chân núi Ngọc Linh, mới đón nhận 82 hộ dân từ nơi nguy cơ sạt lở di chuyển đến. Khu dân cư rộng hàng chục héc ta làm theo kiểu bậc thang, mỗi bậc là 1 đến 2 ngôi nhà, chạy xuôi theo sườn núi. Đường chạy quanh làng Tăk Răng cũng sắp được đổ bê tông sau khi xử lý xong mặt nền.
Thực hiện Nghị quyết 23 của HĐND tỉnh Quảng Nam, đến nay huyện Nam Trà My đã di dời hơn 250 hộ dân thuộc vùng nguy cơ sạt lở núi; xây dựng khu dân cư Bằng La (xã Trà Leng) với diện tích hơn 6ha, gồm 39 căn nhà sàn bê tông cấp 4, mái lợp tôn, cùng với đó là các công trình trường học mẫu giáo, nhà sinh hoạt cộng đồng để người dân vùng sạt lở đến đây sinh sống cảm thấy an tâm.
Lãnh đạo xã Trà Leng cho biết, trước đây cuộc sống người dân rất khó khăn, nhưng nhờ sự vào cuộc nhanh chóng của chính quyền, Mặt trận các cấp cùng các nhà hảo tâm đã giúp cho vùng đất này sớm hồi sinh.
Năm 2022 người dân gieo lúa, ngô được 134 ha, thu về 414 tấn. Hiện nay xã có đàn gia súc, gia cầm hơn 2.000 con, trong đó trâu là 152 con, bò là 75 con, heo hơn 360 con. Sản lượng quế hàng năm đạt khoảng 140 tấn, thu về khoảng 8,4 tỷ đồng.
“Sau di dân đến nơi ở mới, cuộc sống nơi đây giờ đã đổi thay rất nhiều, vì có chỗ ở ổn định, có công ăn việc làm. Chính quyền luôn tìm cách giúp người dân phát triển kinh tế để bà con không chỉ thoát nghèo, mà còn có cơ hội vươn lên làm giàu” - Chủ tịch UBND xã Trà Leng nói.
Còn ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, cuộc sống của người dân vùng sạt lở Trà Leng, Trà Vân bây giờ đã ổn định. UBND tỉnh Quảng Nam đầu tư hơn 100 tỷ đồng xây dựng tuyến đường ĐH1 từ Trà Dơn vào Trà Leng để bà con đi lại thuận lợi, còn những nơi hiện nay đang xây dựng như làng Tăk Tố, làng Tăk Răng để di dân, chính quyền luôn làm hết sức để giúp bà con sớm có nơi ở mới ổn định.
“UBND huyện cũng đã phối hợp với chính quyền các xã tổ chức tuyên truyền tập huấn cho bà con cách chăm sóc và bảo vệ các loại cây trồng và tiếp tục phát triển trồng cây quế, cây dổi rừng, cây cau và các loại cây ăn quả. Qua đó góp phần cải thiện đời sống, nâng cao kinh tế cho người dân”- ông Dũng nói.
Tuy nhiên, đề phòng sạt lở ở Nam Trà My, Viện Khoa học và thủy lợi miền Trung - Tây Nguyên đã xây dựng bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở cấp huyện tỷ lệ 1/5000 và cấp xã tỷ lệ (1/1000 - 1/2000);đồng thời xây dựng bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất cho 3 huyện (Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn) với tỷ lệ 1/50000 và toàn tỉnh 1/100000. Cùng với đó, tập huấn, hướng dẫn người dân kỹ năng nhận biết về phòng, chống thiên tai nói chung và sạt lở đất nói riêng.
Mặt trận tham gia giám sát chặt chẽ việc di dời
Bà Nguyễn Thị Huệ - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) cho biết, Mặt trận huyện đã tham gia giám sát chặt chẽ việc di dời cho các hộ dân ở xã Trà Don, xã Trà Cang đến nơi ở mới. Mặt trận xây dựng kế hoạch, cùng chính quyền địa phương xuống cơ sở để lấy ý của bà con. Nếu trong quá trình giám sát mà phát hiện có vướng mắc gì liên quan đến bố trí nơi ở, đất đai sản xuất cho nhân dân thì Mặt trận sẽ báo cáo các ngành chức năng huyện để cùng xử lý. Từ đó góp phần đẩy nhanh tiến độ để người dân sớm ổn định cuộc sống. “Quá trình di dời người dân ở làng Tăk Tố và làng Tăk Răng không xảy ra khiếu nại, vướng mắc của bà con về chính sách hỗ trợ xây dựng nhà cửa, đất sản xuất được giải quyết thỏa đáng đúng quy định pháp luật. Hiện tại một số hộ dân đã vào sinh sống nơi ở mới, cuộc sống đã ổn định, yên tâm làm ăn, vươn lên thoát nghèo”- bà Huệ cho biết.