Những chiêu gian lận hóa đơn điện tử

T.Hằng - P.Vân 26/04/2023 07:56

Hóa đơn điện tử là bước tiến quan trọng nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số đối với cơ quan nhà nước nói chung, cơ quan thuế nói riêng và phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của thương mại, thì tình trạng gian lận nói chung và gian lận, mua bán hóa đơn điện tử nói riêng ngày càng nhiều và tinh vi.

Tích cực phối hợp trong nội ngành để thực hiện tốt công tác xác minh, chặn mua bán hóa đơn điện tử.

Nhiều chiêu trò

Thực hiện Luật Quản lý thuế, ngày 21/4/2022, Bộ Tài chính đã triển khai hệ thống hóa đơn điện tử (HĐĐT) trên phạm vi toàn quốc như một cam kết tích cực đồng hành cùng doanh nghiệp trong hành trình chuyển đổi số, góp phần cùng ngành Tài chính và Chính phủ đạt được các mục tiêu quốc gia về chuyển đổi số, cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, Tổng cục Thuế nhận thấy đã xuất hiện một số tổ chức, cá nhân gian lận trong việc phát hành, sử dụng HĐĐT nhằm chiếm đoạt tiền thuế.

Ông Vũ Mạnh Cường - Cục trưởng Cục Thanh tra, kiểm tra thuế (Tổng cục Thuế) cho biết, lợi dụng sự thông thoáng của cơ chế, chính sách, vẫn còn một số đối tượng đã thành lập doanh nghiệp (DN) để mua bán và sử dụng hóa đơn không hợp pháp, có các hành vi gian lận khi sử dụng hóa đơn để chiếm đoạt tiền của ngân sách nhà nước với các thủ đoạn hết sức tinh vi, phức tạp.

Các đối tượng đã sử dụng chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân giả mạo/mất cắp, thuê người làm đại diện pháp luật, thành lập chuỗi DN trung gian hoặc mua lại các DN và thay đổi giám đốc, người đại diện theo pháp luật. Đăng ký thuế, đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử bằng hình thức qua mạng. Mở tài khoản ngân hàng và đăng ký thanh toán qua internet Banking. Sau đó thiết lập mạng lưới các đối tượng trung gian khai thác thông tin các DN trên trang thông tin điện tử để liên hệ bán trái phép HDĐT.

Để hợp thức cho các hóa đơn đã bán, có những mặt hàng cần phải có hồ sơ chứng minh nguồn gốc như: đất, cát, sỏi, gỗ, xăng dầu, thực phẩm… các đối tượng làm con dấu giả của các cơ quan có thẩm quyền (UBND các tỉnh, các sở, ngành và các cơ quan đăng kiểm, kiểm định, công chứng...) để thiết lập các bộ hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa ghi trên các hóa đơn khống chuyển cho DN mua hóa đơn.

Các đối tượng thành lập hoặc chuyển địa điểm kinh doanh của DN để bán hóa đơn có các mặt hàng phù hợp với từng địa bàn, từng tỉnh và phù hợp với mặt hàng xuất bán như nguyên liệu, hàng hóa, nhân công, thuê máy…

Khi kê khai thuế, các đối tượng kê khai đúng số liệu trên hóa đơn đầu ra đã lập nhưng kê khai khống giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào, Thuế Giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào dẫn đến số thuế phải nộp trên tờ khai rất thấp, thậm chí không phát sinh phải nộp...

Theo Tổng cục Thuế, để tiến hành mua bán hoá đơn, các đối tượng thành lập cùng lúc nhiều doanh nghiệp hoặc mua lại doanh nghiệp đã hoạt động được một thời gian, sau đó đăng ký hoặc thay đổi thông tin người đại diện theo pháp luật để xuất bán hóa đơn trong một thời gian ngắn (trên dưới 1 năm) và ngừng hoạt động để tránh việc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng, nhất là cơ quan thuế.

Trong quá trình hoạt động, các DN này thay đổi địa chỉ liên tục, khi biết cơ quan thuế đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra thì DN làm thủ tục tạm ngừng hoạt động (có trường hợp khi ban hành quyết định kiểm tra hoặc thông báo giải trình thì DN ngừng hoạt động và khóa liên hệ điện thoại cũng như các giao dịch khác).

Còn với DN thành lập nhiều năm không phát sinh doanh thu, sau đó chuyển nhượng cho chủ sở hữu khác. Sau khi nhận chuyển nhượng, các đối tượng có hành vi xuất bán hóa đơn nên doanh thu tăng đột biến. Sau đó tạm ngừng kinh doanh hoặc bỏ địa chỉ kinh doanh...

Tăng cường giải pháp chống gian lận

Trước tình hình đó, Tổng cục Thuế đã triển khai Trung tâm Cơ sở dữ liệu HĐĐT với chức năng phân tích dữ liệu HĐĐT, phục vụ cho công tác quản lý rủi ro về HĐĐT trong toàn ngành Thuế.

Cụ thể, chức năng đối chiếu giữa tờ khai thuế theo nghĩa vụ phát sinh và HĐĐT đã lập thực hiện tự động sau ngày thứ 5 kể từ ngày đến hạn nộp tờ khai. Kết quả của việc đối chiếu giữa tờ khai và hóa đơn là “Danh sách người nộp thuế có số liệu chênh lệch giữa giá trị kê khai và giá trị thực tế trên hóa đơn đã lập”. Trên cơ sở danh sách đó, cơ quan thuế quản lý thực hiện các biện pháp nghiệp vụ phù hợp (kiểm tra tại bàn, thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế. Trong trường hợp cần thiết có thể chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra) để thực hiện đánh giá tình hình thực hiện và tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế.

Trước khi người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ nộp tờ khai, cơ quan thuế có thể thực hiện đánh giá dữ liệu ngay sau khi kết thúc tháng gồm: thông tin liên quan đến người nộp thuế (thời gian thành lập, người đại diện theo pháp luật, có liên quan, vốn đăng ký…); dữ liệu hóa đơn người nộp thuế đã mua vào bán ra, hoặc thực hiện so sánh đánh giá dữ liệu hóa đơn mua vào bán ra của các kỳ liền kề, để có thể thấy được sự biến động tăng giảm đột biến, từ đó đưa ra biện pháp quản lý kịp thời và phù hợp.

Theo bà Nguyễn Thu Trà (Trưởng ban Quản lý rủi ro về thuế), Tổng cục Thuế đã triển khai áp dụng trí tuệ nhân tạo vào việc phân tích ngôn ngữ tự nhiên, xác định các hóa đơn mua bán loại mặt hàng cụ thể. Theo đó, Tổng cục Thuế đã thực hiện đánh giá rủi ro đối với các chuỗi doanh nghiệp.

Song để tiến tới xóa bỏ tình trạng mua bán hóa đơn, Quyền Tổng cục trưởng, Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành yêu cầu các vụ đơn vị chức năng của Tổng cục Thuế cần kịp thời ban hành quy trình và triển khai ứng dụng quản lý rủi ro trong công tác phân tích thông tin đánh giá người nộp thuế. Trên cơ sở danh sách đã được ứng dụng đưa ra cảnh báo, các cục thuế rà soát, đối chiếu với thực tế quản lý tại địa phương, tập trung vào những người nộp thuế có rủi ro cao.

Các vụ, đơn vị chức năng cần tổng hợp ý kiến của các địa phương cung cấp đẩy đủ trang thiết bị phục vụ cho công tác quản lý. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc phân quyền khai thác dữ liệu HDĐT và cá thể hóa công việc đến từng cán bộ. Tại các địa phương, cần tăng cường tuyên truyền và trao đổi thông tin với các cơ quan quản lý và chính quyền để đảm bảo xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về hóa đơn.

Giới chuyên gia cho rằng, trước yêu cầu đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ người kinh doanh tuân thủ pháp luật, trước tiên phải xóa bỏ tình trạng mua bán hóa đơn. Phải xây dựng quy chế tổ chức chặt chẽ, tránh tình trạng lỏng lẻo, tạo lỗ hổng cho các hành vi gian dối.

Ông Mai Xuân Thành - Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế khẳng định, ngành Thuế tiếp tục thực hiện tuyên truyền cảnh báo đến các doanh nghiệp nhằm ngăn chặn, phòng ngừa việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp từ sớm, từ xa; chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ và tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác quản lý hóa đơn điện tử.

T.Hằng - P.Vân