Người bác sĩ chốn biên cương
Nhiều mùa mưa nắng đã đi qua, bác sĩ Hoàng Ngọc Linh (Phòng khám quân dân y thuộc Đồn biên phòng Ia Rvê, Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk) vẫn lặng lẽ gieo những hạt mầm hi vọng, niềm tin yêu và tương lai tốt đẹp cho những bệnh nhân nghèo nơi biên cương xa xôi.
Lương duyên với nghề y
Vượt hơn 100 cây số từ thành phố Buôn Ma Thuột đến Đồn biên phòng Ia Rvê, chúng tôi được Đại úy Nguyễn Đức Hậu, Chính trị viên phó đưa đến thăm Phòng khám quân dân y của Đồn đóng tại thôn 5, xã Ia Rvê, huyện biên giới Ea Súp (Đắk Lắk).
Khi mặt trời gần lặn, các bệnh nhân thưa dần, bác sĩ Linh mới xoa tay, rửa mặt ngồi tiếp chúng tôi. Anh kể, bản thân vốn có năng khiếu và đam mê ngành kiến trúc, nhưng thi đại học lại thiếu mất nửa điểm. Năm 2002, anh nhập ngũ và được phân công về Biên phòng tỉnh Gia Lai. Trong thời gian này một biến cố lớn của gia đình làm thay đổi lựa chọn ngành nghề của anh. Bố anh bị nhiều chứng bệnh như cao huyết áp, hen suyễn, suy tim.
Trước khi nhắm mắt, bố cầm tay anh nói: "Con cố gắng học ngành y để chữa bệnh cho mẹ và những người nghèo khổ, đừng để như bố chết trong đau đớn tội lắm con ạ".
Những ngày tháng chăm sóc bố trên giường bệnh, chứng kiến nhiều hoàn cảnh người bệnh khó khăn và hình ảnh người bố thân yêu trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay, trái tim Linh quặn thắt, từ đó anh nuôi quyết tâm theo ngành y.
Năm 2006, học xong trường Trung Cấp quân y thuộc Quân khu 7, Linh được điều chuyển về Đồn biên phòng 719, rồi Đồn 717 thuộc Bộ đội biên phòng tỉnh Gia Lai. Những tháng năm này đời sống của đồng bào Ja Rai và Ba Na vùng biên giới rất khó khăn với nhiều hủ tục lạc hậu. Gia súc, gia cầm nuôi dưới gầm nhà sàn mất vệ sinh, trong khi dịch bệnh sốt rét hoành hành mà bà con chỉ tin vào thầy cúng. Thế nên, Hoàng Ngọc Linh với túi cứu thương đi khắp các buôn xa, làng gần cùng ăn, cùng làm, cùng ở, cùng nói tiếng đồng bào để tuyên truyền cho bà con ăn chín, uống sôi, tối ngủ phải nằm màn.
Có lần một già làng ở buôn Ia O, xã Ia Grai, Đức Cơ lên cơn sốt rét, gia đình mời thầy tới cúng yang (thần), Linh cũng tham dự cùng gia đình, nhưng anh lén nhét thuốc kháng sinh vào trong quả chuối rồi cho già làng ăn. Già dứt cơn sốt, anh mới nói thật khiến già làng cảm phục lắm. Từ đó công tác tuyên truyền phòng bệnh thông qua già làng nên bà con tin tưởng làm theo.
Thời gian công tác ở Đồn 719; 717 ở Biên phòng tỉnh Gia Lai, thầy thuốc quân y Hoàng Ngọc Linh còn được bà con đặt cho nhiều cái tên như Ksor Linh, Kpui Linh, Rơ Mah Linh, Puih Linh. Họ lấy họ của người đã được bác sĩ Linh cứu sống đặt tên cho anh, người được họ kính trọng nhất.
Năm 2011, Linh lấy vợ là Nông Thị Nghệ, làm nhân viên thiết bị, Trường tiểu học Trần Quốc Toản, ở xã Ea Wy, huyện Ea H'leo (Đắk Lắk). Sau tuần trăng mật, Hoàng Ngọc Linh trở lại đơn vị cách xa nhà hơn 200 km. Ngày vợ sinh con đầu lòng, đúng thời điểm Đồn 719 đang có dịch sốt rét, nhìn nhiều anh em cán bộ chiến sĩ nóng, lạnh rét run từng cơn, bác sĩ Linh không thể về bên vợ lúc cô cần anh nhất. Anh chỉ thấp thỏm chờ tin từ gia đình báo tình hình qua chiếc điện thoại. Vợ chuyển lên bệnh viện huyện, em bé mất vì khô ối... Đó là thời điểm khó khăn nhất mà bác sĩ Linh từng phải đối mặt.
Bác sĩ Linh trải lòng thêm: "Bình thường đơn vị giải quyết một tháng cho về thăm nhà một lần. Nhưng trong gần 3 năm dịch bệnh Covid-19 phải bám chốt chống dịch, có lần hơn 6 tháng mới về thăm nhà. Những lần vợ sinh nở, con cái ốm đau đêm hôm là lúc vợ cần mình nhất để đỡ đần, sẻ chia nhưng mình không có mặt nên nhiều khi cũng rất buồn. Nhưng là người lính, là bác sĩ, nhiệm vụ là trên hết…".
Lặng thầm cống hiến nơi gian khó
Năm 2013, Hoàng Ngọc Linh học xong lớp bác sĩ chuyên tu và được điều động về Đồn biên phòng Ia Rvê, Biên phòng tỉnh Đắk Lắk. Là bác sĩ quân y bám địa bàn biên giới nhiều năm, anh đã tận mắt chứng kiến nhiều trường hợp bệnh nhân không có tiền mua thuốc men hay chuyển về bệnh viện lớn để chữa bệnh và phải chịu bị tàn phế hay tử vong oan uổng.
Để có thể cứu sống được nhiều ca bệnh hiểm nghèo nơi biên cương, bác sĩ Linh luôn nhớ lời Bác Hồ dạy, đại ý: "Thầy thuốc Tây phải học Đông y. Chữa bệnh cho nhân dân bằng thuốc ta và thuốc Tây như người có hai cái tay; hai cái tay cùng làm được việc thì sẽ tốt hơn người chỉ thuận 1 tay". Anh quyết chí mày mò học hỏi và kiên trì thực hành phương pháp đông tây y kết hợp.
Với đồng lương ít ỏi, anh vẫn dành dụm mua sách y khoa, y dược, sách đông y… rồi nhiều đêm thức trắng tự học, mày mò nghiên cứu. Trong một lần đi phép về quê vợ ở Cao Bằng, được bố vợ giới thiệu anh theo học thầy thuốc gia truyền người dân tộc Cao Lan. Ông thầy đã dạy anh môn trường châm (châm kim dài xuyên nhiều kinh lạc, nhiều huyệt đạo, khác với châm cứu bằng kim ngắn vào 1 kinh, 1 huyệt). Phương pháp này có ưu điểm rút ngắn tới 50% thời gian điều trị, đặc biệt hiệu quả với một số bệnh khó điều trị như: Di chứng liệt nửa người sau tai biến, liệt dây thần kinh số 7, chèn ép thần kinh toạ, rối loạn tiền đình và một số bệnh lý về xương khớp…
Những tháng ngày bác sĩ Linh miệt mài vừa học vừa làm việc, bản thân anh đã cứu chữa được hơn 439 trường hợp bị đau lưng, bệnh lý xương khớp do lao động nặng nhọc được điều trị khỏi bằng phương pháp châm cứu không dùng thuốc. 7 người dân trên địa bàn bị liệt nửa người phục hồi đi lại được; 5 người dân liệt dây thần kinh số 7 hồi phục hơn 90% trong thời gian 15 ngày. 15 trường hợp yếu liệt chân và tay đều hồi phục sau 2 tuần. Như trường hợp của Nguyễn Văn Hồng Anh, thôn 2, xã Ia Rvê, liệt nửa người do tai biến, sau 17 ngày điều trị bằng phương pháp này đã đi lại được. Hay bệnh nhân Nguyễn Thị Hải, thôn 1, Ia Rvê, làm nghề thợ may, liệt bàn tay phải đã điều trị khỏi sau 15 ngày châm; anh Vi Văn Hợi, thôn Lầu Nàng, xã Ialop, liệt 2 chân, châm cứu đã đi lại bình thường…
Nhiều bà con còn được bác sĩ Linh sử dụng cây thuốc nam tại chỗ, chữa khỏi các bệnh như: Rắn cắn, viêm đại tràng mãn tính, ho suyễn, gãy xương kín, bệnh thiên đầu thống…
Bác sĩ có "bàn tay vàng"
Bệnh nhân Nguyệt Anh, 21 tuổi, ở thôn 8 xã Ia Rvê, mới sinh con trai được 6 tháng. Cô bị đau đầu, đã đi chụp MRI ở bệnh viện nhưng không phát hiện bệnh gì, được bác sĩ Linh châm cứu 2 lần đã thấy đỡ 50%, ăn ngủ được. Bà Lê Thị Sim là mẹ của Nguyệt Anh đi theo giữ cháu cho con châm cứu kể: "Năm 36 tuổi, tôi bị thần kinh tọa, chân tay tê bì, lưng vai muốn liệt, nằm bệnh viện mất 2 năm nhưng bệnh tình không giảm. Tôi được bác sĩ Linh châm cứu 3 lần, năm nay tôi 43 tuổi mà không thấy đau lại. Con gái kêu đau đầu tôi đưa tới nhờ bác sĩ Linh chữa giúp".
Một bệnh nhân khác là Phan Văn Đậm, sinh 1965, vóc người vạm vỡ quê Bến Tre cũng chia sẻ: "Hơn một năm nay tôi bị thoái hóa đốt sống lưng, chèn ép cột sống. Tôi là dân lao động nếu mổ rồi mà không đi làm được thì vợ con chết đói… may mắn tôi được bác sĩ Linh châm cứu 4 lần thấy đỡ, giờ chạy xe máy 40km qua đây nhờ bác sĩ châm cứu cho vài lần nữa đặng mai mốt về đi làm…".
Trước khi đến thăm Phòng khám quân dân y nơi bác sĩ Linh công tác, chúng tôi đã gặp lãnh đạo địa phương để tìm hiểu thêm về hoạt động của phòng khám. Bà Trần Lệ Thủy, Bí thư Đảng ủy xã Ia Rvê cho biết: "Chính tôi đã được bác sĩ Linh điều trị 2 tuần. Lần đó, tôi bị sốt thương hàn chuyển sang viêm phổi cấp, bác sĩ Linh không quản ngại đường sá xa xôi mỗi ngày chạy xe máy đi về hơn 40km để chữa cho tôi khỏi bệnh. Mới đây, bác sĩ Linh còn chữa khỏi bệnh tê bì chân tay cho mẹ 2 đồng chí chủ tịch và phó chủ tịch UBND xã.
Bác sĩ Linh thật sự là người lính có "bàn tay vàng", bất kỳ người dân trong xã cho dù ở xa đến mấy, nếu bệnh nặng không đến cơ sở y tế được thì bác sĩ Linh sẽ đến tận nhà chạy chữa. Có nhiều trường hợp là người già ở thôn 11, thôn 12 cách xa đến 50km, bác sĩ Linh vẫn không quản ngại khó khăn đến tận nhà cứu chữa.
Đây là địa bàn vùng sâu, vùng xa, thời tiết khắc nghiệt, đường sá hiểm trở, phần đông là đồng bào phía Bắc di cư tự do, dân trí thấp, kinh tế cực kỳ khó khăn. Bác sĩ Linh đến với người dân, người bệnh ở đây bằng cả tấm lòng nên anh được bà con vô cùng tin yêu".
Đánh giá về sự tận tâm của bác sĩ Hoàng Ngọc Linh, Thiếu tá Cao Mạnh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên đồn Ia Rvê cho biết: "Đồn có 3 nhân viên y tế, riêng đồng chí Linh được giao túc trực Phòng quân dân y kết hợp 24/24. Từ năm 2021 đến nay, bác sĩ Linh đã khám và điều trị miễn phí cho 1.728 lượt người dân. Phòng khám còn cùng y tế xã và trung tâm y tế huyện thực hiện tốt công tác phòng chống dịch (như dịch sốt xuất huyết, sốt rét, Covid-19….). Bác sĩ Linh còn tham mưu rất tốt cho đơn vị trong công tác quân y, đảm bảo hiệu quả, an toàn, tiết kiệm, không để lãng phí thuốc. Hiện, bác sĩ Hoàng Ngọc Linh là người có uy tín rất cao trong đồng bào các dân tộc tại chỗ, nhiều năm là điển hình tiên tiến và là tấm gương tốt cho cán bộ, chiến sĩ học tập.
Khi được hỏi về những điều còn băn khoăn, trăn trở trong công tác khám chữa bệnh, bác sĩ Linh ưu tư: "Vùng biên giới giao thông khó khăn, bà con ốm đau đi lại rất vất vả, nhiều ca đến Phòng khám quá muộn cấp cứu không kịp. Thêm nữa là thuốc men, vật tư thiết bị quá thiếu thốn. Nhiều ca bệnh nặng nếu có đủ thuốc thì sẽ xử lý ban đầu kịp thời sau đó chuyển lên tuyến trên tiếp tục điều trị nên rất mong cấp trên quan tâm đầu tư đến vấn đề giao thông và phát triển kinh tế để bà con đỡ khổ".
Tạm biệt bác sĩ Hoàng Ngọc Linh, trở về thành phố, trên con đường thảm nhựa uốn lượn giữa đại ngàn đã qua mùa thay lá, chúng tôi bắt gặp các chiến sĩ quân hàm xanh lặng lẽ đang tuần tra bảo vệ biên cương. Bóng các anh ẩn hiện trong màu lá non tơ của núi rừng. Chúng tôi nghĩ đến lương y, bác sĩ Hoàng Ngọc Linh, chắc giờ này anh đang một mình lặng lẽ bên những trang sách để tìm thuốc cứu người…