Năm 2023-2024, trường đại học có tăng học phí?
Năm học 2023-2024, nhiều trường đại học, học viện dự kiến tăng học phí từ 10 đến 20%.
Theo quy định, từ năm học 2022-2023, các trường đại học thu học phí theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo. Nghị định này có hiệu lực chính thức từ ngày 15/10/2021.
Theo đó, học phí đại học công lập sẽ tăng với tất cả các loại hình trường khác nhau. Trong đó, mức trần học phí đại học chưa tự chủ dao động từ 13,5 - 27,6 triệu đồng/năm học (10 tháng). Các trường đại học tự chủ có mức học phí cao hơn từ 2 - 2,5 lần so với các trường chưa tự chủ.
Từ mùa tuyển sinh năm 2022, nhiều trường đại học đã thông báo và thu học phí tăng theo quy định. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 165/NQ-CP ngày 20/12/2022 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục và đào tạo hệ thống công lập thuộc phạm vi quản lý giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 như năm học 2021-2022.
Từ năm học 2023-2024, nhiều trường đại học, học viện dự kiến tăng học phí từ 10 đến 20%. Năm 2022, mức học phí của Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội dao động 42-48 triệu đồng/năm. Năm nay, nhà trường dự kiến tăng trung bình 2 triệu đồng học phí, tuỳ theo từng ngành học.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền nâng mức thu hệ đại trà từ hơn 440.000 đồng lên thành hơn 500.000 đồng/tín chỉ với khóa tuyển mới sắp tới. Với hệ chất lượng cao, mỗi sinh viên phải nộp gần 1,5 triệu đồng mỗi tín chỉ, so với mức cũ 1,3 triệu.
Học viện Tài chính dự kiến mức học phí 22 - 24 triệu đồng/năm với các ngành đào tạo chương trình chuẩn (tăng 10 - 20% so với hiện tại). Học phí với chương trình chất lượng cao tăng nhẹ lên 48 - 50 triệu.
Trường Đại học FPT tăng học phí chính khóa là 28,7 triệu đồng/học kỳ, tương đương cả năm 57,4 triệu đồng/năm học. Trong khi đó, năm 2020 và 2021, sinh viên phải đóng 25,3 triệu đồng/học kỳ, năm học 2022 và 2023, học phí là 27,3 triệu đồng/học kỳ.
Ở khu vực phía Nam, nhiều trường đại học cũng thông báo tăng mức học phí như: Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh nâng mức học phí lên 940.000 đồng/tín chỉ với chương trình chuẩn; Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh quyết định mức học phí 30 triệu đồng/năm với chương trình chuẩn. Mức này tăng 2,5 triệu đồng so với mức dự kiến năm ngoái; Trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh tăng học phí bình quân dự kiến 5,3 - 6 triệu đồng/tháng, tương đương khoảng 16 - 18 triệu đồng/học kỳ.
Việc các trường thông báo tăng học phí từ năm học này là điều tất yếu song TS Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT), Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng việc tăng như thế nào lại là vấn đề cần đặt ra.
Chất lượng đào tạo quyết định chi phí đào tạo nhưng theo phân tích của TS Lê Viết Khuyến, hiện nay, với các trường đại học công lập, chi phí đào tạo đến từ các nguồn: Ngân sách nhà nước; các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ,... và học phí. Như vậy, học phí chỉ là một phần của chi phí đào tạo.
TS Lê Viết Khuyến cho rằng, các trường đại học không thể lấy cớ nâng cao chất lượng đào tạo, vẽ ra chi phí. Bởi nếu như vậy, hậu quả là người nghèo, đối tượng thu nhập thấp khó cơ cơ hội tiếp cận với giáo dục đại học.
Bên cạnh sự chủ động tìm kiếm, gia tăng nguồn thu từ các dự án hợp tác, chuyển giao công nghệ, các trường còn cần đến sự đầu tư phù hợp từ nhà nước để giảm bớt gánh nặng học phí cho người học.
Đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện quy định về học phí
Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định, từ năm học 2022-2023, học phí của cơ sở giáo dục công lập tăng theo lộ trình hằng năm. Cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên thực hiện theo khung học phí (mức trần, mức sàn) theo lộ trình điều chỉnh không quá 7,5%/năm từ năm học 2022-2023 để bù đắp độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng và dự kiến cơ bản tính đủ chi phí vào năm 2030.
Các cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên thực hiện theo khung học phí từ năm học 2022-2023 đến năm học 2025-2026, lộ trình điều chỉnh không quá 12,5%/năm từ năm học 2026-2027. Việc này do thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học quyết định, căn cứ vào điều kiện kinh tế xã hội của cả nước và các chỉ số lạm phát, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm.
Căn cứ tình hình thực tế, Bộ GDĐT tiếp tục xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 81/2021/NĐ-CP về mức thu học phí tại các cơ sở giáo dục quốc dân, trong đó, đề xuất điều chỉnh lộ trình học phí theo hướng lùi thêm 1 năm so với lộ trình cũ tại Nghị định 81 của Chính phủ.
Đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên, Bộ đề xuất không quy định mức sàn học phí vì hiện nay có nhiều địa phương đang quy định thấp hơn mức sàn tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP.