Loạt ngân hàng có kế hoạch lợi nhuận cao và tăng trưởng bền vững

Lê Trang (Tổng hợp) 26/04/2023 20:35

Việc đặt kế hoạch lợi nhuận cao chứng tỏ ngân hàng có sự tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn như hiện nay, sự phát triển bền vững là một điều không kém phần quan trọng mà các nhà đầu tư tìm kiếm.

Loạt ngân hàng đặt kế hoạch lợi nhuận cao

Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các ngân hàng đều đã công bố kết quả kinh doanh chi tiết. Theo thống kê, hiện chỉ có 8/27 ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trên vạn tỷ.

Cụ thể, ngân hàng Vietcombank đặt kế hoạch kinh doanh 2023 với các chỉ tiêu chính như lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 15% so với năm 2022, dự kiến đạt khoảng 42.973 tỷ đồng. Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, Vietcombank sẽ sớm trở thành ngân hàng đầu tiên cán mốc lợi nhuận 2 tỷ USD.

Bên cạnh đó, ngân hàng cũng dự kiến tổng tài sản tăng 9%; dư nợ tín dụng tăng tối đa 14%; huy động vốn tăng trưởng phù hợp với tăng trưởng tín dụng; tỉ lệ cho vay/huy động (LDR) không cao hơn mức thực hiện năm 2022; tỉ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1,5%; tỉ lệ chi trả cổ tức theo phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền.

Theo sau là MB với mục tiêu lợi nhuận là 26.100 tỷ đồng, tăng ~15% so với năm trước.

Tiếp đến là VPBank, nhà băng này kỳ vọng lãi trước thuế sẽ đạt 24.003 tỷ, tăng 13% so với năm 2022.

Một ngân hàng khác cũng kỳ vọng lợi nhuận vạn tỷ là Techcombank. Tuy nhiên, năm nay nhà băng này lại đặt tăng trưởng giảm 14%, xuống mức 22.000 tỷ.

ACB theo sau với mức lãi trước thuế kỳ vọng là 20.058 tỷ, tăng 17,2% so với năm 2022.

Tiếp đến là HDBank và VIB, lãi trước thuế dự kiến trong năm 2023 của 2 nhà băng này lần lượt là 13.197 tỷ và 12.200 tỷ đồng.

Với SHB, vừa qua, đại hội cổ đông nhà băng này đã thông qua kế hoạch kinh doanh với 2 kịch bản: tăng trưởng tín dụng 10% và tăng trưởng tín dụng 14%. Trong cả 2 trường hợp, lợi nhuận ngân hàng đều trên 10.000 tỷ. Ngoài ra, nếu mọi việc diễn ra đúng với kế hoạch, đây cũng sẽ là năm đầu tiên SHB bước vào câu lạc bộ ngân hàng có lãi vạn tỷ.

Chú trọng kế hoạch tăng trưởng bền vững

Tính từ giữa năm 2022, trong nền kinh tế đã xuất hiện tình trạng tăng trưởng tín dụng cao hơn tăng trưởng huy động. Đây là điều chưa từng xảy ra trong 10 năm trở lại đây.

Đến hết quý I/2023, hiện tượng này vẫn chưa chấm dứt. Cụ thể, các số liệu của tổng cục thống kê chỉ ra, quý I/2023 tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 1,61%, trong khi huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 0,77%.

Việc tăng trưởng cho vay nhiều hơn huy động đã tác động không nhỏ đến tình hình thanh khoản và chi phí huy động của các nhà băng. Điển hình như hồi cuối năm 2022 đầu năm 2023, các ngân hàng đã bước vào cuộc đua lãi suất huy động. Từ đó, lãi suất cho vay cũng bị đẩy lên cao, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng và gián tiếp tác động đến chất lượng tín dụng của các nhà băng.

Trong 8 ngân hàng kể trên, chỉ có HDBank, VIB, VPBank và SHB chính thức đặt mục tiêu tăng trưởng huy động cao hơn so với tín dụng trong năm nay.

Đáng chú ý nhất là SHB, trong cả 2 kịch bản kinh doanh, ngân hàng đều ưu tiên tăng trưởng huy động cao hơn tăng trưởng tín dụng. Cụ thể, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng 10%, tăng trưởng huy động từ thị trường dự kiến là 12,05%; đối với trường hợp hạn mức cho vay được cấp ở mức 14%, tăng trưởng huy động là 14,78%.

Ngoài ra, năm nay SHB còn có kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 18% (Cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận được 18 cổ phiếu thưởng) và phát hành cổ phiếu ESOP để tăng vốn điều lệ lên trên 36.600 tỷ đồng. Với kế hoạch như trên, năm nay SHB sẽ giữ vững được vị thế top các NHTMCP tư nhân lớn nhất Việt Nam về quy mô vốn.

[Năm 2023, MB sẵn sàng cho những không gian tăng trưởng mới]

Lê Trang (Tổng hợp)