Nhà văn Đỗ Bích Thúy: Tôi không nghĩ mình đã hay đang ở trong hào quang
Những ngày tháng 4, trang Facebook cá nhân của nhà văn Đỗ Bích Thúy rộn ràng và rực rỡ “Than đỏ dưới tro tàn” - cuốn sách mới nhất của chị được họa sĩ Lê Thiết Cương vẽ bìa và minh họa.
Không còn là Đỗ Bích Thúy của hơn 20 năm trước ngây thơ trong trẻo hay Đỗ Bích Thúy thời Phó Tổng biên tập tờ Tạp chí ở địa chỉ số 4 Lý Nam Đế (Hà Nội) - nơi từng là “đại bản doanh” của các nhà văn lớn; Thúy của bây giờ rời bỏ chức vụ một cách nhẹ nhàng để sống và viết như chị muốn đã chín hơn, đằm hơn. Cuốn sách thứ 23 vừa xuất bản vẫn mang tinh thần của người viết những trang văn lúc nào cũng đẹp từ thời “Sau những mùa trăng”, “Ngải đắng ở trên núi”, “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá”…
“Tôi chưa bao giờ viết cuốn sách nào trong trạng thái nhàn hạ”
PV: Chị hôm nay thấy tâm trạng thế nào, sau những buổi lễ ra mắt cuốn “Than đỏ dưới tro tàn” đã thành công rực rỡ?
Nhà văn ĐỖ BÍCH THÚY: Tôi đùa với bạn bè là mãi tôi chưa “hạ thổ” được. Nhưng hôm nay thì “hạ thổ” rồi (cười).
Tôi có nói đùa với một người bạn là cảm tưởng như hôm ra mắt cuốn sách của chị (13/4), một nửa Hà Nội đi dự lễ ra mắt sách của Thúy. Nhưng có việc này thì không đùa, là tôi đọc được rất nhiều lời khen ngợi chị và cuốn sách trên mạng xã hội. Tràn ngập trong không khí lễ hội và những lời tán dương, chị dù đã từng sống trong không ít hào quang, có thấy mình đi trên mây không?
- Thực ra mỗi khi in xong một cuốn sách mới tôi đều ở trong một tâm trạng giống nhau: Hưng phấn. Tôi chưa bao giờ viết cuốn nào trong trạng thái nhàn hạ cả, cuốn nào cũng vất vả, cuốn nào cũng mệt. Hoàn thiện bản thảo là phát ốm mà in xong thì lơ lơ lửng lửng.
Văn chương là công việc cá nhân. Lao động văn chương là một loại lao động mà tôi đã chọn lựa như những người khác chọn lao động khác. Tôi thấy hạnh phúc vì được viết văn, và tất nhiên, tôi hạnh phúc vì được bạn đọc đón nhận, đồng nghiệp khích lệ.
Tôi không nghĩ mình đã hay đang ở trong hào quang. Văn chương là công việc cá nhân. Lao động văn chương là một loại lao động mà tôi đã chọn lựa như những người khác chọn lao động khác. Tôi thấy hạnh phúc vì được viết văn, và tất nhiên, tôi hạnh phúc vì được bạn đọc đón nhận, đồng nghiệp khích lệ.
Những ngày qua đọc trên Facebook tôi hiểu tâm trạng này của chị. Tôi nhớ có lần tôi và chị trò chuyện, chị cũng đã từng kể về cái trạng thái tâm lý mà có thể nói là hạnh phúc của người làm văn chương.
- Mỗi lần viết xong một cuốn sách tôi thường hưng phấn tới mức không ăn không ngủ được, người trống rỗng hoàn toàn. Có hôm viết xong tôi đi lang thang cả ngày trời mà không biết mình muốn cái gì là bởi vì tôi vừa kết thúc một cuốn tiểu thuyết vào lúc 3h sáng. Cái hưng phấn ấy không biết có lợi hay có hại đối với sức khỏe của một nhà văn, nhưng nếu tôi không viết văn thì không biết đến bao giờ mới có cái hưng phấn ấy.
Cái lần kết thúc cuốn tiểu thuyết vào lúc 3h sáng ấy có phải chính là lần chị đã bị nhân vật cuốn đi với một cái kết khác với ý đồ ban đầu của tác giả?
- Cái kỳ lạ nhất mà người đọc không bao giờ hình dung được là đôi khi tác giả bị nhân vật cuốn đi. Đó là lần tôi viết mà nhân vật của mình quyết định nhảy xuống vực lúc 2h sáng. Viết xong tôi phải đi từ tầng 3 xuống phòng khách, bật tivi cho nó nói oang oang lên, nước mắt tôi chảy ròng ròng, cảm thấy như tôi vừa giết người xong. Nhân vật của tôi lựa chọn nhảy xuống vực như là lựa chọn cuối cùng của cô gái ấy, cô cảm thấy không thể sống tiếp được nữa, lựa chọn cuối cùng và duy nhất của cô là nhảy xuống vực.
Ý đồ ban đầu của tôi không phải như vậy, khi tôi viết đến đoạn ấy thì cảm xúc hoàn toàn thăng hoa, nhân vật tự đi theo hướng của nó, nó tự nhảy xuống vực, chứ không phải chủ ý của nhà văn. Đó có thể nói là lần thăng hoa tột bậc, cảm xúc hưng phấn nhất của tôi tới mức không còn kiểm soát được nhân vật.
“Cuốn sách đã rời khỏi tôi rồi và đang đi con đường riêng của nó”
Sau khi mỗi cuốn sách ra đời thì sao, thông thường mất bao lâu để chị thôi bị ám ảnh bởi nó?
- Tôi quan niệm, mỗi cuốn sách có số phận của nó sau khi nó rời khỏi tôi. Với “Than đỏ dưới tro tàn”, nó đã rời đi rồi, kể từ sau ngày 13/4/2023 - ngày ra mắt cuốn sách. Tôi nhìn theo nó giống như một bà mẹ nhìn theo đứa con đã trưởng thành, lưu luyến nhưng không níu giữ. Tôi kể một chi tiết này, có một người đọc, sau khi đọc một trong số các cuốn tiểu thuyết của tôi đã nhắn tin cho tôi nói rằng: Cuốn sách ấy quá ám ảnh anh ấy, và anh ấy không hiểu nổi tôi bằng cách nào có thể đi ra khỏi cuốn sách để bắt đầu một cuốn khác. Nhưng tôi cho rằng mình nên biết cách để mọi cuốn sách rời khỏi mình, để còn bắt đầu những cuốn mới.
Lời khen của ai, hay cảm xúc của ai, trong những ngày qua, làm chị thấy hạnh phúc nhất?
- Sau cuộc ra mắt ở Hà Nội, tôi có một cuộc trò chuyện với độc giả Hải Phòng. Hôm đó có hai độc giả đặc biệt là một bà cụ gần 80 tuổi và cô con gái, nhỏ tuổi hơn tôi một chút. Ở phần giao lưu, con gái cụ nói rằng, khi cô ấy đọc “Than đỏ dưới tro tàn”, cô ấy thấy tinh thần của cuốn sách ấy trong cuộc đời của mẹ cô. Bố cô mất từ năm mẹ cô 37 tuổi và bà ở vậy để nuôi hai chị em cô khôn lớn, rất vất vả chật vật. Thế nên, cô quyết định đưa mẹ đến cuôc trò chuyện với tôi. Cô ấy khóc và tôi cũng khóc. Cuối giờ, tôi có ra chào bà cụ, bà nắm tay tôi và nói: “Cảm ơn cháu”.
Như trên tôi vừa nói, cuốn sách đã rời khỏi tôi rồi và đang đi con đường riêng của nó. Cảm xúc của mình đối với một nhân vật hay đối với một câu chuyện nó là 10 phần thì nó đến được với độc giả 6 phần đã là rất thành công rồi. Còn thường nó chỉ đến được với độc giả 4, 5 phần. Tức là tôi khóc 10 giọt nước mắt thì độc giả chỉ mất 5 giọt thôi. Lao động của nhà văn thực tế như vậy.
Cuốn sách này, “Than đỏ dưới tro tàn”, xuất hiện một cách tình cờ hay vẫn nằm trong kế hoạch mỗi năm một đầu sách của chị?
- Thực ra từ lần ra mắt sách gần nhất, trước cuốn này, thì tôi đã buông khỏi vai mình cái kế hoạch nặng nhọc đấy rồi. Từ cuốn thứ 20 trở đi tôi đã nghĩ rằng mình từ đây sẽ chỉ in những cuốn nào mình thực sự thích, viết thật kĩ và viết chậm lại. “Than đỏ dưới tro tàn” thực ra tôi mất đến 2 năm để hoàn thành bản thảo. Mỗi tháng tôi chỉ viết nổi trung bình một cái tản văn thôi. Càng ngày, tôi càng thấy tản văn hoàn toàn là một thể loại khó viết, và áp lực mà nó mang tới cũng không hề nhỏ với tôi.
“Than đỏ dưới tro tàn” có gì khác so với mạch sáng tác trước đây không?
- Nó không khác gì lắm, tôi vẫn đắm đuối với miền núi, như bạn đọc thấy. Nhưng trong cuốn sách này, trước ngưỡng cửa 50 tuổi, tôi có nhiều chiêm nghiệm hơn sau những thăng trầm mà mình đã trải qua. Khi hoàn thiện bản thảo, đưa đi nhà in, tôi đã nghĩ rằng đây là cuốn sách mà mình dành cho những người đàn bà, ở lứa tuổi trung niên, và cuộc sống cũng ít nhiều thăng trầm. Nhưng hóa ra tôi chủ quan, nhiều bạn đọc là nam giới cũng nói họ thấy họ ở trong đó. Thực sự là tôi khá bất ngờ.
“Nhìn vào những người trẻ thì tôi tin rằng sách vẫn có chỗ đứng...”
Ra mắt vào đúng dịp Ngày Sách và văn hóa đọc, qua những buổi giao lưu với độc giả vừa rồi, chị có nhận định như thế nào về văn hóa đọc ở Việt Nam giai đoạn này?
Tôi nhìn vào những người trẻ, các con tôi và bạn bè của chúng chẳng hạn, tôi thấy cách các con ứng xử với sách, thì tôi tin rằng sách sẽ luôn có chỗ đứng trong đời sống.
- Tôi cũng không có ý định ra mắt vào dịp ngày Sách, là sự trùng hợp ngẫu nhiên thôi (cười). Nói nhận định thì e rằng chủ quan vì tôi chỉ là một trong số rất nhiều nhà văn đang lao động văn chương miệt mài nhưng số lượng bản in chỉ rất vừa phải, tôi cũng không có những khảo sát mang tính xã hội học. Nhưng tôi tin là sẽ luôn có những người đọc nghiêm túc, đích thực, đọc kĩ lưỡng. Và có lẽ là, bạn đọc ngày hôm nay khó tính hơn chúng ta ngày xưa nhiều.
Nhà văn và tác phẩm hẳn là vẫn được trọng thị chứ?
- Tôi nghĩ vậy, một cách đúng mức.
Gần đây chị chú trọng nhiều hơn đến hình thức cuốn sách. Điều này có tác động thế nào đến thái độ tiếp nhận của độc giả?
- Từ vài cuốn sách in gần đây quả là tôi chú trọng đến hình thức. Tôi nghĩ rằng đã đến lúc mà mình không chỉ chăm chú viết làm sao cho vừa ý mình nhất mà còn phải quan tâm tới hình thức cuốn sách nữa. Đời sống của chúng ta hôm nay, giả dụ như việc ăn uống, cũng không còn bận tâm đến ăn no mặc ấm nữa mà đã là ăn ngon, mặc đẹp rồi. Sách cũng vậy thôi.
Tôi thích sách đẹp. Và tôi nghĩ, khi người đọc cầm trên tay một cuốn sách đẹp, in cẩn thận, dấu ấn của nhà văn và họa sĩ để lại trên cuốn sách rõ nét và đầy tâm huyết, sẽ ít ai có thể đặt bừa bãi cuốn sách vào bất kì chỗ nào tiện tay. Là tôi mong muốn như vậy.
Chị có lạc quan về tương lai của văn hóa đọc ở Việt Nam không?
- Tôi nhìn vào những người trẻ, các con tôi và bạn bè của chúng chẳng hạn, tôi thấy cách các con ứng xử với sách, thì tôi tin rằng sách sẽ luôn có chỗ đứng trong đời sống.
Mạng xã hội đang tác động như nào tới sáng tác và đời sống cá nhân chị?
- Ồ, câu hỏi này rất hay vì tôi rất tâm đắc. Nói gì thì nói, chỉ với Facebook thôi, tôi có điều kiện tương tác rất tốt với bạn đọc, điều mà trước kia rất khó xảy ra. Còn đời sống cá nhân thì tùy từng người, tôi không thích công khai những gì riêng tư quá lên mạng xã hội, vì tôi nghĩ như vậy là mình đang làm phiền bất cứ ai vô tình liếc phải trang cá nhân của mình.
Đỗ Bích Thúy của những trang văn đẹp giờ đây hình như đã không còn dữ dội và quyết liệt như vài cuốn tiểu thuyết trước đây nữa. Có phải thế không?
- À, nói như thế thì tôi nghĩ là hơi khập khiễng, vì tôi vừa in một cuốn tản văn - thể loại văn học phi hư cấu. So phi hư cấu với hư cấu thì không nên.
Hiện giờ chị đã có kế hoạch gì trong tương lai chưa? Đã có một dự án kịch bản điện ảnh nào xuất hiện chưa?
- Tôi luôn luôn ở trong các kế hoạch mà mình đặt ra. Có điều tôi không muốn nói trước. Điều mà tôi có thể nói trước đó là, tôi vừa in một cuốn sách màu hồng, cuốn tiếp theo sẽ là một cuốn màu xanh dương. Có lẽ vậy!
Xin cảm ơn nhà văn Đỗ Bích Thúy!
“Tôi đã làm Phó Tổng biên tập (Tạp chí Văn nghệ quân đội) tròn 10 năm, từ 2009 đến tháng 1/2019 thì xin nghỉ. Với tôi như thế là quá đủ rồi, nếu gọi là có trải nghiệm của một người từng phụ trách một công việc nào đấy khá là nặng nhọc thì cũng đủ rồi. Tôi nghĩ nếu tôi lùi ra thì vị trí ấy vẫn có người khác làm, một nhà văn trải nghiệm qua vị trí ấy cũng không mất gì cả mà có khi lại được, được kinh nghiệm.
Và tôi nghĩ là khả năng sáng tác của người ta không phải là vô giới hạn, đến một lúc nào đấy nó sẽ dừng lại, mà mình có cố nó cũng chỉ nhích ít một thôi. Tôi cũng nghĩ là tôi không còn nhiều thời gian để có thể viết rất nhiều cuốn sách nữa, trong khi ý tưởng trong đầu thì rất nhiều, đang còn rất nhiều dự định muốn làm cái này cái kia và nó cứ chồng lên nhau. Mà nếu mình cứ giữ một cái chức vụ như thế thì sẽ không làm được.
Thực sự là tôi thấy lúc tôi chưa làm Phó Tổng biên tập, đến lúc tôi đang là Phó Tổng biên tập với bây giờ tôi không làm nữa thì cũng không khác gì nhau cả”.