Di sản thời số hóa

PHẠM NGỌC HÀ 09/05/2023 07:18

Chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu với tất cả các lĩnh vực trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đối với di sản, chuyển đổi số chính là cầu nối hữu ích đưa các di sản đến gần hơn với cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp văn hóa.

Ở Việt Nam, số hóa di sản đã được manh nha thực hiện từ khoảng 20 năm về trước. Cho đến nay Chính phủ đã có quyết định triển khai chương trình cụ thể về số hóa di sản giai đoạn 2021-2030. Tuy nhiên mục tiêu số hóa 100% các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, bảo tàng và di sản tư liệu là vấn đề cần sự góp sức của cả cộng đồng.

Không gian trưng bày triển lãm tranh sơn mài được số hóa 3D tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Những tín hiệu lạc quan

Việt Nam hiện có hơn 40.000 di tích các loại được kiểm kê. UNESCO đã ghi danh 8 di sản văn hóa và thiên nhiên, 14 di sản văn hóa phi vật thể, 7 di sản tư liệu. Bên cạnh đó là gần 200 bảo tàng, lưu giữ gần 4 triệu hiện vật, trong đó có hơn 200 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia, và đặc biệt là sự đa dạng, phong phú của hơn 8.000 lễ hội. Chính vì thế, việc giữ gìn, khôi phục các giá trị văn hóa vẫn là một thách thức.

Công việc số hóa di sản ở Việt Nam bắt đầu manh nha từ năm 2004 khi một nhóm kiến trúc sư trẻ tiến hành dự án phục dựng hình ảnh phố cổ Hà Nội bằng 3D. Bước đầu công việc số hóa đã có thành tựu nhưng chưa nổi bật và chưa được thực hiện hàng loạt.

Là bảo tàng đầu tiên ở Việt Nam ứng dụng công nghệ trong các hoạt động giới thiệu trưng bày, từ năm 2013, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã ứng dụng công nghệ thực tế ảo 3D giới thiệu nhiều chuyên đề như: “Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam”, “Đèn cổ Việt Nam” và “Linh vật Việt Nam”… Sau đó bảo tàng tiếp tục xây dựng hệ thống trưng bày 3D thường xuyên với các chủ đề: “Việt Nam thời tiền sử”, “Văn hóa Đông Sơn”, “Triều Ngô - Đinh - Tiền Lê - Lý, Trần”, “Óc Eo - Phù Nam”…

Với việc trưng bày 3D này, chỉ với thao tác nhấn chuột đơn giản trên máy tính hoặc nhấn chạm trên màn hình điện thoại thông minh, khách tham quan vừa như đang dạo bước, tìm hiểu những góc trưng bày, có thể ngắm nghía đa chiều các hiện vật lịch sử, xem từng chi tiết, hoa văn trên hiện vật, vừa nghe thuyết minh kèm âm thanh phụ trợ khiến chuyến tham quan trở nên sống động và thú vị.

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng đã và đang có những hoạt động tích cực trong chuyển đổi số. Ông Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, bảo tàng đã ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA giúp du khách dễ dàng tiếp cận thông tin trong bảo tàng một cách chủ động. Với điện thoại hoặc máy tính bảng có kết nối internet và trả phí tải ứng dụng, khách tham quan có thể tự do khám phá 165 tác phẩm tiêu biểu trên hệ thống trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trực tiếp và trực tuyến bất cứ khi nào, ở bất cứ nơi đâu trên toàn thế giới. Thời lượng cho mỗi lần sử dụng iMuseum VFA lên đến 8 giờ, với 9 ngôn ngữ: Việt, Anh, Pháp, Trung, Nhật, Hàn, Tây Ban Nha, Ý và Đức.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng đã sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu số được xây dựng theo hướng nền tảng mở, ứng dụng các công nghệ số hóa mới nhất hiện nay. Trên nền tảng đó, chương trình thực cảnh có thể tái hiện lại câu chuyện về lịch sử Văn Miếu - Quốc Tử Giám bằng ngôn ngữ nghệ thuật, ánh sáng, âm nhạc, kỹ xảo cùng hiệu ứng sinh động, hấp dẫn.

Tại nhà Tiền Đường, khu Thái Học, Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đang diễn ra triển lãm “Văn Miếu trong sự hồi sinh di sản Hà Nội giai đoạn 1898 - 1954” (kéo dài đến ngày 1/5/2023). Triển lãm kể lại quá trình tu bổ, tôn tạo, bảo tồn Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong giai đoạn 1898 - 1954 thông qua 2 video. Video thứ nhất có tiêu đề “Hiện tại và quá khứ, cùng một không gian” dựng lại toàn bộ khu Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám ngày nay.

Video thứ hai với tiêu đề “Trong vòng tay trùng tu” dựng lại hình ảnh 3D ở từng khu trong di tích tại 4 thời điểm năm 1900, 1924, 1954 và 2023, cho thấy sự thay đổi của di sản qua từng mốc thời gian. Hai video được đầu tư công phu về cả nội dung, hình ảnh và âm thanh, trở thành hai bộ phim hấp dẫn về quá trình tu bổ, trùng tu Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Nhờ đó, khách tham quan được tìm hiểu rõ hơn về các giai đoạn lịch sử, thông tin về những đợt trùng tu, tu bổ khu di tích một cách sinh động và thú vị.

Có thể thấy số hóa di sản văn hóa ngày càng khẳng định vai trò của một phương pháp bảo tồn, lưu giữ di sản trong xã hội số hiện nay, góp phần quan trọng trong quản lý, cung cấp thông tin, giúp giới học thuật làm cơ sở nghiên cứu lịch sử, giúp người ở xa có cơ hội tiếp cận với di sản giống như tham quan trực tiếp. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công ban đầu vẫn còn những thách thức, khi sự thích ứng đôi khi chậm hơn với sự phát triển của công nghệ. Có một thực tế việc áp dụng công nghệ với di sản dù bước đầu đã bắt kịp những công nghệ mới, nhưng so với thế giới vẫn còn có khoảng cách khá lớn.

Việc sở hữu năng lực đón đầu xu hướng công nghệ mới là rất quan trọng, bởi công tác xây dựng các ứng dụng, chương trình công nghệ số đòi hỏi khoảng thời gian không hề ngắn để có thể đảm bảo chất lượng. Trong khi đó, công nghệ luôn thay đổi và cải tiến không ngừng, nếu chỉ xây dựng dựa trên những nền tảng hiện thời thì sau một thời gian phát triển, sản phẩm rất dễ trở nên lạc hậu và thất bại.

Còn nhiều khó khăn

Tháng 12/2021, Chính phủ ban hành Quyết định 2026 phê duyệt chương trình số hóa di sản Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Quyết định đề ra mục tiêu như: 100% các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu được UNESCO ghi danh; 100% các di tích quốc gia đặc biệt được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số. 100% các bảo vật quốc gia, các di sản trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được số hóa, ưu tiên số hóa theo nhu cầu sử dụng của xã hội. Cùng với đó, được xem là quan trọng hơn cả là 100% người làm công tác chuyên môn trong ngành di sản văn hóa được đào tạo, đào tạo lại, cập nhật kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số.

Để đạt được mục tiêu trên, các tỉnh thành trên cả nước đã và đang bắt đầu triển khai số hóa di sản. Trong đó có thể kể đến Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế triển khai app hướng dẫn tham quan “Di tích Huế”, ứng dụng công nghệ trải nghiệm thực tế ảo VR3D, quét mã QR Code để xem thông tin hiện vật, xem hiện vật bằng tương tác - Model 3D và xoay 360 độ; phục dựng Hoàng thành bằng công nghệ số, scan số hóa 3D lăng vua Tự Đức công bố trên nền tảng Google Arts & Cultural/Open Heritage...

Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Thanh Hải, tới nay hệ thống các di tích, hiện vật, tư liệu, các lễ hội tiêu biểu, có giá trị trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã được kiểm kê, chuẩn hóa thông tin, lý lịch khoa học kèm bản chụp các hình ảnh về di tích, hiện vật, tư liệu, lễ hội.

Tuy nhiên, ông Hải cũng cho biết việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa di sản ở Thừa Thiên Huế không hẳn đã hết khó khăn, bao gồm xây dựng, xác định các nội dung văn hóa, di sản ưu tiên thực hiện chuyển đổi số; việc khảo sát, tập hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ số hóa... mà thách thức lớn nhất là vấn đề kinh phí thực hiện các nội dung số hóa, chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, di sản.

Tương tự, theo ông Hoàng Quốc Việt - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc điều hành Công ty cổ phần giải pháp phần mềm chuyên nghiệp Việt (Vietsoftpro) thì khó khăn đôi khi không nằm ở công tác chuyên môn. Nhiều địa phương tâm huyết muốn làm, nhưng hoàn toàn không có hướng dẫn cụ thể về kinh phí, ngân sách. Đó là nguyên do đến nay nhiều địa phương vẫn ngần ngại chưa triển khai.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Thị Hiền - Tổ trưởng Tổ bộ môn Di sản học (Khoa Các khoa học liên ngành, ĐHQG Hà Nội) cho rằng: Mỗi địa phương có hàng ngàn di sản, mà để số hóa một di sản cần rất nhiều công sức, tiền của, thời gian. Trong khi kinh phí cho dự án số hóa của các tỉnh ít, mà một dự án có thể kéo dài đến hàng chục năm. Chính vì thế, ngành văn hóa của các tỉnh khá loay hoay.

Ngoài vấn đề kinh phí thì nền tảng công nghệ của Việt Nam nói chung và của các địa phương có di sản vẫn còn là “vùng trũng” khi hệ thống cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, cơ sở dữ liệu đã được số hóa về di sản còn mỏng. Giới chuyên gia cho rằng, đây cũng chính là áp lực lớn khi để hoàn thành việc phục dựng một di tích bằng công nghệ đặt ra các yêu cầu rất khắt khe về các dữ liệu khảo cổ, lịch sử, kiến trúc, kỹ thuật kiến trúc... Hiện nay chúng ta chưa có cơ sở dữ liệu lớn (big data) để chứa đựng và là nơi tập trung của sản phẩm di sản số trên cả nước. Sau khi được số hóa, cũng chưa tính đến vấn đề bản quyền nên vẫn có những trường hợp xảy ra tranh chấp.

Con người là yếu tố cốt lõi

Trước đây, bảo tồn di sản văn hóa thường được mặc định là công việc của giới nghiên cứu và các cơ quan quản lý nhà nước, nhưng ngày nay, trước sự phát triển nhanh như vũ bão của công nghệ cùng với ý thức và niềm tự hào về văn hóa truyền thống của người dân ngày càng được nâng cao, việc bảo tồn di sản không còn là trách nhiệm, hay là đặc quyền riêng của các nhà chuyên môn.

Để số hóa di sản đạt mục tiêu đã đề ra, được xem là quan trọng hơn cả là người làm công tác chuyên môn trong ngành di sản văn hóa phải được đào tạo, đào tạo lại, cập nhật kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số. Người nghiên cứu văn hóa phải trau dồi thêm kiến thức về công nghệ để đồng hành cùng công việc số hóa di sản. Nhưng hiện nay, nhân lực công nghệ trực tiếp thực hiện số hóa và người làm nghiên cứu văn hóa di sản vẫn đều chưa được như mong muốn. Hay có thể nói là vẫn “lệch pha”.

Cách đây 6 năm, khi chàng trai sinh năm 1997 Nguyễn Trí Quang cho ra mắt clip sử dụng công nghệ thực tế ảo tái hiện không gian đình Tiền Lệ (huyện Hoài Đức), giới chuyên môn phải giật mình. Bằng công nghệ VR3D, người xem có thể tương tác, xoay lật mọi góc nhìn để quan sát hiện trạng di tích một cách cụ thể trong không gian 3 chiều. Công trình này được coi là “phát súng” mở màn cho xu hướng ứng dụng công nghệ vào bảo tồn di sản văn hóa.

Cuối năm 2020, nhóm Sen Heritage đã giới thiệu tới công chúng trưng bày “Khám phá di sản kiến trúc chùa Một Cột - Diên Hựu thời Lý bằng công nghệ thực tế ảo” với những trải nghiệm phong phú, sinh động là thành quả của sự kết hợp giữa nhà nghiên cứu PGS.TS Trần Trọng Dương và nhóm Sen Heritage.

Không thể phủ nhận những đóng góp của cá nhân và các nhóm cá nhân, hầu hết là thế hệ trẻ trong việc số hóa di sản, TS Nguyễn Tô Lan - Viện Nghiên cứu Hán Nôm đánh giá: Những người trẻ họ đi từ công nghệ nhưng họ cũng có sự hiểu biết nhất định về di sản. Một điểm khác là họ nhận thức rõ ràng về vai trò của công nghệ và vai trò quan trọng của nhà nghiên cứu trong việc làm di sản số. Họ kết nối được giữa công nghệ và di sản. Đó là điều mà những người nghiên cứu đơn thuần không có được.

Vấn đề nhân sự sẽ là mấu chốt quan trọng giúp công tác số hóa di sản tiếp tục được thực hiện và nối dài trong tương lai. Vì vậy, theo PGS.TS Trần Trọng Dương, bên cạnh việc nâng cao chất lượng chuyên môn, bổ sung nghiệp vụ thì cần có chiến lược về mặt đào tạo con người.

“Chúng ta thực hiện số hóa di sản hiện vẫn chỉ là sự kết hợp nhân sự giữa 2 lĩnh vực nghiên cứu và công nghệ. Trong khi đó trên thế giới hiện nay đã có những khoa đào tạo về di sản số đang mở ra rất mạnh. Họ đào tạo con người 2 trong 1, vừa hiểu về văn hóa, vừa biết về công nghệ. Chỉ có cách đào tạo bài bản như vậy thì trong tương lai chúng ta mới có một đội ngũ nhân sự, các nhà nhân văn số phục vụ cho công tác số hóa di sản” - ông Dương nêu quan điểm.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của quốc hội: Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động số hóa di sản

Thời gian qua, chúng ta đã có nhiều nỗ lực trong việc số hóa di sản. Tuy nhiên, những nỗ lực ấy vẫn chưa làm thoả mãn mong muốn của những người yêu di sản. Sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là trong quá trình chuyển đổi số, kết nối vạn vật, đang đặt ra những yêu cầu bức thiết trong việc làm giàu có thêm kho dữ liệu di sản để có thể bao quát được hệ thống di sản văn hóa phi vật thể rất phong phú và đa dạng của Việt Nam, kết nối với các kho dữ liệu tương đồng trên thế giới, khai thác được giá trị dữ liệu di sản phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Để tăng cường hoạt động số hóa di sản, thứ nhất, cần nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của hoạt động này. Thứ hai, cần tạo điều kiện hình thành môi trường thuận lợi cho hoạt động số hóa di sản. Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, đầu tư “vốn mồi”, còn xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp sẽ là những nhân tố chính trong hoạt động số hóa. Bên cạnh đó, con người bao giờ cũng là nguồn lực quan trọng nhất.

Các cơ sở đào tạo cần tập trung đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu, kỹ thuật viên để nắm bắt vững chắc được các công nghệ tiên tiến, ứng dụng được trong việc khai thác và phát huy giá trị di sản. Từ đó ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến nhất đưa dữ liệu di sản văn hóa vào cuộc sống, phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững đất nước bằng văn hóa, vì văn hóa và cho văn hóa.

PHẠM NGỌC HÀ