Đam mê là không từ bỏ

PHƯƠNG MAI 10/05/2023 07:18

Sinh ra trong gia đình nghệ thuật, đạo diễn - nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Bùi Trung Hải là con trai của đạo diễn - nghệ sĩ nhân dân (NSND) Bùi Đình Hạc và PGS.TS.NSND Nguyễn Thị Hiển. Không bị “bóng rợp” của người cha, Bùi Trung Hải chọn cho mình lối đi riêng và đã gặt hái được những thành công trong và ngoài nước.

Đạo diễn đa tài

Đạo diễn Bùi Trung Hải.

Tôi gặp NSƯT Bùi Trung Hải vào một ngày đầu tháng 4, tại Hãng phim truyện Việt Nam, số 4 Thụy Khuê, Hà Nội - nơi từng là biểu tượng một thời vàng son của điện ảnh Việt Nam. Nói vậy là bởi “cái nôi” của điện ảnh Việt Nam từ thời điểm cổ phần hóa (năm 2017) đến nay bị bỏ mặc trong hoang tàn. Hiện tại đạo diễn Bùi Trung Hải vẫn là quân số của phòng Đạo diễn.

Sau khi cổ phần hóa, Hãng phim đang gặp những lùm xùm từ phía chủ đầu tư. Và tất nhiên Bùi Trung Hải đang gặp khó vì anh cũng như nhiều đồng nghiệp từ nhiều năm qua đang chờ các cơ quan chức năng “phân xử”, với mong muốn tiếp tục “sống” trong thế giới của điện ảnh. Một lĩnh vực mà anh chưa khi nào có ý định từ bỏ…

Sinh năm 1967, từng đỗ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội với số điểm cao, thừa đủ để đi học nước ngoài, vậy mà Bùi Trung Hải lại rẽ sang làm phim, dù điều này cũng không ngạc nhiên bởi anh sinh ra trong môi trường có bố và mẹ cùng làm nghệ thuật. Bố anh, NSND Bùi Đình Hạc - người đã thành công rực rỡ với những giải thưởng điện ảnh lớn: 3 giải nhất, 1 giải nhì tại các LHP quốc tế, 7 giải Bông sen Vàng, 1 giải Bông sen Bạc tại các LHP trong nước.

Bùi Trung Hải sang Liên Xô (cũ) học chuyên ngành Quay phim tại Trường Đại học Điện ảnh quốc gia toàn Liên Xô (VGIK). Năm 1992, tốt nghiệp về nước, anh đầu quân cho Hãng phim truyện Việt Nam, ngay sau đó anh được giao đảm nhận phần hình ảnh trong phim “Cỏ lau” của đạo diễn Vương Đức. Bộ phim được tặng giải nhất Ngọn đuốc Vàng tại LHP quốc tế Bình Nhưỡng (Triều Tiên) năm 1994. Ngoài ra bộ phim còn được tặng Giải thưởng của Ban giám khảo tại LHP Việt Nam lần thứ 10 (1993) và Giải B của Hội Điện ảnh Việt Nam (1993).

Cảm thấy kiến thức học ở Liên Xô là chưa đủ, Bùi Trung Hải tiếp tục chọn điện ảnh Pháp, Mỹ. Năm 2010 - 2012, anh được trao tặng học bổng Fulbright của chính phủ Mỹ cho chương trình Thạc sĩ Nghệ thuật về Làm phim (chuyên ngành Đạo diễn và Biên kịch Điện ảnh) tại New York Film Academy, tại Los Angeles, Mỹ. Trong thời gian học tập tại Mỹ, anh đã cộng tác và làm rất nhiều phim ngắn ở vị trí biên kịch, đạo diễn, nhà sản xuất… với các đồng nghiệp người Mỹ.

Đặc biệt, phim truyện điện ảnh ngắn “David và Luisa” do Bùi Trung Hải là đạo diễn và tác giả kịch bản đã được tặng giải Remi Đồng cho Phim ngắn Chính kịch tại LHP Quốc tế Houston lần thứ 48, tại Mỹ, năm 2015. Đây là một bộ phim tiếng Anh, được Bùi Trung Hải thực hiện hoàn toàn tại Los Angeles, với đội ngũ diễn viên là người Mỹ và đoàn làm phim đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Trước đó phim truyện điện ảnh dài “Khi nắng thu về” (Bùi Trung Hải là đạo diễn và tác giả kịch bản) cũng đã được tặng giải Remi Vàng cho Phim truyện dài đầu tay xuất sắc tại LHP Quốc tế Houston lần thứ 41, tại Mỹ, năm 2008.

Đặc biệt, bộ phim “Hà Nội - 12 ngày đêm”, đạo diễn chính là Bùi Đình Hạc; còn Bùi Trung Hải là quay phim chính và đạo diễn thứ hai. Bộ phim đã được tặng giải Bông sen Bạc tại LHP Việt Nam lần thứ 14, năm 2004 và được chọn mời tham dự chính thức tại rất nhiều LHP quốc tế. Còn phải kể đến phim truyện điện ảnh ngắn “Mưa mùa hạ” cũng do Bùi Trung Hải là đạo diễn và tác giả kịch bản. Bộ phim này được tuyển chọn tham dự Chương trình tranh giải chính thức của Liên hoan phim ngắn lớn nhất nước Pháp năm 2002. Ngoài ra anh cũng tham gia sản xuất với tư cách là trợ lý thứ nhất của nhà sản xuất Larry Levene để thực hiện bộ phim truyện của điện ảnh Tây Ban Nha - “Thị Mai” tại Việt Nam (2016 - 2017).

Khát khao được “sống” với điện ảnh

Với vẻ ngoài rất ngầu và có phần bụi bặm, nhưng với câu chuyện điện ảnh Bùi Trung Hải như trở thành một con người khác với những trải lòng đau đáu và khát vọng. Khi gần 300 bộ phim của Hãng phim truyện bị chủ đầu tư bỏ mặc cho hỏng, anh là một trong những người buồn nhất, và anh đã chia sẻ với truyền thông chỉ với một tâm huyết để tìm hướng đi cho điện ảnh Việt Nam phát triển. Vẫn biết một giọt nước khó có thể làm nên một đại dương, nhưng có lẽ một ước mơ vẫn có thể làm thay đổi thực tại. Bởi vậy Bùi Trung Hải vẫn cứ ước mơ, và tìm mọi cách để thực hiện được những ước vọng đó.

Đối với người cha của mình - NSND Bùi Đình Hạc, nghệ sĩ Bùi Trung Hải khẳng định học được từ ông rất nhiều điều, đặc biệt là trong thời gian cộng tác làm phim: đó là ý thức sáng tạo, đổi mới không ngừng qua từng bộ phim, là phương pháp dựng phim theo cảm xúc, đẩy cảm xúc của người xem tới cao trào, là đức tính kiên nhẫn, bền bỉ của người đạo diễn... và đặc biệt, dĩ nhiên, là tình yêu nghề nghiệp...

Khi được hỏi, liệu cái bóng của NSND Bùi Đình Hạc có quá lớn với anh. Bùi Trung Hải chia sẻ trong cuộc sống hằng ngày, anh và cha rất hợp nhau, với nghề anh cũng chịu ảnh hưởng nhiều từ người cha. Nhưng với niềm đam mê dành cho điện ảnh cộng với sở thích luôn luôn cố gắng để tìm đến những kiến thức mới lạ, cũng như hoàn thiện cảm xúc, Bùi Trung Hải đã tự tin tìm lối đi riêng cho mình.

Bùi Trung Hải thông thạo 3 ngoại ngữ: Anh, Pháp, Nga, bởi thế anh có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với những nền điện ảnh danh tiếng hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, anh vẫn một mực ngưỡng mộ người cha, nhưng luôn tìm cho mình cách thể hiện sự không trộn lẫn. Nhớ lại khoảng thời gian là người cộng sự của cha trong bộ phim “Hà Nội 12 ngày đêm”. Ngoài vai trò quay phim chính, anh còn là thành viên của tổ đạo diễn. Bộ phim này khi đưa vào sản xuất chưa có kịch bản hoàn chỉnh, Bùi Trung Hải là người tổng hợp từ 3 kịch bản để tạo ra một kịch bản tổng thể duy nhất, đồng thời cũng viết kịch bản phân cảnh cho bộ phim lịch sử quy mô cực kỳ hoành tráng này.

Bùi Trung Hải cho biết: “Tôi không bó buộc mình chỉ là quay phim, mặc dù bố tôi có nhiều kinh nghiệm về nghề nhưng tôi lại có thế mạnh là được đào tạo sau nên những gì mới nhất của điện ảnh thế giới là tôi lĩnh hội được, mà cụ thể ở đây là cách làm phim, cách cấu trúc phim theo xu hướng hiện đại. Vì thế, tôi đem những kiến thức mới mẻ đó áp dụng vào bộ phim “Hà Nội 12 ngày đêm”.

Anh quan niệm rằng, trong gia đình, con cái có thể cần nghe lời cha mẹ, nhưng khi hai bố con đã cùng nghề, cùng hợp tác làm phim thì cần có sự trao đổi và tranh luận, và điều quan trọng nhất: kết quả tranh luận phải là việc tìm được những cách biểu hiện tốt hơn, sáng tạo và hiệu quả hơn cho cảnh quay cũng như cho cả bộ phim.

Đối với người cha của mình, NSƯT Bùi Trung Hải khẳng định học được từ ông rất nhiều điều, đặc biệt là trong thời gian cộng tác làm phim. Đó là ý thức sáng tạo, đổi mới không ngừng qua từng bộ phim, là phương pháp dựng phim theo cảm xúc, đẩy cảm xúc của người xem tới cao trào, là đức tính kiên nhẫn, bền bỉ của người đạo diễn... Và đặc biệt, dĩ nhiên, là tình yêu nghề nghiệp...

Anh chia sẻ: Điện ảnh hiện đại của thế giới đang phát triển rất mạnh. Có rất nhiều trào lưu, phong cách, cũng như các cách cấu trúc làm phim mới ngày càng gần gũi và đi sâu hơn vào cuộc sống đương đại. Chúng ta rất cần tiếp cận để học hỏi, cũng như sử dụng những phương pháp, các quan niệm, kỹ năng làm phim mới, rất đa dạng của nghệ thuật điện ảnh thế giới hôm nay trong tất cả các khâu: kịch bản, đạo diễn, diễn xuất, dựng phim... Ở thời điểm phát triển và hội nhập của điện ảnh Việt Nam với điện ảnh thế giới hôm nay, việc tiếp cận với những phương pháp làm phim hiện đại đã thuận lợi hơn nhiều so với trước kia. Điều quan trọng là mỗi chúng ta phải không ngừng cố gắng tìm tòi sáng tạo để đổi mới chính mình…

Hỏi đạo diễn Bùi Trung Hải về những kiến thức anh đã học được ở Pháp hay Mỹ là một chuyện, những mang áp dụng vào thực tế làm phim trong nước như thế nào lại là một câu chuyện khác, và vấn đề là nhiều công đoạn rất khó khả thi, ít nhất là trong thời gian trước mắt, liệu anh có thất vọng không? Anh chỉ cười: Không có gì có thể thay đổi trong một sớm một chiều, nhất là khi điện ảnh là sản phẩm của cả một tập thể với rất nhiều thành phần sáng tạo khác nhau.

Nhưng nếu đi từng bước, áp dụng từ từ từng khâu sản xuất theo đúng chuẩn mực thì dần dần quy trình làm phim sẽ thay đổi theo chiều hướng chuyên nghiệp, bài bản và nhà nghề hơn. Anh luôn tin tưởng điện ảnh Việt Nam sẽ sớm phát triển mạnh mẽ nếu biết ứng dụng phương pháp làm phim hiện đại, của nền điện ảnh Mỹ, là một nền điện ảnh tiên tiến nhất, có ảnh hưởng nhất trên thế giới hiện nay. Tuy nhiên việc áp dụng phải đồng bộ, trong tất cả các khâu thì thành công mới thật sự lớn được.

Theo đạo diễn Bùi Trung Hải, điện ảnh Hàn Quốc là một ví dụ rõ ràng trong việc thâm nhập, học tập từ điện ảnh Mỹ về phương pháp làm phim.

Tuy nhiên họ đã biết phát triển rất hiệu quả lý thuyết làm phim của điện ảnh Mỹ, “Hàn Quốc hóa” nó, và họ đã đạt được những thành tựu rất lớn trong điện ảnh với quy mô toàn cầu. Người Hàn Quốc đã phải chuẩn bị chừng 30-40 năm với nhiều thế hệ được đào tạo điện ảnh tại Mỹ để có làn sóng phim Hàn ảnh hưởng mạnh mẽ trên thế giới như hiện nay. Còn tại Việt Nam, muốn phát triển điện ảnh, tốt nhất là chúng ta phải có quyết tâm thay đổi ngay lập tức, ngay từ lúc này.

PHƯƠNG MAI