‘Chuyến bay giải cứu’ và những tù nhân của lợi ích vật chất

ĐĂNG NGỌC 03/05/2023 08:32

Rồi đây những bị can của vụ “chuyến bay giải cứu” sẽ phải đứng trước vành móng ngựa. Ở đó pháp lý, công lý sẽ cho công chúng thấy rõ, thấy hết những kế làm tiền của những bị can trong cơn đại dịch Covid-19. Còn bây giờ ta nhìn vụ việc dưới góc của dư luận.

Một số bị can trong vụ “chuyến bay giải cứu”.

1.Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã tống đạt quyết định truy tố đối với 54 bị can trong vụ án “chuyến bay giải cứu”, với các tội danh: đưa - nhận - môi giới hối lộ; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trong số những bị can của vụ án này có một số quan chức trong các ban, ngành và cơ quan thuộc cấp vĩ mô: 2 nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; Trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ; Vụ trưởng Văn phòng Chính phủ; Cục trưởng, Cục phó Cục Lãnh sự; Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế; Trưởng phòng điều tra Cục An ninh Bộ Công an; Phó phòng Vận tải hàng không Cục Hàng không... Hà Nội có nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố; nguyên Thiếu tướng, Phó Giám đốc Công an thành phố. Quảng Nam có nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh...

Đại dịch Covid-19 là cơn địa chấn toàn cầu, cú đòn hiểm hóc đánh vào lộ trình thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia, trong đó có nước ta. Đại dịch Covid-19 gieo vào lòng người nỗi sợ hãi về mạng sống. Ở nước ta, trong đại dịch những gia đình có con em đang học tập, làm ăn ở nước ngoài vô cùng lo lắng. Thời điểm đang ở đỉnh điểm, dịch vụ y tế thiếu thốn, nhiều người muốn trở về nhà mình cho an toàn hơn. Và những "chuyến bay giải cứu" đã xuất hiện như vị cứu tinh. Thậm chí những người Việt Nam đầu tiên được về trên các chuyến bay này, kể cả các chuyến bay combo (công dân tự trả toàn bộ chi phí) đã rất cảm kích, vô cùng biết ơn các bộ, cục, ban, ngành đã “bay thẳng vào tâm dịch” để đưa đồng bào về nước.

Nhưng ngay thời điểm đó đã có chất vấn, vì sao tiền vé máy bay quá cao, có chuyến cao gấp gần 3 lần bình thường. Các hãng bay giải thích, "chuyến bay giải cứu" là đặc thù, phát sinh nhiều chi phí và những quy định khắt khe về phòng chống dịch nên giá vé bị đội lên rất nhiều. Nghe rất có lý, dễ được chấp nhận.

Nhưng thực ra, nhiều cá nhân có chức có quyền đã lợi dụng tình thế, lợi dụng vị trí công tác đã đề xuất thẳng lên lãnh đạo Chính phủ duyệt chủ trương cấp phép chuyến bay cho các doanh nghiệp thân quen, bỏ qua quy trình giám sát, thẩm định. Kết quả là tạo nên “thị trường” mua bán giấy cấp phép chuyến bay và sang nhượng quyền được tổ chức chuyến bay. Hơn 100 doanh nghiệp được cấp phép tổ chức chuyến bay combo, nhưng chỉ 20 đơn vị triển khai, còn lại cho mượn pháp nhân hoặc đứng ra xin cấp phép rồi nhượng quyền. Khi các doanh nghiệp được cấp phép, một số cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thỏa thuận, yêu cầu chia lợi nhuận theo từng chuyến bay hoặc chi tiền theo số công dân được về nước.

Tổng cộng có 21 cán bộ của 5 bộ, 2 địa phương, đã nhận hơn 180 tỷ đồng của các doanh nghiệp để bán giấy phép, bán chỗ trên các chuyến bay giải cứu hoặc combo. Kiếm được nhiều tiền nhất là Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, bị tố nhận hối lộ tổng cộng 42,6 tỷ đồng; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng bị tố nhận hối lộ 37 lần, tổng cộng 21,5 tỷ đồng; Cục trưởng Lãnh sự Bộ Ngoại giao Nguyễn Thị Hương Lan bị tố nhận hối lộ 33 lần, tổng cộng hơn 25 tỷ đồng; Thiếu tướng, cựu Phó Giám đốc Công an Hà Nội bị tố nhận hơn 61 tỷ đồng để “chạy án” giúp 2 doanh nghiệp không bị xử lý hình sự trong vụ án này…

Nhiều quan chức là bị can trong vụ chuyến bay giải cứu nói lời đạo lý, sự liêm chính và trách nhiệm trước những công việc nguy hiểm khi bay vào vùng có dịch, nhưng hành động thực tế đã kéo rơi những chiếc “mặt nạ liêm chính, trách nhiệm” của họ. Nhận diện hình thức vụ tham nhũng này, nếu cho đó là lợi dụng hoàn cảnh, lợi dụng kẽ hở của cơ chế để các cá nhân trục lợi thì e chưa đúng. Đó chính là tham nhũng tập thể, có tổ chức bài bản như một công cuộc kinh doanh trên sự đau khổ, sợ hãi của người khác.

Luật Phòng, chống tham nhũng có hiệu lực từ tháng 7/2019 đã bổ sung một số quy định nhằm tăng cường hơn nữa các biện pháp phòng, chống tham nhũng; xử lý, thu hồi tài sản tham nhũng, tưởng đã chặt chẽ nhằm “nhốt quyền lực vào cái lồng pháp luật” để ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực, làm cho nhiều kẻ chùn tay. Vậy mà các bị can trong vụ “chuyến bay giải cứu” không hề sợ, vẫn nhận tiền đút lót, ăn chia, “chạy án” lúc thì ngay trong công sở, lúc trên xe đậu ngay trước cửa cơ quan, lúc tại quán cà phê, nhà hàng, nhà riêng. Đưa và nhận hối lộ hành động lặp đi lặp lại vài chục lần, có trường hợp như Thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế, nhận hối lộ 251 lần. Hành động ấy chính là sự công khai khinh thường pháp luật chứ không phải là lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trục lợi.

2.Những bị can này lương chắc chắn là cao, bổng lộc không ít, sao vẫn dấn sâu vào lợi ích nhóm, lợi dụng tình thế để vinh thân phì gia?

Theo quy luật khách quan, người càng giỏi thì lòng tự trọng càng cao. Nhưng quy luật này dường như không có giá trị đối với những quan chức này. Câu trả lời dễ thấy, vì đầu óc họ bị phong bế, bị cầm tù bởi lợi ích vật chất, đồng tiền. Muốn làm giàu nhanh và không biết thế nào là đủ, ăn một lại muốn ăn hai. Đành rằng vật chất là quan trọng nhưng với mỗi người phải nhận để biết vật chất, tiền đến mức thế nào là đủ và đồng tiền nào là chân chính.

Các bị can trong vụ án này phần lớn là người có trí tuệ (có kiến thức của bác sĩ, kỹ sư, kiến thức quản trị quốc gia, kiến thức quản trị kinh tế...) nhưng bị lợi ích vật chất giam cầm, không có khe hở cho trí tuệ văn hóa - trí tuệ để làm người, vào trong đầu họ. “Có tiền mua tiên cũng được”, câu nói đó không đúng trong trường hợp này nữa vì tiền có thể đã làm người ta bị mất đi tất cả. Nếu chỉ nhiều về tiền mà thiếu văn hóa thì gọi đó là trọc phú, mà trọc phú thì chưa bao giờ được coi là giàu sang. Ai cũng phải mưu sinh nhưng người lương thiện, người biết tự trọng không bao giờ dùng mưu kế, thủ đoạn để kiếm tiền.

3.Albert Camus trong tiểu thuyết “Dịch hạch” đã nói về “cái ác” trong con người trỗi dậy. Lúc nguy biến, mọi người cần đến sự hy sinh, gắn bó, yêu thương chia sẻ thì lại có kẻ như nhân vật Cottard cơ hội, tìm mọi cách kiếm chác... như nâng giá thuốc, bán tư trang y tế giả... Nhà triết học, nhà soạn kịch, tiểu thuyết gia và là nhà hoạt động chính trị người Pháp, Jean Paul Sartre, từng nói: “Mầm ác, ma quỷ nằm ngay trong lòng ta”. Cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác để giành quyền kiềm soát tâm hồn con người là cuộc đấu tranh vĩnh cửu. Và muốn chế ngự nó J.P. Sartre nói rằng “phải tu dưỡng, phải học hỏi không ngừng”.

Nói về sự học tập, rèn luyện con người, tục ngữ, ca dao có nhiều câu hết sức chí lý, trong đó có những câu: “Học khôn đến chết, học nết đến già”; “Học trò học hiếu học trung/ Học cho đến mực anh hùng mới thôi”. Và ông cha ta dạy “đói cho sạch rách cho thơm”, “giấy rách phải giữ lấy lề”.

Qua vụ án “chuyến bay giải cứu” mỗi người nên dành cho mình một khoảng lặng để ngẫm nghĩ và đặt thêm vài câu hỏi, rằng chính mình đã bao giờ quên đi những giá trị đạo đức để bị cuốn đi bởi chủ nghĩa kim tiền? Điều này cần thiết biết bao!

ĐĂNG NGỌC