Đi lễ Đền Tản Viên Sơn Thánh

ĐĂNG NGỌC 28/04/2023 09:18

Hồi nhỏ tôi không chỉ được nghe kể những chuyện về Vua Hùng mà còn về hai chàng rể thảo của Vua: Tản Viên Sơn Thánh và Chử Đồng Tử. Đền thờ Tản Viên có ở nhiều nơi, nhất là các tỉnh vùng trung du, miền núi phía Bắc. Cách nhà tôi không xa cũng có ngôi đền thờ Tản Viên, mà dân thường gọi là Đền Thượng, tôi đã theo ông bà đi lễ đền này.

Lễ rước hoa tre ở Đền Thượng, Đồng Thịnh.

Qua những ngôi đền

Vào dịp làng có hội, bà và mẹ tôi hay đọc câu ca: “Nhất hội Hương Tích/ Nhì hội Phủ Giầy/Vui thì vui vậy chẳng tày đình làng ta”. Cạnh nhà tôi có ngôi đình Giò rất cổ, cùng tên làng. Vào dịp giêng hai tôi hay theo ông bà đi lễ đình và cả những ngôi đền xa hơn một chút - Đền Thượng thuộc xã Đồng Thịnh, nay thuộc huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc. Ông nội tôi là Thư ký hộ lại thời phong kiến nên biết Hán - Nôm, một ít tiếng Pháp.

Nhà có nhiều sách mà ông thường gọi là sách “chữ Nho”. Ông hay kể chuyện cổ tích, có lúc là chuyện tiếu lâm, bọn tôi cười như nắc nẻ. Lần đi lễ đền Thượng, ông chỉ cho tôi biết bệ cao nhất là nơi thờ Thánh, bên tả, bên hữu trước đền là ông “Ác”, ông “Thiện”, rồi bộ Bát Bửu, gồm 8 vật báu (kiếm, thương, chùy, bát xà mâu…) gài trên một giá đỡ gọi là bộ “Kích-chấp”. Khi ông kể về Tản Viên sơn thánh, tôi nhớ nhất chi tiết, “Tản Viên là con rể Vua Hùng”. Tôi hỏi, Vua Hùng có bao nhiêu con? Ông bảo, tất cả mọi người như ông cháu mình chẳng hạn, đều là con cháu Vua Hùng. Hùng Vương có tới 18 đời, đời thứ 18 gọi là Hùng Duệ Vương.

Theo sử sách, Hùng Duệ Vương có ít nhất 3 người con gái là Tiên Dung, Ngọc Hoa và Mỵ Nương. Ngọc Hoa lớn lên về trời. Mỵ Nương thì Vua gả cho Sơn Tinh - tức Thánh Tản. Còn Tiên Dung đến tuổi cập kê không chịu lấy chồng, mãi sau mới gả cho Chử Đồng Tử. Dù con nhà “lá ngọc cành vàng”, nhưng Tiên Dung lấy Chử Đồng Tử, kẻ nghèo đến mức không có cả cái khố che thân.

Những câu chuyện đó cứ xoáy vào đầu tôi, nên sau này học lớp cấp II, cấp III hễ có truyện nào nói về các nhân vật huyền thoại này là tôi lại hay đọc và có ngôi đền nào mà thờ Thánh Tản tôi lại vào lễ cầu may và tìm hiểu xem nơi đây có gì khác đền Thượng quê mình.

Cùng quân ngũ với tôi có bốn anh quê ở Thanh Thủy, Phú Thọ, tôi đã có dịp về nhà đồng đội cũ ở xã Trung Nghĩa, nay xã sáp nhập với 3 xã khác thành xã Đồng Trung. Xã có đền Lăng Sương, đền nằm trong hệ thống các di tích thờ Tản Viên vùng ven sông Đà và vùng đồng bằng trung du Bắc Bộ. Tương truyền động Lăng Sương là mảnh đất đã sinh ra Thánh Tản.

Cùng với tín ngưỡng thờ Thánh Tản, đền còn thờ Thánh Mẫu - người có công sinh ra Thánh Tản. Cổng đền có đôi câu đối: “Thiên giáng thánh nhân bình bắc địch/ Địa lưu thần tích hiển Nam bang”. (Trời sinh thánh dẹp giặc phương Bắc/ Đất lưu thần tích hiến trời Nam). Trong tòa Đại bái đền chính có xây bệ thờ tượng Cao Sơn và Quý Minh là hai tướng có công giúp Tản Viên dẹp giặc Thục. Đền Lăng Sương là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Bạn đồng ngũ chúng tôi đã nhiều lần tới tắm suối khoáng Thanh Thủy và vãn cảnh đền chùa nơi đây. Khu suối khoáng nóng này trước đây thuộc xã La Phù, nay thuộc thị trấn Thanh Thủy. Cách không xa khu suối nóng có 2 ngôi đền, chùa là La Phù và Tăng Má. Dân làng quanh vùng vẫn lưu truyền câu chuyện về Động Đình Thánh mẫu tức là vị Long Nữ, người đã lấy Kinh Dương Vương sinh ra Lạc Long Quân trong huyền sử Việt. Còn chùa Tăng Má, do biến âm của Tang Ma. Theo giải thích của các vị cao niên: “Tang” nghĩa là dâu, nghề tầm tang là trồng dâu nuôi tằm, “ma” là hoang dã, tang ma tức bãi dâu hoang. Còn cánh đồng Tương, nơi Lạc Long Quân và Âu Cơ phân chia trăm con lên núi, xuống biển không ở đâu xa, mà là chính vùng đất Thanh Thủy. Chữ “Tương” cũng là biến âm của “Tang”. Bãi Tang Ma ở La Phù chính là cánh đồng Tương trong huyền sử Việt.

Không chỉ là nơi ước đến, chốn mong về của người dân Ba Vì mà đền Thượng ở Ba Vì còn thu hút du khách thập phương. Đền Thượng tọa lạc trên đỉnh núi Tản Viên, thuộc khu du lịch Vườn Quốc gia Ba Vì, Hà Nội. Tương truyền đền được xây dựng từ thời vua An Dương Vương trên núi Tản thờ Thánh Tản.

Để xây dựng đền, các vua đã huy động người dân hai bờ sông Đà vận chuyển đất đá lên tới “đỉnh trời” và cùng nhau góp sức, vượt qua mọi gian khó trong quá trình xây dựng. Trải qua thời gian dâu bể, đền Thượng không còn nữa. Năm 1993, ngôi đền được xây dựng lại trên đỉnh núi Tản với thiết kế tựa lưng vào vách núi. Và những câu chuyện đầy màu sắc huyền bí về Thánh Tản ở vùng này thì cứ truyền từ đời này qua đời khác. Từ Đền Thượng leo thêm hơn nghìn bậc đá nữa là đến khu vực Đền thờ Bác Hồ ở độ cao gần 1.300 mét, đỉnh cao nhất của dãy núi Ba Vì.

Đền thờ Đức Thánh Tản Viên trên núi Ba Vì.

Học một sàng khôn

Ngày đi lễ đền Thượng ở Đồng Thịnh, nghe bố giải thích, tôi mới vỡ vạc: Thượng là “lên, trên, trên cao, các bậc trưởng thượng là các bậc bề trên, thượng lộ bình an là lên đường bình an. Đền Thượng là đền thờ bậc Thánh cao nhất-Tản Viên, tên thôn Thượng Yên (xã Đồng Thịnh như thượng dẫn) có ngôi đền này cũng là mong muốn cuộc sống có sự bình yên nhất. Khi lớn lên, học cao hơn, rồi đi thăm nhiều đền chùa vào dịp lễ hội, thấy có nhiều nơi cũng có đền Thượng, như đền Thượng ở Khu Di tích lịch sử Đền Hùng tỉnh Phú Thọ, đền Thượng thờ An Dương Vương ở Cổ Loa…, tôi càng hiểu thêm về chữ “thượng”.

Tản viên Sơn Thánh là một trong bốn vị thần “Thượng đẳng tối linh”. Trong tín ngưỡng truyền thống nước ta, dân thường nói “Tứ bất tử”. Đó là Tản Viên sơn thánh, Phù Đổng Thiên vương, Chử Đồng Tử và Công chúa Liễu Hạnh. Tản Viên tượng trưng cho ước vọng chinh phục tự nhiên, chiến thắng thiên tai. Với lòng tôn kính, ngưỡng mộ, nhân dân đã suy tôn Tản Viên là vị thần “Thượng đẳng tối linh” hay “Đệ nhất phúc thần”- đứng đầu “Tứ bất tử”. Thần thoại Tản Viên, chủ yếu nhằm giải thích nguồn gốc các hiện tượng trên núi Ba Vì cùng với hiện tượng lũ lụt vùng sông Đà, về sau được lịch sử hóa và hòa nhập vào chùm truyền thuyết Hùng Vương, nên thần thoại thần Tản Viên đã trở thành truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh, mang đậm màu sắc lịch sử của thời Hùng Vương. Càng đi càng thấy lòng ngưỡng mộ, tôn kính của dân ta với vị thần “Thượng đẳng tối linh” được thể hiện qua muôn vàn cách thờ cúng, diễn xướng các tích trò.

Chị gái tôi lấy chồng ở vùng ngã ba Hạc - Trì, gần nhà chị có đình Vân Luông. Tới thăm anh chị, nếu vào dịp lễ hội đền Luông là chúng tôi cũng dự. Lễ hội đền có nhiều mục, trò nhằm diễn lại cảnh Vua Hùng cùng con rể là Tản Viên và quần thần đi săn bắn đầu xuân, vua tôi cùng quây quần ăn Tết, chúc Tết đầu xuân với dân làng. Sau khi hoàn thành các nghi lễ cúng tế trong đền, dân làng tổ chức trò rước hoa tre, trò này giống như ở đền Thượng quê tôi, nhằm cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Còn trò ném chài hội đền Luông tái hiện hình ảnh đi săn của Vua Hùng và Thánh Tản. Trò có 3 người đàn ông cường tráng đóng thành 1 “củ sát”, 2 “củ hờ”. Tôi được các bậc lão niên đền Luông giải thích: "Củ sát" là “kiểm soát, coi xét lỗi lầm của người khác, "củ hờ" là phòng chừng, phòng hờ kẻ gian. "Củ sát" tượng trưng loài thú dữ bị dân làng ném đá để xua đuổi, ngồi quay lưng về phía dân làng, trước ngực ôm chặt chiếc lệnh làng. Sau khi để dân làng ném đá tượng trưng xong, "củ sát" đi trước gõ chiêng cùng 2 "củ hờ" đi xuống phía bờ sông thả thuyền rồng có 2 rọ thịt lợn đen, 1 thịt sống, 1 thịt chín để gửi về biếu mẹ Thánh Tản.

Hẳn là chẳng ai quên chuyện thách cưới kén rể của Vua Hùng, phải có “voi 9 ngà, gà 9 cựa, ngựa 9 hồng mao”. Voi và ngựa như vậy thì huyền thoại vẫn chỉ là huyền thoại, nhưng gà 9 cựa thì tôi và nhiều người đã nhìn thấy. Khi còn công tác, tôi lên Vườn Quốc gia Xuân Sơn, nay thuộc huyện Tân Sơn, Phú Thọ được biết, vườn Xuân Sơn có giống gà Lôi trắng và đặc biệt là gà 9 cựa. Ôi! Một trong những chỉ dấu độc đáo từ hàng ngàn năm trước khiến ta lần tìm về lịch sử thông qua những chi tiết tưởng như không thể có thật.

Khi đó vườn đang nghiên cứu để bảo tồn 2 nguồn gen giống gà này. Sau đó, giống gà 9 cựa được người dân ở bản Cỏi nuôi đại trà, nay đã được nuôi ở 4 bản, giá gà 9 cựa đắt gấp nhiều lần so với gà ta. Và vùng Xuân Sơn cũng có vài ngôi đền gắn với tục thờ cúng của đồng bào dân tộc Dao để nhớ ơn Vua Hùng và Thánh Tản Viên.

Đi lễ đền, đình, chùa và đi hội dịp giỗ Tổ Vua Hùng đã trở thành một phong tục tốt đẹp của người dân ta. Qua đó chúng ta còn được chiêm ngưỡng những công trình nghệ thuật, kiến trúc chùa chiền, đền đài; Học được, biết được bao nhiêu chuyện từ huyền thoại, thần tích đi vào cuộc sống và đó cũng chính là lúc để chúng ta - con cháu Vua Hùng, tìm về cuội nguồn xa xăm mà vẫn thấm đượm trong từng không gian tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng, Thánh Tản.

ĐĂNG NGỌC