Khi trí tuệ nhân tạo ‘tấn công’ hội họa
Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ “làm gì” với hội họa, hay nói cách khác, AI có thể thay thế các họa sĩ giá vẽ? Liệu những tác phẩm do trí tuệ nhân tạo tạo ra có thể được gọi là nghệ thuật? AI sẽ thay đổi định nghĩa của nghệ thuật?... Đó là những câu hỏi mà nhiều người đang đặt ra khi gần đây thấy hàng loạt bức tranh ra đời từ các ứng dụng công nghệ có sử dụng trí tuệ nhân tạo…
Trước hết, vẫn phải khẳng định rằng, chính con người đã tạo ra những ứng dụng đó, và dẫu gì, các ứng dụng trí tuệ nhân tạo khi mới ra đời đều có những hạn chế nhất định. Tuy nhiên cùng với công nghệ phát triển và khả năng “tự học”, thậm chí “học sâu” của các AI khiến cho các ứng dụng này ngày càng hoàn thiện. Con người nói chung, dù thông minh đến mấy, cũng không nên chủ quan trước AI.
Vậy nghệ thuật AI là gì? Có thể diễn giải một cách vắn tắt rằng, đây là một hình thức sáng tạo hình ảnh dựa trên các miêu tả của người dùng. Các miêu tả này càng chi tiết càng giúp cho các AI xử lý càng chính xác và trả kết quả trong vài giây.
Tùy vào miêu tả, tùy vào ngôn ngữ người dùng, và tùy vào người ta sử dụng ứng dụng AI nào mà cho ra các kết quả khác nhau, thậm chí đưa lại kết quả không phải lúc nào cũng như những gì người dùng mong muốn. Có thể “tạm được”, có thể “rất tệ”, nhưng cũng có khi “rất xuất sắc”. Điều thú vị là người dùng có thể bổ sung, thay đổi yêu cầu để cho ra những kết quả mới, và quyết định lựa chọn 1 kết quả ưng ý nhất. Đã có ý kiến bình luận: Những thuật toán AI nằm ngoài sức tưởng tượng ngông cuồng nhất của bất kỳ ai.
Riêng đối với lĩnh vực hội họa, nghệ thuật AI trên các nền tảng phổ biến như Midjourney, Lensa… cho phép người dùng chỉ cần nhập miêu tả hình ảnh họ muốn và công cụ AI sẽ tạo ra nó chỉ sau vài giây. Trên thế giới, đã có nhiều họa sĩ lo lắng khi gõ tìm kiếm trên mạng và thấy hiển thị đa số những tác phẩm “nhái theo phong cách của mình” do AI tạo ra.
Gần đây những bức tranh do AI tạo ra đã tạo nên những tranh cãi thú vị trên toàn thế giới. Nhất là vào tháng 9 năm ngoái, khi bức tranh “Théâtre D'opéra Spatial” do AI thực hiện theo yêu cầu của một người dùng ở Mỹ được trao giải nhất cuộc thi vẽ tranh kỹ thuật số, tại Hội chợ bang Colorado, Mỹ. Cụ thể, Jason Allen - một người đàn ông, sống tại quận Pueblo (bang Colorado, Mỹ), đã dùng phần mềm trí tuệ nhân tạo có tên gọi Midjourney để hoàn thành bức tranh trên.
Midjourney là một hệ thống trí tuệ nhân tạo, với cơ sở dữ liệu là những bức tranh của hàng trăm họa sĩ nổi tiếng khác nhau, giúp trí tuệ nhân tạo có thể nhận dạng và xây dựng phong cách nghệ thuật cho riêng mình. Ứng dụng này cho phép người dùng có thể dễ dàng tạo ra những bức tranh vẽ chỉ bằng những mô tả, nhập dữ liệu đầu vào bằng văn bản, sau đó trí tuệ nhân tạo sẽ xây dựng nên những bức tranh với phong cách nghệ thuật khác nhau.
Chia sẻ với truyền thông sau đó, người dùng Jason Allen cho biết, anh đã sử dụng Midjourney để tạo ra hàng trăm bức tranh khác nhau và sau nhiều tuần, đã chọn ra được 3 bức tranh đẹp nhất để tham dự cuộc thi mỹ thuật tại Hội chợ bang Colorado (hạng mục tác phẩm kỹ thuật số). Kết quả, Allen đã vượt qua 20 tác phẩm khác để giành được giải nhất (trị giá 300 USD).
Câu chuyện của Jason Allen gợi nhớ tới một nhóm các nghệ sĩ đã tiên phong ứng dụng AI để sáng tác mỹ thuật. Đó là năm 2015, các nghệ sĩ Mỹ gồm: Robbie Bart, Mario Klingemann, Anna Ridler dùng trí tuệ nhân tạo để tạo ra một số “tác phẩm mỹ thuật”, sau đó bán với giá 10.000 - 15.000 USD. Đến năm 2018, nhiều người tỏ ra kinh ngạc khi bức tranh “Edmond de Belamy” (Chân dung Edmond de Belamy) của một nghệ sĩ có cái tên rất đặc biệt: min G max D Ex [log (D (x))] + Ez [log (1-D (G (z)))] được bán với giá kỷ lục 432.500 USD trong một phiên đấu giá tại New York, Mỹ. Sự kiện này cũng ghi một dấu mốc quan trọng: Lần đầu tiên một tác phẩm hội họa do AI sáng tác được lên sàn đấu giá.
Cần nói thêm “Chân dung Edmond de Belamy” là một sản phẩm trí tuệ của Obvious - công ty nghệ thuật tại Pháp, được thành lập bởi 3 thành viên là Hugo Caselles-Dupre, Pierre Fautrel và Gauthier Vernier. Họ sử dụng thuật toán GAN (Generative Adversarial Network) để tạo nên bức tranh thông qua việc tập hợp, phân tích nguồn dữ liệu gồm 15.000 bức chân dung vẽ từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 20. Bức tranh này nằm trong chuỗi 11 bức chân dung “La famille de Belamy” (Gia đình Belamy). Trước khi khiến cả thế giới kinh ngạc với việc mang một tác phẩm hội họa không phải do con người tạo nên lên sàn đấu giá thì hồi tháng 2, Obvious đã bán sản phẩm đầu tiên mang tên “Le Comte de Belamy” cho nhà sưu tầm Nicolas Laugero-Lasserre ở Paris, Pháp với giá 11.430 USD.
Câu chuyện của Jason Allenm, hay câu chuyện của các nghệ sĩ người Mỹ kể trên là minh chứng cho thấy trí tuệ nhân tạo đã có khả năng xây dựng nên được những sản phẩm mỹ thuật đòi hỏi sự sáng tạo, thậm chí tốn kém thời gian của họa sĩ chuyên nghiệp.
Hiện vẫn có không ít người hiểu một cách đơn giản rằng, khi có yêu cầu, AI sẽ rà soát toàn bộ Internet, tìm các “mẩu” tác phẩm nghệ thuật theo chủ đề để ghép lại thành hình ảnh mà bạn yêu cầu. Song thực chất AI “thông minh hơn chúng ta tưởng”. Các AI này biết “học sâu”, để không dừng lại ở việc cắt dán hình ảnh hiện có mà nó hiểu bản chất của những gì người dùng đang yêu cầu, đang mong muốn…
Nhiều người đặt ra câu hỏi liệu trong tương lai, trí tuệ nhân tạo có thể vẽ nên những tác phẩm vượt qua cả những họa sĩ chuyên nghiệp? Và, với việc các ứng dụng trí tuệ nhân tạo sử dụng dữ liệu từ hàng ngàn, hàng vạn bức tranh của các họa sĩ “bằng xương bằng thịt”, liệu có vi phạm bản quyền?
Tuy nhiên, nhìn ở một góc đó khác, có thể nói nghệ thuật do AI tạo ra là một trong những phát minh vĩ đại nhất của lịch sử hiện đại. Nhưng mặt khác, nó đặt ra câu hỏi liệu rằng nghệ thuật AI có phải là nghệ thuật đích thực? Hình ảnh cuối cùng có phải là sản phẩm sáng tạo của người miêu tả? Ai có quyền sở hữu đối với tác phẩm? Chúng ta có nên coi trọng nó hơn những tác phẩm nghệ thuật tương tự nhưng tốn nhiều thời gian, công sức và kỹ năng hơn không?
Họa sĩ Đào Hải Phong: Tôi lo sợ sự lẫn lộn thật - giả
Nhìn vào những bức tranh do AI tạo ra, được lan truyền trên các phương tiện trong thời gian qua, tôi thấy nếu nhìn theo góc độ cơ học, thì có thể thấy sự “điêu luyện”, nhưng không cho ta sự rung động nào. Mà hội họa “ăn nhau” ở sự rung cảm, khiến người ta rung động khi ngắm nhìn.
Tuy vậy, tôi nghĩ, AI sẽ có những đóng góp đắc lực hỗ trợ các đạo diễn trong việc tạo ra một số cảnh phim, không gian phim - nhất là những phim cần đến yếu tố giả tưởng. Sau khi đạo diễn nêu ra yêu cầu, rất nhanh sau đó, trí tuệ nhân tạo sẽ cho ra những kết quả để lựa chọn. Rồi tất cả đoàn phim sẽ “chạy” theo AI để hiện thực hóa.
Còn trong lĩnh vực hội họa, tôi lo sợ với sự tham gia của trí tuệ nhân tạo sẽ làm lẫn lộn các giá trị thật với giá trị giả. Trong khi đó con người ngày càng bận rộn, người ta sẽ không đủ thời giờ để tĩnh tâm phân biệt. Và nhiều người sẽ đơn giản hóa việc thưởng thức nghệ thuật.
Tuy nhiên, thoạt đầu AI có thể thỏa mãn sự tò mò nào đó, nhưng tôi e rằng, rất sớm thôi, loài người sẽ chán những sản phẩm mỹ thuật do AI tạo ra.
Cuối cùng thì chính con người vẫn phải tự lựa chọn món ăn tinh thần cho mình.
Họa sĩ Đặng Tiến: Trí tuệ nhân tạo vẫn chỉ là ‘cái máy’
Bản thân tôi gần đây cũng nghe người ta nói nhiều về AI - trí tuệ nhân tạo áp dụng trong mỹ thuật nhưng quả thật cũng chưa để ý kỹ. Thực tế, tin học từ lâu đã “lấy đi” nhiều việc không chỉ của họa sĩ mà còn nhiều lĩnh vực khác. Các phần mềm trong vẽ phối cảnh kiến trúc (cả 3D) với đầy sự tiện lợi; họa sĩ đồ họa không phải bò ra kẻ chữ khi trình bày, thiết kế một sản phẩm nào đó, máy tính đã làm thay họ bằng vài cái nhấn trên bàn phím; lĩnh vực phim hoạt hình cũng vậy. Những bộ phim 3D vô cùng sinh động đã thay thế việc vẽ thủ công trước đây… Nhưng rõ ràng, trí tuệ nhân tạo vẫn chỉ là “cái máy”, thể hiện theo cách suy nghĩ, theo lệnh của con người mà không tự suy nghĩ, sáng tạo được. Tôi nghĩ, công nghệ càng phát triển, sự tiện lợi càng nhiều - tất nhiên cái gì cũng có mặt trái, nhưng yếu tố con người - tác giả vẫn không thể thiếu được!
Tôi nghĩ, chẳng cần phải có AI đâu, nhiều họa sĩ (từ thời xa xưa) đã có “AI” thực hiện những công việc phụ giúp họa sĩ rồi. Đó là những học trò, hoặc như ở Việt Nam, những người thợ đã giúp khá nhiều hoạ sĩ trong thực hiện những bức tranh sơn mài. Họ giỏi về kỹ thuật, nhưng làm theo ý đồ, chỉ đạo của họa sĩ. Tôi nghĩ bây giờ AI cũng vậy thôi. Như nói ở trên, AI cũng sẽ thực hiện theo ý đồ của hoạ sĩ nếu như ai muốn áp dụng công nghệ.
Vì thế, chẳng có gì phải lo! AI ra đời chắc chắn có nhiều mặt tích cực và cả tiêu cực. Nhưng nghệ thuật luôn phong phú. Nhiều người từng nói và tôi thấy đúng, trí tuệ nhân tạo không thay thế được tình cảm con người. Sẽ có rất nhiều người áp dụng AI để đi tắt nhiều công đoạn, nhưng không thể thay thế con người trong sáng tạo và tình cảm. Thực tế, khi nhìn một nhát bút của một họa sĩ tài năng (từ độ chuẩn xác về bố cục, độ đậm nhạt, mạnh mẽ hoặc run rẩy, nguệch ngoạc…), người ta có thể “nổi gai ốc” - đó chính là tình cảm của họa sĩ được thể hiện rất tinh tế trong đó, mà máy móc không thể làm được!
Họa sĩ Phạm Hà Hải: Vai trò của họa sĩ là sáng tạo
Trước tiên phải khẳng định hiện tại các phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) đang được xem là công cụ giúp tác giả thể hiện ý tưởng của mình. Như vậy, chủ thể sáng tạo vẫn là CON NGƯỜI. Bên cạnh đó, tác phẩm sử dụng AI là tác phẩm nghệ thuật số mà vai trò trí tuệ nhân tạo là các thuật toán thay con người truy tìm, đề xuất và pha trộn. Kết quả này tự khẳng định chính nó dựa trên nguồn tư liệu đã có do con người tạo ra trước đó. Điều này chỉ ra rằng, phần được coi là sáng tạo (nếu có) là chúng ta đánh giá (hoặc công nhận) ý tưởng trong đầu của tác giả - con người. Phần thể hiện - máy chỉ được đánh giá về sự phát triển ra sao ở trình độ công nghệ và nền tảng số.
Nếu đã đồng tình với nhận định ở trên thì không nên băn khoăn để mang con người sinh học ra so sánh với máy, bởi vốn dĩ chính loài người đang nỗ lực tạo ra những máy móc vượt xa sự giới hạn sinh học của con người.
Chúng ta cần có nhận thức mới ở việc sử dụng AI ra sao, phạm vi đến đâu là điều quan trọng, ngay cả sự phản tỉnh về tiến trình con người bị máy hóa ở thời đại này.
Đến thời điểm này, chúng ta - con người sinh học, vẫn là chủ của thế giới công nghệ có nghĩa rằng ứng dụng AI vẫn là ứng dụng những sáng tạo đã có của con người.
Như tôi đã nói ở trên, AI sẽ giúp con người trong thao tác tìm kiếm, phối ghép, đề xuất… mà tự nó không đặt ra mục đích của công việc sáng tạo bởi việc đặt ra mục đích hay hưởng thụ kết quả sáng tạo là thuộc về con người. Sự bất khả là tính cá nhân của một con người viết hoa.
Theo tôi, sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo chỉ càng cho chúng ta cần hiểu rõ hơn nữa vai trò của con người là sáng tạo. Nếu cá nhân nào không đặt mình trong vận động sáng tạo và sáng tạo liên tục thì hiển nhiên nguy cơ bị ở lại phía sau.