'Giải vây' cho doanh nghiệp

H.Hương 27/04/2023 06:09

Theo cộng đồng doanh nghiệp (DN), việc Ngân hàng Nhà nước cho ngân hàng thương mại chủ động cơ cấu lại thời gian trả nợ được kỳ vọng sẽ tháo gỡ phần nào khó khăn cho DN.

Nhiều giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp. Ảnh: Quang Vinh.

Khó chồng khó

Ông Phạm Hồng Việt - Chủ tịch HĐQT Công ty Harco tâm tư, chưa bao giờ DN khó khăn như hiện nay. Theo ông Việt, thị trường xuất khẩu có dấu hiệu đi xuống từ tháng 7/2022 và đến quý I/2023, tình hình cắt giảm đơn hàng gia tăng. Mức độ cắt giảm đơn hàng phổ biến từ 50-70%, cá biệt có DN trong nước gần như không có đơn hàng xuất khẩu. Thị trường trong nước cũng gặp khó khăn từ quý IV/2022. Đến quý I/2023 và sau Tết Nguyên đán thì nhu cầu trong nước bắt đầu suy giảm, dẫn đến tiêu thụ nội địa giảm mạnh.

Để chống đỡ với khó khăn này, theo ông Việt, từ cuối năm ngoái, nhiều DN đã bắt đầu cắt giảm thời gian làm việc, tuần chỉ còn làm việc 4-5 ngày và giảm quy mô sản xuất, thậm chí cắt giảm tiền lương, thưởng Tết, cho công nhân nghỉ việc cả tháng.

Bởi vậy, những hỗ trợ của Chính phủ trong thời gian này là rất quan trọng, sẽ tạo động lực lớn cho DN phục hồi. DN đề nghị các bộ, ngành cần thông tin tình hình thị trường kịp thời; tổ chức xúc tiến thương mại cũng như hỗ trợ lãi suất vay, giãn nợ để DN vượt qua khó khăn.

TS Mạc Quốc Anh - Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme) cho hay, nhiều DN phản ánh lại với hiệp hội về tình hình khó khăn của họ, nhất là tình hình tiêu thụ hàng hóa trong nước và xuất khẩu đều giảm sút. Bên cạnh đó, DN tiếp cận vốn tín dụng vẫn khó, lãi suất ngân hàng vay để phục vụ sản xuất còn cao và thủ tục vay phức tạp. Theo ông Mạc Quốc Anh, các DN cần được hỗ trợ về vốn và mở rộng thị trường từ các DN cũng như các cơ quan, sở ngành.

Vì vậy khi Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ( Thông tư 02) do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành có hiệu lực từ 24/4 vừa qua quy định các NH thương mại cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ kể từ ngày 24/ 4 đến hết 30/ 6/2024 được kỳ vọng là sẽ gỡ phần nào khó khăn cho DN. Cụ thể, theo nội dung được quy định, các khoản nợ được cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là các khoản dư nợ gốc phát sinh trước ngày 24/ 4, phát sinh trả nợ gốc và lãi từ ngày 24/4 đến ngày 3/6/2024. NHNN trao quyền chủ động cho các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong việc xem xét, đánh giá khó khăn của khách hàng để quyết định việc cơ cấu lại khoản nợ vay của khách hàng. Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ do TCTD quyết định nhưng không vượt quá 12 tháng kể từ ngày đến hạn của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Thông dòng tiền

Theo đánh giá chung thông tư này sẽ có tác động tích cực về dòng tiền thông qua cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ tương tự như đã triển khai trong giai đoạn Covid-19.

Thông qua chính sách này, các DN khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, chưa có khả năng trả nợ đúng thời hạn đã thỏa thuận, có thể được kéo dài thời gian trả nợ mà không phải chuyển nhóm nợ xấu. Mặc dù vậy, NHNN cũng cảnh báo, việc cơ cấu nợ, không chuyển nhóm nợ xấu tuy giúp khách hàng có điều kiện tiếp cận tín dụng, song cũng sẽ mở rộng quy mô dư nợ cấp tín dụng và làm gia tăng mức độ rủi ro tín dụng và tăng nguy cơ phát sinh nợ xấu.

Các chuyên gia phân tích, khi thông tư trên được ban hành, ngân hàng sẽ có thêm cơ chế hỗ trợ cho DN, giúp DN có thêm thời gian duy trì và xoay xở dòng tiền trả nợ trái phiếu. Mặc dù vậy, các ngân hàng sẽ chọn lọc kỹ đối tượng DN có khả năng phục hồi để cơ cấu nợ bởi các ngân hàng phải cơ cấu nợ bằng chính nguồn lực của mình.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhận định: Bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam sau quý I/2023 vừa qua còn nhiều khó khăn thách thức và ngày càng bộc lộ rõ nét hơn. Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt và việc NHNN khẩn trương ban hành liên tiếp 2 thông tư nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho người dân và DN là động thái cần thiết và kịp thời. Mục tiêu là nhằm giảm bớt khó khăn về tài chính, đặc biệt là các khoản nợ đến hạn của DN, giúp người dân và DN dùng tiền đó vào sản xuất kinh doanh, tiêu dùng. Đồng thời, việc giãn nợ sẽ giúp bảo đảm khả năng tiếp cận vốn của người dân và DN, cho phép họ không phải chuyển nhóm nợ, từ đó thúc đẩy sản xuất đầu tư, kinh doanh và tiêu dùng.

Khi DN, hộ kinh doanh được tháo gỡ khó khăn sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2023, hướng tới việc đạt các mục tiêu quan trọng đặt ra từ đầu năm.

Ông Lực cho rằng, ở Thông tư 02 NHNN yêu cầu tổ chức tín dụng (TCTD) trích lập dự phòng rủi ro có lộ trình. Các TCTD phải trích lập dự phòng tối thiểu 50% trong năm 2023 và 100% trong năm 2024. Ngoài ra, trong quy định của Thông tư 02 cũng đã quy định rõ trách nhiệm của các TCTD trong việc xây dựng và ban hành quy định nội bộ để hướng dẫn thống nhất triển khai trong toàn hệ thống, cũng như tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã họp với NHNN và các Ngân hàng thương mại Nhà nước, chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất, giảm lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

4 ngân hàng TMCP Nhà nước đã đồng thuận cao về chủ trương của NHNN trong việc giảm mặt bằng lãi suất trong thời gian tới. Định hướng NHNN sẽ tiếp tục hỗ trợ thanh khoản hệ thống để góp phần giúp các Ngân hàng hạ mặt bằng lãi suất.

H.Hương