'Tâm tư' của những tuyến phố ẩm thực đêm

ĐOÀN XÁ 27/04/2023 06:08

TP HCM hiện có nhiều tuyến phố ẩm thực kết hợp đi bộ ban đêm như Nguyễn Huệ, Bùi Viện (quận 1), Vĩnh Khánh (quận 4), Hồ Thị Kỷ (quận 10) hay Nguyễn Thượng Hiền (quận 3)… Tuy nhiên, chỉ một số tuyến phố tạo được không gian vui chơi, ăn uống giải trí về đêm...

Phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền vắng khách.

Có thể nói, với thành công của phố đi bộ Nguyễn Huệ và Bùi Viện (quận 1, TP HCM) khi phát huy được lợi thế từ những nét đặc trưng riêng, chính quyền TPHCM đã quyết định mở thêm một số không gian tương tự, với mục đích ngày càng hấp dẫn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Mặc dù vậy, các không gian công cộng sau này đều chưa khẳng định được lợi thế, không tạo được nét riêng.

Được đưa vào hoạt động gần nửa năm nay, tuyến phố đêm ẩm thực kết hợp không gian đi bộ nằm trên đường Nguyễn Thượng Hiền ở quận 3 rất “ế” khách. Thậm chí nghịch lý đã xảy ra. Đó là trước khi được quy hoạch làm phố ẩm thực, việc kinh doanh buôn bán của các hộ dân ở đây rất phát triển. Chỉ kéo dài gần nửa cây số nhưng đoạn đường Nguyễn Thượng Hiền kể trên có nhiều quán ăn vặt thu hút giới trẻ đến thưởng thức. Nhiều người trẻ tìm đến khu phố này để thưởng thức cơm gà, nem nướng, cơm tấm... Nhiều tờ báo nước ngoài đã rất ấn tượng về khu phố này, viết những bài giới thiệu bằng tiếng Anh để tư vấn cho người nước ngoài đến đây khi ghé thăm TP HCM.

Tuy nhiên, khi được quy hoạch làm khu phố ẩm thực kết hợp đi bộ ban đêm, đoạn đường này bị giới hạn phương tiện về đêm khiến lượng khách sụt giảm nghiêm trọng. Theo chia sẻ của nhiều hộ dân ở đây, khi quy hoạch làm phố ẩm thực, buổi tối xe máy, ô tô bị hạn chế đi vào nhưng khách mua lại không tìm được nơi gửi xe nên nhiều người đến rồi đi, do đó lượng khách sụt giảm mạnh so với trước khi được quy hoạch.

Tương tự, sau gần 2 năm hoạt động, khu phố ẩm thực trên đường Hậu Giang (quận 6) cũng không thu hút được lượng khách du lịch như kỳ vọng dù khu vực này có nhiều tiềm năng. Theo đó, với hơn 350 gian hàng được quy hoạch, khu vực này được kỳ vọng sẽ trở thành phố ẩm thực ban đêm hấp dẫn du khách bởi vỉa hè rộng rãi và có nhiều địa điểm du lịch như chợ Bình Tây (Chợ Lớn) hay chùa Bà Thiên Hậu, thương hiệu món ăn người Hoa… Thế nhưng, sau khi đi vào hoạt động, khu phố đã không thu hút được khách đến tham quan và thưởng thức ẩm thực phố đêm.

So với quy mô ban đầu, phố ẩm thực ở đây giảm đáng kể và việc kinh doanh cũng không thuận lợi, hầu hết chỉ bán cho người dân trong vùng. Trong khi đó, các tuyến phố ẩm thực khác ở đường Hồ Thị Kỷ hay Vĩnh Khánh dù thu hút đông đúc khách ghé tới nhưng đơn thuần chỉ là nơi ăn uống, không có hoạt động văn hoá hay đặc trưng ẩm thực gì để tạo ấn tượng với du khách.

Trước đó, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TP HCM cho biết, thành phố có chủ trương quy hoạch và phát triển hơn 20 tuyến phố đi bộ kết hợp với ẩm thực nhằm phát triển kinh tế đêm. Theo bà Hoa, việc phát triển phố đi bộ kết hợp ẩm thực được dự báo sẽ mang lại lợi nhuận cao, tạo đòn bẩy cho phát triển du lịch của thành phố. Tương tự, nhiều chuyên gia kinh tế cũng đánh giá tiềm năng phát triển kinh tế đêm với trọng tâm là ẩm thực ở TP HCM là rất lớn. Tuy nhiên, những gì diễn ra cho thấy tính thiếu hiệu quả của các tuyến phố đi bộ của TP HCM.

Các chuyên gia cũng cho rằng, ngoài vấn đề quy hoạch, TP HCM cần tìm được bản sắc cho những tuyến phố ẩm thực kết hợp với đi bộ để tạo ra một không gian văn hoá riêng, đặc sắc và độc đáo. Đơn cử, phố đi bộ Nguyễn Huệ hay “phố tây” Bùi Viện đã tạo dựng được đặc trưng, thương hiệu riêng, do đó đã ghi lại nhiều dấu ấn khiến các du khách đến một lần là không thể quên.

ĐOÀN XÁ