Chuyện về hai dạng nón lá Việt
Dạng nón hình chóp làm bằng tre, lá, rơm, cói… có ở nhiều tộc người trồng lúa châu Á. Vì thế người phương Tây thường gọi chung dạng nón đó là “nón hình chóp châu Á” hay “nón của cánh đồng lúa”.
Dù vậy, chiếc nón hình chóp của người Việt có vẻ là chiếc nón hình chóp nổi tiếng nhất thời hiện đại khi nó sóng đôi với chiếc áo dài của người phụ nữ Việt, từ đó, cả hai đã trở thành một biểu tượng cho vẻ đẹp của phụ nữ và văn hóa Việt Nam.
Về những chiếc nón lá Việt thì có khá nhiều chuyện để nói. Nhưng là một nhà dân tộc học đã dành nhiều năm nghiên cứu về nguồn gốc người Việt, nguồn gốc trống đồng Đông Sơn và nguồn gốc văn hóa Việt Nam, tôi sẽ trò chuyện với các bạn về lịch sử, về cội nguồn của hai dạng nón Việt: dạng nón hình chóp thường gọi là nón lá và dạng nón hình thúng thường gọi là nón ba tầm.
Thường khi nghiên cứu lịch sử của bất cứ đối tượng nào, chúng ta đều phải dựa vào các tư liệu sử. Tư liệu về thời tiền sử, tức thời chưa có văn bản chữ viết chủ yếu là tư liệu khảo cổ học và dân tộc học. Tư liệu về thời lịch sử, tức thời đã có chữ viết, chủ yếu dựa vào văn bản sách vở.
Vậy, nón lá Việt đã ra đời từ bao giờ?
Từ điển bách khoa Việt Nam (do Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam biên soạn), trong mục từ “nón” viết: “Truyền thuyết Thánh Gióng đội nón sắt đánh giặc cho phép ta tin rằng nón có từ lâu đời trên đất Việt cổ và từ xa xưa, có thể bằng tàu lá, bằng lông chim kết lại”.
Nón đã có trên đất Việt cổ lâu đời, tất nhiên rồi. Nhưng từ khi nào?
Nếu chúng ta tin Thánh Gióng đội nón sắt đánh giặc Ân, mà giặc Ân tức quân tướng của nhà Ân hay Thương, triều đại đã tồn tại trong lịch sử ở Trung Quốc từ năm 1065 đến 1600 TCN, thì nón Việt đã có trên đất Việt cách đây hơn 3.000 năm. Nhưng theo tôi, nón sắt của Thánh Gióng là một dạng mũ sắt dành cho các tướng lĩnh, khó có thể là chiếc nón hình chóp, tổ tiên của nón lá Việt sau này.
Cũng dựa vào truyền thuyết trong “Lĩnh Nam chích quái”, một tác phẩm tập hợp các truyền thuyết dân gian Việt thời Lý, Trần, Lê, tôi ngờ rằng chiếc nón lá Việt ngày nay gần gũi hơn với chiếc nón của Chử Đồng Tử. Trong truyền thuyết, Chử Đồng Tử được một nhà sư tặng cho một cây gậy và một chiếc nón lá, hai vật có phép thần thông. Khi hai vợ chồng Chử Đồng Tử cắm gậy úp nón lên trên, nửa đêm, chỗ đó bỗng mọc lên một tòa thành cùng với đầy đủ cung vàng điện ngọc, văn võ bá quan lẫn tiên đồng ngọc nữ…
Theo truyền thuyết, vợ Chử Đồng Tử là con gái vị Vua Hùng thứ 18, cách đây khoảng 2.200 năm. Vậy chiếc nón phải ra đời trước trước đó nữa.
Theo tôi, dạng nón hình chóp của người Bách Việt, những cư dân sống ở những nơi trời lắm nắng nhiều mưa, đất nhiều tre nứa lá đã xuất hiện ngay từ thời văn hóa Đá Mới, thời nghề trồng lúa ra đời và lan tỏa, cách ngày nay ít nhất hơn 6.000 năm.
Từ góc độ ngôn ngữ học, từ chỉ nón trong tiếng Việt rất gần gũi với “non” - một từ chỉ đồi núi trong tiếng Nam Á cổ. Rất có thể, khi tạo ra chiếc nón hình chóp đầu tiên dùng để che mưa nắng, người xưa đã mô phỏng hình chóp của núi, nơi có hang núi là dạng nhà đầu tiên của con người dùng để tránh mưa nắng. Từ đó, họ đã dùng từ chỉ núi để gọi dạng nón cũng dùng để che mưa che nắng cho họ khi ra ngoài trời.
Cũng bàn về lịch sử nón lá, có người cho rằng hình nón lá “đã được chạm khắc trên trống đồng Ngọc Lũ và thạp đồng Đào Thịnh vào khoảng 2500 - 3000 năm TCN”.
Trống đồng Ngọc Lũ và thạp Đào Thịnh, hai hiện vật tiêu biểu cho văn hóa Đông Sơn là đối tượng nghiên cứu “tủ” của tôi.
Đúng là trên trống Ngọc Lũ có một số hình người ở sau gáy có hình nón. Nhưng xin thưa, đó không phải là hình chiếc nón mà là hình cách điệu hóa búi tóc sau gáy.
Rõ ràng, những hình người trên trống Ngọc Lũ là những người - chim đang tiến hành điệu múa thiêng mô phỏng Bà Tổ Chim. Là người - chim, họ chỉ có thể đội mũ hình đầu chim hoặc mũ cắm lông chim chứ không thể đội hay đeo nón sau gáy một cách vô nghĩa và vô lý. Tư liệu dân tộc học về những điệu múa thiêng trong hội lễ Dayak (Indonesia) hay Ba na, Katu (Việt Nam), những điệu múa mang thần thái Đông Sơn nhiều nhất chứng tỏ điều đó.
Còn thạp Đào Thịnh, tôi đã xem xét rất kỹ mà không hề tìm ra một hình nón nào trên các hình người ở đây. Chỉ có nắp thạp đúng là hình nón!
Dù vậy, chúng ta vẫn có một bằng chứng khảo cổ học về sự tồn tại của dạng nón hình chóp vào thời Đông Sơn. Đó là chiếc vòng tay đồng có đường kính 8,4 cm với hình 2 chiếc nón liền kề nhau, trông như đôi cánh bướm đang xòe ra. Chủ nhân vòng chắc chắn là một cô gái và hình cặp nón cũng gợi đến cặp vú nhu nhú chũm cau của người con gái tuổi trăng tròn.
Văn hóa Bản Chiềng ở giai đoạn cuối (300 TCN - 200 SCN) cùng thời với văn hóa Đông Sơn giai đoạn cuối. Một số đồ đồng Bản Chiềng giai đoạn này mang ảnh hưởng từ văn hóa Đông Sơn. Bản Chiềng nằm ở vùng Đông Bắc Thái Lan, cách không xa Thanh Hóa và Nghệ An, nơi nền văn hóa Đông Sơn phát triển đa dạng nhất.
Dạng nón trên chiếc vòng Bản Chiềng là một trong các dạng nón được ghi nhận trong cuốn sách “Kỹ thuật của người An Nam”, một công trình nghiên cứu về văn minh vật chất của vùng Hà Nội vào đầu thế kỷ XX của tác giả người Pháp Henri Oger. Dạng nón đó ngày nay vẫn còn thấy ở một số tộc người ở Việt Nam và Đông Nam Á.
Giờ tôi sẽ nói về chiếc nón ba tầm - một dạng nón khác của người Việt. Có thể, dạng nón này đã ra đời vào thời Đông Sơn (nhưng không để lại dấu tích) hoặc vào thời Lý - Trần, thời phục hưng nhiều yếu tố Đông Sơn. Đó là thời của những chiếc thạp gốm hoa nâu có dáng và chức năng giống thạp Đào Thịnh của nghệ thuật múa rối nước với cảnh rùa vàng trên sóng, chim quý, thú lành từng đàn ca múa… gợi tới hoa văn mặt trống đồng Ngọc Lũ.
Dạng nón đó thể hiện một quan niệm Đông Sơn. Nón có hình tròn - mô phỏng hình mặt trời - hình trời. Trên trống đồng Ngọc Lũ, hình mặt trời cùng hình đàn cò trắng bay quanh thể hiện tín ngưỡng thờ Bà Tổ Chim - Mặt Trời hay Bà Tổ Cò Trắng của người Lạc Việt, sau hóa thành Bà Tổ Chim - Tiên Âu Cơ của người Việt. Lòng nón có hoa văn mặt trời gợi nhớ tới hình mặt trời trên trống đồng Đông Sơn. Chùm chỉ thao ở hai đầu vành nón gồm 12 sợi, con số 12 tương ứng 12 tháng - một chu kỳ chuyển động của mặt trời. Phần lớn hình mặt trời trên trống Đông Sơn có 12 tia. Nón ba tầm xưa thường đi đôi với khăn mỏ quạ, bộ áo tứ thân mớ ba mớ bảy của người phụ nữ vùng quan họ Bắc Ninh. Đó là bộ trang phục có gốc từ chiếc mũ đầu cò và chiếc áo cánh cò trong điệu múa Cò Trắng hướng tới Bà Tổ Âu Cơ trong các hội lễ, gồm cả lễ Giỗ Tổ Vua Hùng.
Một bằng chứng nữa cho mối liên hệ giữa nón ba tầm với tín ngưỡng thờ Bà Tổ Cò Trắng Âu Cơ là những tương đồng giữa nón ba tầm Việt và nón Sandogasa, nón tam độ của người Nhật.
Đầu tiên, tên gọi nón ba tầm của người Việt rất gần gũi với tên gọi nón tam độ của người Nhật. Cả hai đều được làm bằng tre hay lá (có thời nón ba tầm Việt cũng đan bằng tre như câu hát trong “Lý cây đa”: “Chẻ tre đan nón ba tầm/ Ai xui cô mình đội xem hội đêm Rằm”). Cả hai đều có vành rộng để có thể che kín cả hai vai cho người: Nón Việt có đường kính vành từ 60 - 120 cm; nón Nhật có đường kính vành khoảng 40 - 50 cm. Còn nữa, cả hai trong lòng đều có vành ôm khít đầu. Đặc biệt, cả hai đều có hình mặt trời ở trung tâm, cho dù nón Việt ở bên trong, nón Nhật ở bên ngoài.
Một dạng nón Nhật có lòng sâu trông giống cái thúng lại gợi đến dạng nón được gọi là nón thúng của người Việt.
Trong lịch sử, nón ba tầm Việt, một thời phổ biến cho phụ nữ Việt, sau này với chiếc quai thao đã trở thành chiếc nón chỉ dùng trong lễ hội, trở thành một biểu tượng cho vẻ đẹp quý phái, nền nã của người phụ nữ Kinh Bắc.
Còn nón ba độ Nhật có thời cũng được dùng phổ biến cho kẻ lữ hành, sau có thời thành dạng nón đặc trưng cho giới võ sĩ đạo (Samurai). Dạng nón đó có thể che một phần mặt người đội, làm tăng thêm tính bí hiểm của họ.
Chúng ta biết tên gọi người và nước Nhật Bản có nghĩa là “Gốc Mặt trời”; hoàng tộc Nhật được coi là con cháu của Nữ thần Mặt trời. Vua Nhật gọi là Thiên Hoàng, tức Vua Trời. Người Nhật có điệu múa Cò Trắng, trong đó trai gái mặc trang phục hóa thành Cò Trắng, múa mô phỏng các động tác của Cò Trắng.
Như vậy, cả hai dạng nón trên của người Việt và người Nhật đều có chung một cội nguồn: Tín ngưỡng thờ Nữ thần Mặt trời của người Bách Việt thời xa xưa.
Điều lý thú là, nếu chiếc nón lá Việt có hình núi, tên gọi gốc từ chỉ núi thì chiếc nón ba tầm Việt lại có hình của trời (theo quan niệm trời tròn đất vuông) với trang trí hình mặt trời. Với người Việt xưa, núi và trời là hai biểu tượng thiêng gắn với Bà Tổ Âu Cơ. Phải chăng vì thế, cả hai dạng nón này sau cũng gắn bó với người phụ nữ Việt, trở thành hai biểu tượng cho sức sống và vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam.