Đi thuyền thăm động Phong Nha
Dù biết đến danh tiếng động Phong Nha (Quảng Bình) là một trong những hang động đẹp nhất thế giới với dòng sông ngầm dài nhất, hồ nước ngầm đẹp nhất, nhưng hôm nay tôi mới được đặt chân tới nơi này…
Cô Hà, người dẫn đường giục chúng tôi mau chóng xuống thuyền. Thấy “lạ” nên tôi vội hỏi lại: “Mình đi thăm động Phong Nha kia mà?”. Cô Hà cười vui cho biết: “Vâng chú. Thăm động Phong Nha phải đi thuyền chú ạ”. Thì ra, khác với những hang động mà tôi đã từng được đến, như động Thiên Đường là phải men theo sườn núi rồi còn lên mấy trăm bậc thang mới lần mò được vào trong động, thì muốn vào thăm động Phong Nha phải đi bằng thuyền bởi lẽ động Phong Nha vốn là một dòng sông ngầm.
Bấy giờ tôi mới nhớ ra, khi ngồi trò chuyện cùng với các anh chị trong Hội Văn nghệ Quảng Bình, lúc đó nữ nhà văn Trác Diễm đã kể. Tôi nhớ nữ nhà văn xinh đẹp Trác Diễm thời còn “loay hoay” chuyện viết lách, đã từng là hướng dẫn viên Khu du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng, nên chuyện về hang động nổi tiếng này cứ gọi là vanh vách. Trác Diễm kể: Cô tốt nghiệp khoa Việt Nam học - Trường Đại học Quảng Bình. Thế thì đúng rồi. Học khoa ấy nên tình yêu quê hương dạt dào là phải rồi. Lại một nụ cười con gái khiến cánh mày râu phải “hồn xiêu”.
Tôi hỏi nhà văn: “Nẻo vào văn học của Trác Diễm như thế nào nhỉ?”.
Trác Diễm đưa tay sửa kính, rồi cô kể: Ra trường Trác Diễm hăng hái trở lại huyện nhà. Cô đầu quân vào làm thuyết minh viên cho Trung tâm du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng, rồi cô kiêm luôn hướng dẫn viên du lịch. Cô quan niệm: “Nói về danh thắng của quê hương phải có một cách nói mới”. Và cái cách mới của Trác Diễm là để rồi một ngày đẹp trời của năm 2010, Trác Diễm ngồi ngay trên thuyền, kê tập vở lên đùi để viết tiểu thuyết. Câu chuyện kể về cô gái tên là Thôi Văn. “Ồ sao lại là Thôi Văn nhỉ? Cái tên nghe là lạ?” - tôi thật thà hỏi.
Trác Diễm cười, thì ra đó là cái tên “cúng cơm” của cô. Thuở cô mới lọt lòng, cha cô, một nhà báo kiêm nhà thơ ở chiến trường đã đặt là “Thôi Văn” với hàm ý không muốn con gái đi theo nghiệp chữ nghĩa. “Thôi Văn” cũng là nhân vật chính trong tiểu thuyết đầu tay của cô.
Tôi nghe xong câu chuyện viết lách của Trác Diễm, sau đó hỏi thêm về sự tích động Phong Nha, về địa danh cô đã viết trong tiểu thuyết đầu tay có tên là “Hồn lau trắng” của mình, cô kể rằng: “Ngày xưa, có vị tiên sư đại pháp người Trời thường xuống du ngoạn cảnh hạ giới, thấy yêu mến nơi này bèn ở lại rồi dạy dân cách làm ăn. Một năm kia xảy ra đại hạn, muôn vật khô héo; để cứu dân, vị tiên sư đại pháp lén về Trời khơi trộm nguồn nước từ Thiên cung chảy xuống nhưng vì là khơi trộm nên vị tiên sư đại pháp phải cho dòng chảy chảy từ trong núi ra. Dòng nước chảy ra đã tưới mát cỏ cây, cứu sống muôn loài. Nhưng sau đó vị tiên sư đại pháp bị triệu về Trời và phải chịu hình phạt của Thiên đình. Dân làng cảm kích tấm lòng của vị tiên sư đại pháp nên đặt tên cho sông này là sông Son”.
Sông Son là một dòng sông ngầm và hợp lưu vào sông Gianh. Và ngọn núi mà vị tiên sư đại pháp cho dòng nước chảy ngầm qua chính là núi thuộc vùng núi đá vôi Kẻ Bàng. Còn tên Phong Nha thì: Ở phần ghi chép danh sách các phủ, huyện, tổng, xã, thôn, trang, trại, sách của hai xứ Thuận - Quảng, nhà bác học Lê Quý Đôn cho biết: Phong Nha lúc ấy là tên của một đơn vị hành chánh ở miền núi, tương đương với cấp làng, xã ở miền đồng bằng.
Tôi hỏi chen ngang: “Vậy tên Phong Nha có nghĩa là gì và sao lại gọi là động Phong Nha?”. Nhà văn Trác Diễm cho biết: “Sau này khi phát hiện ra khu hang động này người ta đã dùng địa danh này để gọi luôn tên của khu hang động tại địa phương?”.
Nữ văn sĩ còn cung cấp thêm: “Phong có nghĩa là gió. Còn Nha có nghĩa là răng. Động vốn là một hang ngầm có sông ngầm chảy nên ở cửa động luôn phát ra âm thanh của gió. Bên trong hang động những thạch nhũ rủ xuống thoạt nhìn cứ ngỡ là những chiếc răng nên người dân gọi là Gió Răng, nghĩa là Phong Nha đó mấy anh”.
Con thuyền máy chở chúng tôi sau khi chui qua cửa động Phong Nha thì người điều khiển tắt máy. Không gian đang sục sôi với tiếng máy nổ, với tiếng nước vỗ ì oạp hai bên mạn thuyền, thì đột ngột im ắng. Tôi vội đưa tay dụi mắt, vài giây sau đã quen với anh sáng trong động Phong Nha, tôi mới bắt đầu nhận thấy những khối, những sợi thạch nhũ cứ như từ trên trời đang rỏ xuống. Người điều khiển máy thuyền giờ chuyển sang tay chèo. Anh lái chèo rất thong thả, nhẹ nhàng khua mái chèo nhè nhẹ để con thuyền chậm rãi ngược sông Son đi sâu vào trong động Phong Nha.
Tôi cúi xuống nhìn mặt nước, đang là mùa khô nên nước sông Son trong văn vắt, ngỡ như nhìn được tận đáy sông vậy. Câu chuyện mà nhà văn Trác Diễm đã kể trong tiểu thuyết của mình được gợi nhớ lại. Theo đó, những ai chưa một lần đặt chân đến động Phong Nha, động Tiên Sơn, được ngược dòng sông Son thì khi được đọc tiểu thuyết “Hồn lau trắng” sẽ được chiêm ngưỡng “Những khối thạch nhũ óng ánh buông rũ xuống như những bức rèm dệt thêu kim tuyến.
Xung quanh còn hội tụ rất nhiều khối nhũ có hình dáng giống tượng Phật Bà Quan Âm, cảnh quần tiên hội tụ, rồng phượng giao duyên”. Và sẽ được chiêm ngưỡng khung cảnh “ngã ba sông hiện ra trước mắt mềm mại như những tấm lụa đào. Hai bên bờ sông là những thửa ruộng xanh, vàng từng đám loang lổ như những vệt nắng”.
Giờ thì chúng tôi đã thực sự đặt chân tới động Phong Nha. Câu chuyện mà nữ văn sĩ Trác Diễm kể “cuốn” chúng tôi vào một không gian huyền thoại. Mạnh dạn thò tay xuống mặt nước cho ngập bàn tay. Tôi có cảm giác dường như có gì đang níu bàn tay mình? Dường như có bàn tay ai đang nắm níu lấy bàn tay mình. Một chút hoảng hốt nhưng rồi cảm giác đó chợt tan biến. Trong tôi đang dấy lên sự thích thú.
Con thuyền vẫn lặng lẽ đi vào sâu bên trong. Không một ai trên thuyền cất lên tiếng, dường như mọi người cũng như tôi lúc này? Lắng nghe và cảm nhận. Hình như đâu đó đang có những âm thanh xa xôi, mờ ảo vọng tới. Nhớ ra rằng nhà văn Trác Diễm đã bảo: “Vào Phong Nha sẽ nghe được tiếng nói của người xưa. Cô đã gọi đó là “tiếng vọng Ma Coong”.
Nữ nhà văn quê Quảng Bình với tình yêu tha thiết với thiên nhiên kỳ vĩ của quê hương mình đã lấy vùng đất di sản Phong Nha – Kẻ Bàng làm bối cảnh cho tiểu thuyết “Tiếng vọng Ma Coong”. Trong “Tiếng vọng Ma Coong” là thấy đầy ắp chuyện lạ của thiên nhiên và phong tục kỳ bí của tộc người sinh sống nơi đây.
Hình như con thuyền đang được người “chèo đò” bẻ hướng quay đầu. Vào tới đây thấy lòng động chợt im ắng hơn và không gian cũng tối hơn. Muốn vào sâu hơn nữa bởi động Phong Nha dài gần 8 cây số, nhưng "đoạn đường” cho du khách vào thăm động đến đây cũng kết thúc. Tôi hơi tiếc nuối nhưng rồi người chèo đò cho thuyền neo vào một bến cát.
Chúng tôi lên bến cát và đặt những bước chân đầu tiên trong động. Bấy giờ chúng tôi mới được đặt tay lên những thạch nhũ muôn hình kỳ vĩ, mới cảm nhận thực sự luồng sinh khí từ trong động. Cảm giác man mác và huyền diệu dần lan lên và tỏa khắp cơ thể. Ai đó vừa thốt lên: “Thật không có gì tuyệt vời hơn”.
Ánh sáng tự nhiên từ bên ngoài ùa vào khi chúng tôi ra tới cửa hang. Đó là một hình ảnh thật diệu kỳ, cứ như lần đầu tiên được bước tới ánh sáng vậy. Bên ngoài lùa vào chút gió, lại nghe đâu đây tiếng vọng người xưa đang xạc xào từ hàng ngàn bông hoa lau trắng.