Những câu chuyện xúc động từ một kỷ vật chiến tranh

HẠNH NGUYÊN 01/05/2023 10:00

Hơn nửa thế kỷ lưu lạc ở nước Mỹ, mùa Xuân 2023, kỷ vật của liệt sĩ Cao Xuân Tuất (xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) đã trở về với thân nhân liệt sĩ. Cuốn nhật ký dày 104 trang khắc họa “một thời hoa lửa”, đây cũng chính là “cầu nối” quan trọng để gia đình tìm hiểu về cuộc sống, quá trình chiến đấu cũng như phần mộ của liệt sĩ.

Ông Hà Huy Mỳ cảm kích trước việc cựu binh Mỹ lưu giữ cuốn nhật ký suốt 56 năm và trao trả nguyên vẹn cho gia đình.

Người chiến sĩ “một thời hoa lửa”

Chiến sĩ Cao Xuân Tuất sinh năm 1946 trong một gia đình nghèo có truyền thống cách mạng ở thôn Cao Thắng, xã Kỳ Xuân. Là con trai duy nhất trong gia đình có bốn chị em. Năm 1963, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Cao Xuân Tuất lên đường nhập ngũ khi chưa lập gia đình và chiến đấu ở mặt trận phía Nam. Đến năm 1972, gia đình ở quê nhà nhận được giấy báo chiến sĩ đã hy sinh, không để lại kỷ vật gì. Sau khi bố mẹ liệt sĩ mất, ông Hà Huy Mỳ (cháu ngoại của liệt sĩ) đã đứng ra thờ cúng liệt sĩ cho đến nay.

Cuốn sổ mang tên “Cao Xuan Tuat” do cựu binh Mỹ Peter Mathews (77 tuổi, ở New Jerey, Mỹ) lưu giữ từ năm 1967 là kỷ vật duy nhất của liệt sĩ. Tháng 3/2023, cuốn sổ được Peter Mathews đi hơn nửa vòng trái đất, đến tận nhà trao trả cho gia đình.

Lật dở từng trang viết tay cuốn sổ mang tên “Cao Xuan Tuat” chúng tôi được biết, liệt sĩ Cao Xuân Tuất bắt đầu ghi nhật ký vào ngày 20/7/1966. Đó là một người lính trẻ sôi nổi, yêu đời, yêu thơ ca, sống đầy lý tưởng, kiên định tinh thần chiến đấu vì Tổ quốc.

Xuất hiện rất nhiều trong cuốn nhật ký là những bài thơ nổi tiếng của các nhà thơ có tên tuổi như: Việt Bắc, Người con gái Việt Nam, Trên đường Thiên lý, Ta đi tới (của nhà thơ Tố Hữu), Quê hương (Giang Nam); Nhớ con sông quê hương (Tế Hanh)… Những bài hát đi cùng năm tháng có chủ đề về quê hương, đất nước với khí thế sục sôi cũng được liệt sĩ Cao Xuân Tuất chép tay đầy trang trọng. “Bạn ơi hãy đến quê hương chúng tôi/Ngắm mặt biển xanh xa tít chân trời/Nghe sóng vỗ dạt dào biển cả/Vút phi lao gió thổi trên bờ;...” - liệt sĩ Cao Xuân Tuất chép lại lời bài hát “Việt Nam quê hương tôi” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận vào nhật ký của mình.

Những dòng nhật ký để lại cũng cho thấy, người chiến sĩ trẻ đã dành nhiều dòng cảm xúc nhớ thương gửi người “em” đặc biệt: “Anh biết rồi sẽ phải xa em/Vì một lẽ giản đơn em nhỉ/ Tổ quốc cần anh người chiến sĩ/Giải phóng quân chiến đấu vì dân/Lúc này, Đảng, Tổ quốc đang cần/Thì em ạ! Tình riêng đành đôi ngả...” - một đoạn trong trang viết có tên “Xa em”.

Ngoài những trang viết về thơ, ca, về gia đình, nhiều hình vẽ đi kèm những khẩu hiệu, phương châm, lý tưởng sống, tình yêu quê hương đất nước cũng được liệt sĩ Cao Xuân Tuất phác họa rất mộc mạc, giản dị: “Đảng là mẹ hiền, Tổ quốc trên hết, Thanh niên anh dũng tiến lên” hay “Tổ quốc hòa bình, Gia đình hạnh phúc”...

Lời dạy của Bác Hồ với quân đội cũng được người lính viết lại: “Trung với Đảng, hiếu với Dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Chiến trường ác liệt, nhiều lúc cận kề ranh giới sinh - tử nhưng người chiến sĩ trẻ vẫn lạc quan, yêu đời và tự tin hướng tới tương lai hòa bình, thống nhất. Anh đã tạm gác tình yêu đôi lứa, nguyện “đi gìn giữ bầu trời tự do, giải phóng quê hương”.

Viết về mẹ, người lính trẻ luôn đong đầy cảm xúc: “Mẹ ơi lòng con như sóng dâng cao, như dòng phi lao góp gió, vì quê mình đấu tranh cho 2 miền thống nhất yên vui mẹ ơi... Mẹ ơi miền Nam sóng gió hôm nay, như ngày mai đây mây đan trời trong sáng, như hai miền với nhịp cầu Hiền Lương, mẹ con sẽ đoàn viên xóa hết buồn và thương” - những lời tâm sự viết cho mẹ vào ngày 24/11/1966, đó cũng là những dòng khép lại cuốn nhật ký. Những trang giấy trắng vẫn còn nhưng người chiến sĩ trẻ đã ra đi, hóa thân mình trong lòng đất Mẹ thiêng liêng.

Cuốn nhật ký đang là “cầu nối” quan trọng để gia đình tìm hiểu về cuộc sống, quá trình chiến đấu cũng như phần mộ liệt sĩ.

Manh mối để tìm phần mộ liệt sĩ

Ông Hà Huy Mỳ (cháu của liệt sĩ Cao Xuân Tuất) chia sẻ: Cuốn sổ là kỷ vật thiêng liêng còn lại của người cậu, vì lý do khách quan, gia đình không có di ảnh và cũng như chưa tìm được phần mộ của liệt sĩ. Gia đình sẽ lưu lại cuốn nhật ký thật cẩn thận để giáo dục con cháu mai sau. Qua đây, cũng thắp thêm niềm hy vọng, sau khi nhận được cuốn nhật ký và gặp gỡ ông Peter Mathews sẽ có thêm manh mối để gia đình sớm tìm được phần mộ liệt sĩ Cao Xuân Tuất.

“Lúc cậu Tuất đi bộ đội, tôi mới được 2 tuổi nên không có ký ức gì về cậu. Vì thế, khi mới nhận được thông tin về cuốn nhật ký, nhìn qua ảnh từ điện thoại, gia đình chúng tôi thấy rất bồn chồn, mong sớm đón nhận cuốn nhật ký và khi nhận được cuốn sổ, tận tay lật dở từng trang, chúng tôi đã vỡ òa cảm xúc. Đó chính là di vật của cậu tôi” - ông Mỳ xúc động nói.

Từ khi nhận kỷ vật đến nay, gia đình ông Mỳ đã đặt cuốn nhật ký một cách trang trọng trước ban thờ liệt sĩ. Các thế hệ con cháu trong gia đình, dòng họ ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng Kỳ Xuân được tận mắt chứng kiến những trang lưu bút đẹp đẽ, ý nghĩa nên thường xuyên nhắc đến, hỏi han về liệt sĩ Cao Xuân Tuất. Lời nhắn nhủ của liệt sĩ về tình yêu quê hương, đất nước, ý chí kiên cường, quật khởi… đã thấm nhuần trong thế hệ trẻ hôm nay.

Không những vậy, từ những thông tin liệt sĩ Cao Xuân Tuất viết trong nhật ký, với sự kết nối, hỗ trợ của cơ quan chức năng, đơn vị cũ của liệt sĩ, ông Hà Huy Mỳ cùng gia đình đã đến tận nơi chiến sĩ Cao Xuân Tuất từng chiến đấu, công tác ở thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định để tìm hiểu về “một thời hoa lửa” của người chiến sĩ tài hoa.

Những dòng nhật ký của liệt sĩ Cao Xuân Tuất.

“Tôi đưa nhật ký của cậu cho đồng đội, gia đình nơi cậu từng trú ẩn để chiến đấu, họ đều xác nhận đó là bút tích của cậu Tuất. Nhờ cuốn nhật ký mà chúng tôi biết được phần nào về khoảng thời gian trên chiến trường của cậu. Bước đầu, phần mộ của cậu đã xác định được khoảng 70%. Chúng tôi sẽ chờ thêm các kênh thông tin chính thống khác để xác định phần mộ” - ông Mỳ nói. Theo ông Mỳ, trong cuốn nhật ký còn bật mí về “chuyện tình” của chiến sĩ Cao Xuân Tuất. Ngoài những lời ngỏ ý bằng thơ, châm ngôn, trong cuốn nhật ký lưu giữ tờ giấy nhỏ là bút tích của một người con gái ký tên là P với dòng chữ “em đã yêu anh nhiều lắm rồi…”!

Ông Hà Huy Mỳ cũng đề xuất nguyện vọng của bản thân, gia đình: Chúng tôi có ý tưởng là sẽ trao tặng cho Bảo tàng Quân khu 4 - đơn vị của chiến sĩ Cao Xuân Tuất - để cuốn nhật ký lan tỏa hơn, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Hơn nữa, đơn vị bộ đội có cách bảo quản tốt hơn, cuốn nhật ký sẽ có giá trị vững bền.

Nói về vấn đề này, bà Dương Thị Vân Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh cho biết: Chính quyền địa phương sẽ tiếp tục đồng hành cùng gia đình thân nhân liệt sĩ Cao Xuân Tuất trong quá trình gìn giữ, tìm hiểu và phát huy truyền thống gia đình để thế hệ sau này tiếp tục sống cuộc sống tươi đẹp mà sinh thời, liệt sĩ Cao Xuân Tuất hằng mong muốn và tiếp tục hành trình tìm hài cốt để liệt sĩ sớm được trở về quê hương”.

Lưu giữ cuốn nhật ký suốt 56 năm, khi ở tuổi 77, cựu binh Mỹ Peter Mathews mới dám mở lòng và quyết tâm tìm chủ nhân cuốn nhật ký để trao trả. “Ước mơ của tôi là tìm ra người lính năm xưa, đến tận nơi và trả lại cho người thân của ông ấy cuốn sổ. Tôi mong khép lại quá khứ của mình” - ông Peter Mathews nói trong cuộc phỏng vấn với tờ North Jersey (Mỹ).

Sau 2 tháng, với sự khâu nối, hỗ trợ của ông Trần Nhật Tân - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh và cơ quan chức năng tỉnh này, cựu binh Mỹ đã thực hiện được ước nguyện vào ngày 5/3/2023.

Tâm sự tại buổi trao trả kỷ vật, ông Peter Mathews cho biết, cuốn nhật ký có ảnh hưởng rất sâu sắc đối với cuộc đời ông và giờ đây, ông cảm thấy lòng nhẹ nhõm khi đã hoàn thành được sứ mệnh của mình.

“Chúng tôi rất cảm kích trước hành động của cựu binh Mỹ Peter Mathews, cuộc chiến trước đây là vô nghĩa nhưng việc lưu giữ cuốn nhật ký của liệt sĩ Cao Xuân Tuất suốt 56 năm và trao trả nguyên vẹn cho gia đình chúng tôi là việc làm có ý nghĩa. Khi đến nhà chúng tôi, ông ấy còn mong muốn được trở lại lần nữa, hẳn là ông còn nhiều điều chưa thể nói ra” - ông Hà Huy Mỳ, thân nhân của liệt sĩ Cao Xuân Tuất nói.

HẠNH NGUYÊN