Mặt trận phản biện xã hội lần 2 đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Chiều 27/4, tại Hà Nội, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội (lần 2) đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Chủ trì Hội nghị có bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật (UBTƯ MTTQ Việt Nam).
Tại hội nghị, các ý kiến đã tập trung góp ý vào việc thể chế hóa các quy định liên quan đến MTTQ Việt Nam trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) theo tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW; phản biện những nội dung liên quan đến chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; góp ý cụ thể nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến đất đai tôn giáo…
Góp ý vào việc thể chế hóa các quy định liên quan đến MTTQ Việt Nam trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật (UBTƯ MTTQ Việt Nam) cho rằng, dự thảo Luật cần bổ sung thêm tên của Chương II: Quyền và trách nhiệm của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và công dân đối với đất đai; đồng thời phải có những nội dung quy định cụ thể về quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam đối với quản lý và sử dụng đất đai.
Đối với Chương VI thu hồi đất, trưng dụng đất, GS.TS Trần Ngọc Đường đề nghị trong Chương này cần bổ sung một điều quy định trách nhiệm của MTTQ các cấp trong việc phản biện phương án thu hồi đất và phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư; đồng thời quy định những nội dung cần phản biện trong các phương án đó.
“Do tính chất của thu hồi đất, trưng dụng đất có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân đề nghị trong chương VI và Chương IX: giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cần bổ sung một điều quy định về trách nhiệm của MTTQ Việt Nam các cấp trong việc giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về thu hồi, trưng dụng đất và việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư và thu hồi đất cũng như trong việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất bị nhân dân không đồng tình, khiếu kiện.” GS.TS Trần Ngọc Đường đề xuất.
Cùng góp ý xung quanh vai trò của MTTQ Việt Nam trong quản lý sử dụng đất đai, ông Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, dự thảo Luật cần bổ sung trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, không nên quy định chỉ 1 điều (Điều 20) như dự thảo Luật mà nên quy định trong tất cả các chương. MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên không những cho ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tham gia ý kiến về trường hợp cần thiết về thu hồi, phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, trường hợp cưỡng chế khi thu hồi đất mà phải tham gia thực hiện quyền và trách nhiệm giám sát, phản biện xã hội với việc thực hiện các công việc này.
Phản biện những nội dung liên quan đến chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương cho rằng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần quán triệt đầy đủ, sâu sắc Nghị quyết số 18- NQ/TW, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khoá XIII. Trong đó, Nghị quyết xác định: “Giải quyết cơ bản những tồn tại, vướng mắc có liên quan đến quản lý và sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh; đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số” và nêu rõ định hướng: “Có chính sách ưu đãi thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phù hợp... đối với hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình có công với cách mạng”; “có chính sách phù hợp để ưu tiên giao đất cho đồng bào dân tộc thiếu đất sản xuất, cùng với các cơ chế hiệu quả để ngăn chặn người dân chuyển nhượng sau khi giao đất”; “giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất”. Đây là chủ trương rất đúng đắn của Đảng mà đồng bào dân tộc thiểu số đang mong đợi Nhà nước cụ thể hóa trong Luật Đất đai (sửa đổi) lần này thực sự đi vào cuộc sống của đồng bào.
Góp ý trực tiếp về việc ưu tiên giao đất, cho thuê đất cho đồng bào dân tộc thiểu số, TS Nguyễn Văn Hùng đề xuất cần bổ sung vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định "Đất ở, đất sản xuất được hình thành từ nguồn ngân sách Nhà nước cấp (ưu tiên) cho đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện chính sách dân tộc thì không được mua bán, chuyển nhượng, cho thuê" (có thể bổ sung khoản này vào Điều 17). Cùng với đó, trong dự thảo Luật cần bổ sung thêm quy định "có chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số trong việc thực hiện các thủ tục hành chính về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất" công khai, minh bạch và có trách nhiệm với đồng bào.
Góp ý để hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến đất đai tôn giáo, ông Ngô Sách Thực, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, trong dự thảo Luật Đất đai những quy định trực tiếp đến đất tôn giáo bước đầu đã thể chế và tiếp thu nhiều ý kiến góp ý, tuy nhiên, nhiều điểm vẫn chưa rõ, rất khó thực hiện cần bổ sung và chỉnh sửa.
Ông Ngô Sách Thực đề nghị trong dự thảo Luật cần bổ sung thêm mục giải thích đất tôn giáo là gì? Đất tín ngưỡng là gì cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Bởi cách hiểu hiện nay rất khác nhau. Cùng với đó các điều quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phân loại đất trong Luật phải đề cập rõ hơn đất tôn giáo, tín ngưỡng. Bổ sung “đất tín ngưỡng“ trong quy hoạch cấp tỉnh, đất “tín ngưỡng, tôn giáo“ trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện.
Ông Ngô Sách Thực cũng kiến nghị, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phải chỉ rõ các loại hình tôn giáo được thuê đất để phù hợp với chính sách: “tổ chức tôn giáo sử dụng đất vào mục đích khác phải trả tiền thuê đất cho Nhà nước theo quy định của pháp luật để tiết kiệm đất, sử dụng đất có hiệu quả“, tránh lợi dụng chính sách để “ôm“ đất, “đầu cơ“ đất, lãng phí không sử dụng đất.