Để Đồng bằng sông Cửu Long cất cánh

Quốc Trung-Thanh Tiến 01/05/2023 07:41

Có vị trí đặc biệt quan trọng, nhiều lợi thế về nông nghiệp, thủy sản, nhưng thời gian qua Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn chưa phát huy được tiềm năng. Đã đến lúc cần những cú hích đủ mạnh để khu vực này khẳng định vị thế vững chắc, từng bước nâng cao đời sống nhân dân.

Hoạt động xuất khẩu gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Tiềm năng, lợi thế

Vùng ĐBSCL là một trong những đồng bằng lớn nhất, phì nhiêu nhất ở Đông Nam Á và thế giới. Với diện tích tự nhiên 40.000km2, bao gồm 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL chiếm gần 12% tổng diện tích của Việt Nam. Có vị trí chiến lược quan trọng khi nằm liền kề TPHCM và vùng Đông Nam bộ, khu vực này đóng góp một nửa sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 70% các loại trái cây của cả nước.

Cả vùng chỉ có khoảng 90km đường cao tốc, tức là chưa bằng một nửa số km đường cao tốc của một số tỉnh, và chỉ chiếm khoảng 7% của cả nước (1.239km); là khu vực có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt và nhiều vườn cây, rừng cây rộng lớn, với 4 khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn tự nhiên được công nhận là khu Ramsar của thế giới. Đồng thời, trong vùng cũng có nhiều tiềm năng về dầu khí và năng lượng tái tạo, như: năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng thuỷ triều…

Đặc biệt với 3,9 triệu ha, chiếm 52% diện tích gieo trồng lúa cả nước, nhiều năm qua, ĐBSCL đã phát huy lợi thế là vựa lúa lớn nhất cả nước, gánh và làm tròn trách nhiệm an ninh lương thực Quốc gia và cung ứng lúa gạo cho toàn cầu.

Nói về giá trị của hạt gạo Việt những năm qua, ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An đánh giá: Bây giờ gạo Việt Nam có giá cao nhất nhì thế giới vì thật sự rất ngon. Thế nhưng dù hạt gạo Việt đã đến với hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm hơn 15% tổng lượng gạo xuất khẩu trên thế giới, song ngành lúa gạo của Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, người nông dân vẫn chưa thể làm giàu từ hạt gạo.

Chuẩn bị tôm xuất khẩu.

Giải quyết bằng được điểm nghẽn

Nhiều ý kiến cho rằng phát triển hạ tầng giao thông chính là mệnh lệnh phát triển vùng ĐBSCL. Thời gian qua vùng vẫn đang “đói” cao tốc, “khát” đường giao thông, lòng thòng các nút thắt cổ chai. Chưa giải quyết được những cơn đói khát đó, thì vùng trọng điểm nông nghiệp, thủy sản lớn nhất nước vẫn là vùng trũng.

Không phải đến bây giờ vấn đề này mới được nhận diện. Cách đây 20 năm, Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nêu ra “3 điểm nghẽn phát triển vùng” là giao thông, thủy lợi và nguồn nhân lực. Thủ tướng Phan Văn Khải cũng đã chỉ đạo “3 khâu đột phá” phát triển, trong đó có Quyết định 344/2005 phê duyệt kế hoạch phát triển giao thông vận tải vùng ĐBSCL đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

Theo đó những năm gần đây, nhiều công trình trọng điểm đã được đầu tư. Hệ thống đường bộ, đường thủy, hàng hải và hàng không, các trục dọc, đường ngang, cầu vượt sông lớn như Mỹ Thuận, Cần Thơ, Rạch Miễu, Vàm Cống, Cao Lãnh, Đầm Cùng, Năm Căn... đã tạo ra mạng lưới giao thông tốt hơn. Nhưng nhìn tổng thể, so với yêu cầu “giao thông đi trước mở đường” thì hạ tầng vùng ĐBSCL vẫn đang yếu kém.

Thời gian qua ĐBSCL vẫn đang đối mặt với tình trạng di cư, điều này cho thấy kinh tế và điều kiện của vùng vẫn chưa giữ chân được người dân ở lại, đây cũng chính là điểm nghẽn về nguồn nhân lực. Bên cạnh những khó khăn, vướng mắc nội tại hiện ĐBSCL đang còn phải đối mặt với những thách thức lớn do biến đổi khí hậu, chi phí sản xuất gia tăng và mất dần lợi thế so sánh của nông nghiệp.

Có dịp ghé Đồng Tháp tôi được nghe lãnh đạo tỉnh trăn trở về việc làm sao nâng cao thu nhập cho người trồng lúa. Ông Nguyễn Phước Thiện - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều mô hình xen cây con (lúa - tôm, lúa, cá, lúa - vịt...) đã mang lại thu nhập cho một bộ phận nông dân nhưng ở diện tích rất nhỏ. Để nâng cao thu nhập cho người trồng lúa, vấn đề cốt lõi vẫn là giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận.

Tuy nhiên, ông Thiện cho rằng, để giảm chi phí phải giảm phân bón, giảm thuốc, phải ứng dụng công nghệ số để truy xuất nguồn gốc phục vụ cho xuất khẩu cũng như trong nội địa. Như vậy sẽ tăng chất lượng, giảm giá thành và có lợi lâu dài. Hai vấn đề cần quan tâm nữa trong bài toán nâng cao giá trị cây lúa, đó là cơ giới hóa toàn diện và ưu tiên nguồn vốn để hỗ trợ nông dân sản xuất, liên kết.

Còn theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong, đối với tỉnh Đồng Tháp, cây lúa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, cũng như các tỉnh trong khu vực, cây lúa đang đối diện với nhiều thách thức khi chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, giá phân bón, vật tư tăng cao, điều kiện thủy văn thổ nhưỡng, trình độ khoa học công nghệ, yếu tố thị trường khiến đời sống nông dân đồng bằng chưa thể thoát nghèo.

Nhiều chuyên gia nông nghiệp vùng ĐBSCL cho rằng, sau 32 năm xuất khẩu, gạo Việt Nam đã nằm trong tốp 3 thế giới. Nông dân mang rạng rỡ về đất nước nhưng túi tiền của họ vẫn xẹp. Người trồng lúa chi rất nhiều tiền cho chi phí phân bón, thuốc trừ sâu khiến chi phí sản xuất tăng. Điều cần làm hiện nay là thực hiện các mô hình sản xuất hạ giá thành, từ đó sẽ góp phần tăng thu nhập cho nông dân. Việc tổ chức sản xuất ở ĐBSCL nên phân chia theo 3 vùng nông nghiệp chính là vùng thượng nguồn (nước ngọt quanh năm không thiếu, nước mặn không đến); vùng giữa (vùng trũng nhất, ngập sâu trong mùa mưa, khô hạn trong mùa nắng, nước mặn có thể xâm nhập); vùng ven biển (nước ngọt trong mùa mưa, nước mặn - lợ trong mùa nắng) để từ đó có giải pháp, mô hình sản xuất tương ứng với đặc thù của mỗi vùng.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cũng thừa nhận, rất nhiều năm, nông dân có tư tưởng chạy theo sản lượng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sản lượng không giúp nông dân nâng cao thu nhập, thậm chí là đi ngược lại với thu nhập. Vì vậy, đến lúc ngành lúa gạo cả nước nói chung, ĐBSCL nói riêng phải tổ chức lại sản xuất, hướng đến thay đổi tư duy cho nông dân từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, làm sao để người nông dân giàu lên từ giá trị, chứ không phụ thuộc vào giá cả.

Thu hoạch dứa.

Cần “cú hích” mạnh mẽ

Sau 4 năm triển khai Nghị quyết 120/NQ-CP, về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, vùng ĐBSCL đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Nghị quyết 120/NQ-CP đã xác định được tầm nhìn dài hạn, yêu cầu thay đổi tư duy, kiến tạo phát triển bền vững, thịnh vượng, chuyển hóa những thách thức thành cơ hội để phát triển vùng, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, bảo đảm cuộc sống khá giả của người dân trong vùng.

Để tiếp tục phát huy các thế mạnh, liên kết giữa các địa phương trong vùng lại với nhau, tiến tới những giá trị thực của vùng, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nghị quyết nhấn mạnh, vùng ĐBSCL là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, có địa chính trị, địa kinh tế và địa quân sự hết sức trọng yếu đối với cả nước. Vùng nằm liền kề tuyến hàng hải Đông - Tây, có đường giao thông hàng hải và hàng không quốc tế quan trọng, kết nối Nam Á và Đông Á cũng như với Australia và các quần đảo khác trong Thái Bình dương, với chiều dài hơn 700 km bờ biển, chiếm 23% bờ biển cả nước, khoảng 360.000 km2 vùng biển và thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế; có các quần đảo Thổ Chu, Nam Du và đảo Phú Quốc là những chuỗi đảo hết sức quan trọng kiểm soát tuyến đường biển Thái Bình dương qua Biển Đông nối với Ấn Độ dương.

Ngoài ra Quyết định 287/QĐ-TTg của Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sẽ tập trung phát triển hệ thống kết cấu giao thông vận tải đa phương thức kết nối liên vùng và quốc tế, trong đó chú trọng phát huy thế mạnh của vùng về giao thông thủy nội địa.

Hàng loạt các dự án trọng điểm được đề ra nhằm phát huy lợi thế và khai thác tối đa thế mạnh của vùng như, đến năm 2030, đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830km đường bộ cao tốc; khoảng 4.000 km đường quốc lộ; 4 cảng hàng không; 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa. Đồng thời, đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch đồng bộ, kết nối giữa các khu và điểm du lịch trong vùng, liên vùng và quốc tế trong đó chú trọng phát triển hệ thống cảng du lịch trên sông Tiền, sông Hậu và cảng du lịch tàu biển tại các tỉnh ven biển.

Trong Nghị quyết số 57/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế - xã hội, có nêu quan điểm, cần xây dựng bộ máy vùng có đủ thẩm quyền, năng lực và nguồn lực để thực hiện hiệu quả vai trò chỉ đạo, điều phối và tạo thuận lợi cho các chính quyền địa phương thực hiện liên kết vùng...Đây là bản quy hoạch đẹp, nhưng việc chuyển hóa quy hoạch đẹp xuống các địa phương là cả vấn đề. Việc có một bộ máy cho vùng ĐBSCL là vấn đề rất cần thiết trong giai đoạn này, sẽ giống như một “cú hích” để các chủ trương, chính sách sớm được triển khai, hiện thực hóa ở vùng châu thổ.

Với nhiều chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước được các địa phương trong vùng hiện thực hóa trong đời sống nhân dân cho thấy ĐBSCL đang được thay đổi rõ rệt, đời sống người dân nông thôn được nâng cao, điều kiện sinh hoạt được cải thiện đáng kể. Thời gian qua các địa phương trong vùng đang trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước với hàng loạt dự án lớn tạo đà phát triển cho kinh tế vùng.

Quốc Trung-Thanh Tiến