Giáo dục, chuyển động để thích ứng
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, TS Lê Thống Nhất cho rằng, những chuyển động của giáo dục đang có chiều hướng tích cực để thích ứng với xu hướng đổi mới, phù hợp với mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
PV: Thưa ông, một trong những câu chuyện giáo dục nhận được sự quan tâm là thi tốt nghiệp THPT sau năm 2025 sẽ có những thay đổi. Theo dự thảo đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra lấy ý kiến, Lịch sử sẽ trở thành môn thi bắt buộc. Ông có đồng tình?
TS Lê Thống Nhất: Một môn học bắt buộc trở thành môn thi bắt buộc của kỳ thi tốt nghiệp THPT là bình thường. Chỉ có là mục tiêu của môn Lịch sử, như rất nhiều người khi đề xuất trở thành môn học bắt buộc là để giáo dục lòng yêu nước, về truyền thống của ông cha ta. Nếu như nghĩ rằng bắt buộc học rồi bắt buộc thi thì lại trở thành phản giáo dục. Làm sao để học sinh yêu thích học môn Lịch sử thì đó mới là thành công.
Cả một thời gian dài học sinh chưa mặn mà môn Lịch sử, là bởi với cách ra đề bắt nhớ từng chi tiết nhỏ như diễn ra vào mấy giờ sáng, tiêu diệt bao nhiêu tên địch… Điều đó không quan trọng. Khi sa vào chi tiết học sinh sẽ chán.
Kể từ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đổi mới đề thi môn Lịch sử và nhận được sự đồng thuận của các thầy cô, tôi nghĩ rằng bước đầu đổi mới như vậy là tốt. Nếu chúng ta tiếp tục đổi mới trong 2, 3 năm tới thì đến năm 2025 thầy trò đều sẽ thích ứng được. Như vậy, vấn đề đặt ra là đề thi có thực sự đổi mới hay không? Có bắt học sinh học thuộc không hay là tạo cảm xúc cho học sinh học tập môn Lịch sử?
Về hình thức thi sẽ đổi mới là có thể thi trên máy tính. Trước tiên sẽ áp dụng ở những nơi có điều kiện. Vấn đề là làm sao đảm bảo công bằng, minh bạch, thưa ông?
- Thi trên máy tính có cái hay là học sinh sẽ biết được kết quả ngay, tiêu cực ở kỳ thi THPT Quốc gia 2018 chính ở giai đoạn từ khi học sinh nộp bài tới khi chấm thi. Ngay việc chấm thi trên giấy cũng dễ nảy sinh tiêu cực. Mặt khác khi thi trên máy tính, số mã đề sẽ rất lớn nên tránh luôn cả gian lận khi thi. Bởi vậy, thi trên máy tính là xu hướng tất yếu và phải có bước chuẩn bị.
Một kỳ thi tốt nghiệp THPT lâu nay đã phải đầu tư rất tốn kém, nếu có kế hoạch chúng ta có thể đầu tư một số năm để đủ trang bị máy tính và đường mạng. Hiện đường mạng đã rất tốt để thi trên máy tính.
Vì đề thi tương đương nhau nên dần dần có thể giao cho các địa phương tự chủ động, không nhất thiết phải thi cùng một ngày, một giờ. Nhất là trong bối cảnh bão lũ, thiên tai có thể xảy ra thì việc thi sẽ chủ động từng nơi, không phải chờ nhau. Ngay đối với một địa phương cũng có thể thi nhiều đợt cho một môn, khi số máy tính chưa trang bị đủ để thi cùng một đợt.
Bản thân tôi đã từng tổ chức, tham gia các cuộc thi Toán, tiếng Anh trên mạng đã từng bị hack, nghĩa là học sinh không cần làm bài mà vẫn được điểm tối đa. Có thể giải 30 bài toán chỉ hết mấy giây, đó không phải là thi. Nếu thi trên máy tính thì sản phẩm công nghệ thông tin đó phải bảo mật. Hiện nay với sự tiên tiến, thay đổi của công nghệ, người học không thể gian lận. Nên nhớ thi trên máy tính vẫn phải có giám thị, có camera quan sát và phần mềm để không thể gian lận được. Kinh nghiệm của các nước đã có nên đừng nhìn vào một vài cuộc thi trên mạng từng gian lận được mà không tin vào sự công bằng, minh bạch khi thi trên máy tính. Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo vào cuộc với công nghệ mới thì sẽ làm được.
Cùng với phương án thi tốt nghiệp thì phương án tuyển sinh vào đại học (ĐH) năm 2025 cũng rất được quan tâm. Trách nhiệm của các trường ĐH trong việc sớm công bố phương án xét tuyển như thế nào, thưa ông?
- Có những phương án xét tuyển tôi gọi là “vơ bèo vạt tép” để làm sao tuyển được học sinh, sinh viên. Đó là lý do vì sao có nhiều phương thức xét tuyển đến thế. Phương thức xét tuyển bằng học bạ khi mỗi trường đánh giá khác nhau mà vẫn xét tuyển? Kỳ thi tốt nghiệp không phải để xét tuyển vào ĐH mà nhằm đánh giá lại quá trình học sinh học tập, đầu ra của chương trình hiện hành và mai kia là đầu ra với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Kỳ thi tốt nghiệp THPT không có sứ mạng để các trường xét tuyển vào ĐH. Đây là 2 phương án các trường đang dùng để xét tuyển vào ĐH không có tính phân loại học sinh.
Tôi hy vọng rằng từ nay đến năm 2030 các trường sẽ ổn định phương thức xét tuyển. Nhiều trường đã giảm dần chỉ tiêu xét tuyển qua điểm kỳ thi tốt nghiệp và tiến tới bỏ hẳn phương thức này. Sự thay đổi như vừa qua cho thấy sự lúng túng nhưng cũng có những trường ngày càng tốt lên, nên chúng ta phải đồng ý việc các trường thay đổi, chỉ có điều thay đổi tốt lên hay xấu đi mà thôi.
Không chỉ là phương thức tuyển sinh mà vấn đề chất lượng giáo dục ĐH hiện nay cũng là trăn trở của nhiều người, thưa ông?
- Chất lượng đào tạo của giáo dục ĐH hiện nay cần tiếp tục nâng lên. Nhiều trường dường như hạ thấp yêu cầu đầu vào với các phương thức xét tuyển đưa ra làm sao để cố gắng có nhiều học sinh vào học hơn.
Nếu không nâng cao chất lượng đào tạo của các trường ĐH sẽ tạo ra sự lãng phí công sức của học sinh, tiền của của nhân dân. Cần sắp xếp lại các trường ĐH. Trường nào không đủ uy tín, trình độ để đào tạo sinh viên có trình độ vững chắc thì cần giải tán, không nhất thiết phải nhiều trường ĐH như hiện nay. Chúng ta cần các trường ĐH thực sự, không phải để lấy danh mà phải thực chất.
Thống kê những năm gần đây cho thấy có nhiều học sinh không đăng ký xét tuyển ĐH, trong đó có cả những học sinh có mức điểm khá, có thể đỗ nhiều trường ĐH. Phải chăng công tác phân luồng học sinh của ngành giáo dục đã có hiệu quả hay nhận thức xã hội đã có chuyển biến về con đường lập thân, lập nghiệp?
- Công tác phân luồng học sinh chúng ta đã làm ngay từ khi các em học lớp 9 nên ngay sau cấp THCS, khá nhiều học sinh đã lựa chọn không thi vào lớp 10. Thống kê từ các địa phương có thể thấy, tỷ lệ này dần dần có xu hướng tăng lên. Bởi vì các em có thể chọn sau khi học lớp 9 sẽ theo học trung cấp nghề hoặc trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên. Một số em cảm thấy việc theo học THPT không phù hợp với mình.
Tương tự, đối với các em đã tốt nghiệp THPT, con đường để các em lựa chọn rất rộng mở, trong đó ĐH chỉ là một hướng đi. Chúng ta cũng phải nhìn nhận một thực tế là không phải cứ bằng cấp cao hơn thì sau này thu nhập sẽ cao hơn. Thực tế cho thấy, nhiều người bằng cấp thấp hơn nhưng tay nghề, năng lực làm việc tốt hơn thì thu nhập sẽ cao hơn.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nếu không nâng cao chất lượng đào tạo của các trường ĐH sẽ tạo ra sự lãng phí công sức của học sinh, tiền của của nhân dân. Cần sắp xếp lại các trường ĐH. Trường nào không đủ uy tín, trình độ để đào tạo sinh viên có trình độ vững chắc thì cần giải tán, không nhất thiết phải nhiều trường ĐH như hiện nay. Chúng ta cần các trường ĐH thực sự, không phải để lấy danh mà phải thực chất.