Là cây một gốc, là con một nhà…
Trên thế giới, hiếm có một quốc gia nào có tục thờ cúng ông Tổ đã sáng lập nên Tổ quốc của mình như Việt Nam. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là đạo lý uống nước nhớ nguồn, là tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc thành một khối thống nhất từ ngàn đời nay.
Phát biểu tại lễ khai mạc Lễ hội Đền Hùng, Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2023, Liên hoan toàn quốc di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh và Kỷ niệm 20 năm thực hiện Công ước 2003 của UNESCO tại quảng trường Hùng Vương, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã khẳng định: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - minh triết của dân tộc - gắn liền với truyền thống nông nghiệp lúa nước, ý chí tự cường và tinh thần đoàn kết chống ngoại xâm, thiên tai, làm nên sức mạnh Việt Nam.
Cùng với 14 giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được UNESCO vinh danh là di sản phi vật thể thế giới. Và với 15 di sản phi vật thể đã được UNESCO ghi danh, Việt Nam là một trong số những quốc gia giàu tài nguyên văn hóa, một cộng đồng độc đáo trên thế giới.
Trong đời sống tín ngưỡng của người Việt, vua Hùng đã trở thành một biểu tượng thiêng liêng; thờ cúng những người đầu tiên đã sáng lập nên nhà nước Văn Lang - Nhà nước đầu tiên của Việt Nam sau này.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được hình thành và phát triển vừa là đạo lý uống nước nhớ nguồn, mặt khác là cơ sở để các vị vua và nhân dân ta qua các thời kỳ lịch sử tăng cường sự cố kết cộng đồng chống giặc ngoại xâm và dựng xây đất nước.
Có lẽ cơ sở để hình thành nên tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương xuất phát từ thời kỳ Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa. Tương truyền, khi dựng cờ khởi nghĩa, Hai Bà Trưng đã đọc lời thề tại sông Hát:
"Một, xin rửa sạch quốc thù
Hai, xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng”
Tương truyền, mẹ của Trưng Trắc và Trưng Nhị là bà Man Thiện. Bà Man Thiện được xem là cháu chắt bên ngoại của Hùng Vương. Bà góa chồng sớm, nuôi dạy hai con gái nghề trồng dâu nuôi tằm và võ nghệ. Bà Man Thiện có vai trò tổ chức lực lượng, giao thiệp với các quan lang các vùng xung quanh ủng hộ con khởi nghĩa.
Nói về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, khi sang thăm Việt Nam, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu “... trong khoảng năm thứ 40 sau Công nguyên, hai chị em người Việt Nam là Hai Bà Trưng đã đứng lên khởi nghĩa chống ngoại xâm, thức tỉnh tinh thần độc lập. Đó là lần đầu tiên trong lịch sử mà người dân Việt Nam đứng lên vì nền độc lập cũng như niềm tự hào của mình”.
Một tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - thờ những người sáng lập Tổ quốc thôi chưa đủ, nhân dân ta từ xưa đã sáng tạo nên truyền thuyết “Lạc Long Quân - Âu cơ” sinh ra bọc trăm trứng, nở thành trăm người con trai. Vua Hùng lập nên nước Văn Lang là một trong những người con trai đó. Còn những người con trai khác nữa được phân chia đi trấn trị làm vương ở các vùng từ miền biển cho tới miền núi, đồng bằng.
Thậm chí các nhà làm sử như Lê Văn Hưu (thời Trần) hay đến Ngô Sĩ Liên (thời Lê) còn lịch sử hóa truyền thuyết. Những câu chuyện về Kinh Dương Vương lập nên nước Xích Quỷ - Quốc hiệu đầu tiên của nước ta trước khi có quốc hiệu Văn Lang. Rồi Kinh Dương Vương sinh Lạc Long Quân có tài đi dưới thủy phủ, lấy công chúa Hồ Động Đình là Âu Cơ, sinh bọc trăm trứng, nở ra trăm trai với ngụ ý tất cả mọi người trong nước ta có chung một nguồn gốc. Lạc Long Quân là giống rồng, còn Âu Cơ là giống tiên. Chính vì thế mới hình thành nên tư tưởng nguồn gốc dân tộc xuất phát từ “Con Lạc, cháu Hồng”.
Từ truyền thuyết bọc trăm trứng, mới xuất hiện từ “Đồng bào”. Đồng bào nghĩa là cùng một bọc. Từ đồng bào được sử dụng từ hàng trăm năm nay và càng xuất hiện nhiều khi người dân gặp cảnh thiên tai, địch họa. Đặc biệt, trong bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ngay vào câu đầu tiên: “Hỡi đồng bào cả nước”.
Để hiện thực hóa lịch sử, tri ân và tuyên truyền cho tinh thần “cùng chung một gốc vua Hùng, cùng một bọc sinh ra”, các vị vua thời phong kiến đã cho xây dựng nhiều nơi thờ cúng. Ngày nay, ở làng Á Lữ, xã Đại Đồng Thành thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh còn lăng mộ Kinh Dương Vương.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương xuất phát từ địa bàn tỉnh Phú Thọ đã lan rộng ra nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Hiện nay, trên địa bàn cả nước có 1.417 di tích, riêng tỉnh Phú Thọ - vùng đất cội nguồn dân tộc có 345 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương. Trong đó, một số địa phương của tỉnh Phú Thọ có nhiều di tích thờ cúng Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương như: Việt Trì 49 di tích, Cẩm Khê 43 di tích, Lâm Thao 37 di tích, Thanh Thủy 37 di tích, Phù Ninh 33 di tích, Thanh Ba 31 di tích, Tam Nông 22 di tích... Đặc biệt, đối với di tích Đền Hùng ở Nghĩa Lĩnh, Phú Thọ, là di tích được xếp hạng di tích Quốc gia (1962) và Di tích Quốc gia đặc biệt (2009) đều ngay từ lần đầu tiên Nhà nước tổ chức xếp hạng các loại di tích.
Các truyền thuyết, huyền thoại về thời kỳ Hùng Vương dựng nước xuất hiện dày đặc ở Phú Thọ. Đó là các câu chuyện về Thánh Gióng, Sơn Tinh, Thủy Tinh, Mai An Tiêm. Các lễ hội dân gian như: Rước Vua về làng ăn Tết, Vua Hùng dạy dân cấy lúa, Lễ hội Hát Xoan. Rồi những di chỉ khảo cổ Sơn Vi, Phùng Nguyên, Làng Cả, Xóm Ren, Gò Mun và các cổ vật được tìm thấy xung quanh núi Hùng như Nha chương, trống đồng, rùi, mũi tên... Tất cả hiện vật và câu chuyện truyền thuyết cho ta thấy một thời đại Hùng Vương rực rỡ và cho thấy rõ nét một nhà nước Văn Lang cổ đại - trung tâm khởi phát của người Việt cổ.
Từ truyền miệng, các câu chuyện về thời kỳ dựng nước Xích Quỷ, Văn Lang đã được các nhà viết sách, viết sử biên chép, ví như: Việt điện u linh; Lĩnh Nam Chích quái; Đại Việt sử ký toàn thư, Kiến văn tiểu lục, Khâm định Việt sử thông giám cương mục. Bên cạnh đó còn có các thần tích, ngọc phả như : Hùng đồ thập bát diệp thành vương ngọc phả lưu tại Đền Hùng được viết vào thời Lê, Hùng vương sự tích ngọc phả cổ truyền do Lễ bộ thượng thư Nguyễn Cố phụng soạn năm Hồng Đức nguyên niên (1470). Hay các sắc phong…
Từ “cây một gốc, con một nhà”, từ thời Lý, vua Lý Thái Tổ đã gả công chúa Lĩnh Nam cho tù trưởng người Tày là Giáp Thừa Quý ở động Giáp. Nhiều vị vua sau này đều thực hiện theo cách làm này của vua Lý Thái Tổ để tăng thêm tình thân ái đoàn kết, bảo vệ đất nước.
Ngày nay, việc UNESCO công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại càng tăng thêm niềm tự hào của người dân Việt Nam. Nhiều đồng bào xa quê mỗi dịp mùng mười tháng ba lại bồi hồi :
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba
Khắp miền rộn rã câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm.
Ngày 6/12/2012, tại kỳ họp lần thứ 7, Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đã chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Quyết định của UNESCO công nhận Hồ sơ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương nêu rõ, hồ sơ đáp ứng các tiêu chuẩn để được ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Quyết định cũng nêu cụ thể: “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” thể hiện lòng tôn kính đối với các bậc tổ tiên và từ đó nâng lên lòng tự hào dân tộc và gắn kết cộng đồng.