Hát Xoan - Xứng danh di sản
Hát Xoan Phú Thọ là trường hợp duy nhất cho tới nay từ Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, theo UNESCO. Di sản văn hóa phi vật thể này không chỉ nỗ lực vượt khó để khẳng định thương hiệu của vùng đất Tổ mà còn đang là hình mẫu trong việc gắn kết, phát huy và lan tỏa các giá trị trong cộng đồng.
Giá trị trường tồn
Với những giá trị nổi bật toàn cầu, ngày 24/11/2011, tại Hội nghị lần thứ 6 của Ủy ban liên Chính phủ về Bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO tổ chức tại Bali - Indonesia, hồ sơ hát Xoan Phú Thọ của Việt Nam đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Cho đến ngày 8/12/2017, tại Hội nghị lần thứ 12, Ủy ban liên Chính phủ về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO đã chính thức đưa hát Xoan Phú Thọ ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp và trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là trường hợp đầu tiên và duy nhất trong lịch sử của UNESCO. Sự kiện này đã đánh dấu thành công bước đầu của tỉnh Phú Thọ và cộng đồng đã nỗ lực, quyết tâm thực hiện cam kết bảo vệ di sản hát Xoan trong tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp suốt 6 năm.
Hát Xoan hiện có ở 18 xã của 2 tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc. Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, hiện có 4 phường Xoan được thành lập và đang hoạt động tại TP Việt Trì, đó là phường Xoan An Thái, phường Xoan Thét, phường Xoan Phù Đức và phường Xoan Kim Đái. Đặc biệt, trong những năm qua, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản hát Xoan đã được tỉnh Phú Thọ đặc biệt quan tâm. Các lễ hội truyền thống gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và hát Xoan được duy trì và phục hồi, tạo không gian văn hóa cho cộng đồng thực hành, trình diễn và trao truyền di sản. Từ chỗ chỉ còn 7 nghệ nhân có khả năng truyền dạy di sản, đến nay toàn tỉnh đã có hàng trăm nghệ nhân có khả năng truyền dạy và kế cận.
Không những vậy, di sản văn hóa phi vật thể hát Xoan hiện còn được lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng, phát huy vai trò của các nghệ nhân trong việc truyền dạy và gắn kết di sản với phát triển du lịch. Mới đây nhất, sản phẩm du lịch “Hát Xoan làng cổ” gắn liền với các di tích lịch sử văn hóa được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ triển khai.
Theo hành trình trải nghiệm di sản, du khách sẽ được tham quan Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, thực hành các nghi lễ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, tìm hiểu quá trình dựng nước và giữ nước của cha ông ta; tham quan Bảo tàng Hùng Vương, tìm hiểu không gian trưng bày về thiên nhiên, lịch sử văn hóa vùng đất Tổ qua các thời kỳ từ sơ sử đến hiện đại; tham quan đình cổ Hùng Lô (ngôi đình 300 năm tuổi nằm bên bờ sông Lô) và làng cổ Hùng Lô với góc chợ quê, nhà cổ, trải nghiệm gói bánh chưng, giã bánh dày truyền thống…
Điểm cuối, du khách sẽ được tham quan miếu Lãi Lèn, nơi phát tích của hát Xoan Phú Thọ và được thưởng thức các làn điệu Xoan cổ mượt do các nghệ nhân các phường Xoan trình bày. Hiện tại, sản phẩm “Hát Xoan làng cổ” được nhiều công ty lữ hành quan tâm xây dựng tour du lịch. Ước tính trong một ngày cao điểm du lịch, những người hát xoan trình diễn cho gần 60 khách du lịch quốc tế. Du khách đến đây tham quan không chỉ lắng nghe, thưởng thức hát Xoan mà còn sẵn sàng lên trình diễn, hòa mình vào điệu nhạc cùng các nghệ nhân.
Cần được nhân rộng
Thực tế cho thấy, thành công hát Xoan đến thời điểm hiện tại, bên cạnh sự quan tâm của các cơ quan quản lý thì “công lớn” chính là của việc gắn kết di sản với cộng đồng, sự chung tay của những nghệ nhân dù “tuổi cao, sức yếu” nhưng vẫn đau đáu trong việc truyền dạy cho thế hệ trẻ.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ Nguyễn Đắc Thủy, một trong những nhiệm vụ trong tâm để bảo tồn và phát huy di sản hát Xoan chính là việc quan tâm đến các chế độ chính sách đối với nghệ nhân hát Xoan và hỗ trợ vật chất, kinh phí đối với các phường Xoan. Bởi các nghệ nhân hát Xoan chính là những “báu vật nhân văn sống”, là lực lượng nòng cốt trong việc bảo vệ di sản hát Xoan.
Tỉnh đã chủ động triển khai các hoạt động khai thác và bảo hộ nghệ nhân. Hiện nay, toàn tỉnh đã có hàng trăm nghệ nhân có khả năng truyền dạy, trong đó có nhiều nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú. Ngoài việc hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng hàng ngày cho nghệ nhân và học viên tham gia các lớp truyền dạy, đào tạo nghệ nhân, tỉnh đã cấp hỗ trợ kinh phí cho các phường Xoan nhằm gây quỹ hoạt động, tạo điều kiện cho các phường Xoan tổ chức sinh hoạt, truyền dạy mua sắm thiết bị…
Cũng theo ông Thủy, để duy trì thực hành và truyền dạy hát Xoan Phú Thọ, 100% trường học trong tỉnh đã đưa nội dung hát Xoan vào chương trình giáo dục thông qua bộ môn Âm nhạc và chương trình ngoại khóa với các bài hát Xoan phù hợp; khoảng 50% cơ sở giáo dục thành lập Câu lạc bộ hát Xoan cấp trường. Cùng với đó, trên 100 Câu lạc bộ hát Xoan và Dân ca ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã được thành lập và duy trì hoạt động, đáp ứng yêu cầu của những người yêu thích hát Xoan và góp phần lan tỏa mạnh mẽ hát Xoan trong đời sống cộng đồng.
Có thể nói, cùng với các di sản văn hóa nói chung và các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh, hát Xoan Phú Thọ đang là một điển hình mẫu trong việc viết tiếp hành trình tôn vinh các giá trị văn hóa của Việt Nam. Tuy nhiên, để các giá trị của di sản hát Xoan lan tỏa vẫn đang cần sự chung tay, chung lòng, thậm chí là vượt khó. Bởi thực tế, với hát Xoan, ngoài sự trân trọng và quyết tâm bảo vệ những giá trị di sản từ truyền thống thì cũng cần được tiếp thu những giá trị tốt đẹp trong thời hiện đại.
Ông Đặng Hoành Loan - nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam cho rằng, nếu nói người trẻ “quay lưng” với hát Xoan là cách nghĩ sai mà thay vào đó chúng ta phải “tiếp lửa” để chính những người trẻ tiếp nối tình yêu và lan tỏa những giá trị đặc sắc của di sản này. Các di sản phi vật thể có được như ngày hôm nay là nhờ vào sự tham gia rất lớn của lớp trẻ. Có thể coi đó là một lực lượng khổng lồ, không chỉ là nhân tố bảo vệ mà còn đóng vai trò quyết định tới vận mệnh của nghệ thuật truyền thống.