Tư vấn chứ đừng ép buộc
Thông tin một số học sinh lớp 9 ở Trường THCS Kim Giang (quận Thanh Xuân, Hà Nội) bị cô giáo chủ nhiệm “ép” không được thi vào lớp 10 công lập một lần nữa đặt ra vấn đề về ranh giới giữa việc tư vấn, định hướng với “ép buộc” trong công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS.
Kỳ thi vào lớp 10 công lập ở Hà Nội và nhiều địa phương trên cả nước chuẩn bị diễn ra. Đây là thời điểm học sinh, phụ huynh cân đối việc chọn trường, chọn hướng đi sau tốt nghiệp THCS cho con. Giáo viên với vai trò là người đồng hành cùng học sinh và gia đình các em suốt từ đầu năm học cuối cấp quan trọng, thậm chí là từ những năm trước đó có sự thấu hiểu cặn kẽ về khả năng tiếp thu, trình độ cũng như năng lực thực tế của học sinh đáp ứng được bao nhiêu so với kỳ thi chuyển cấp căng thẳng hơn vào đại học. Từ đó, giáo viên đưa ra tư vấn đối với từng gia đình. Tuy nhiên, không phải tư vấn này lúc nào cũng trùng với mong muốn của gia đình học sinh.
Cụ thể, một số phụ huynh của Trường THCS Kim Giang phản ánh sau buổi họp phụ huynh ngày 22/4 vừa qua, cô giáo đã mời riêng 9 phụ huynh của các học sinh có điểm thi yếu ở lại để tư vấn. Tuy nhiên, theo các phụ huynh, đây gần như là một hình thức “ép”, thậm chí có tính chất đe dọa nếu phụ huynh vẫn muốn cho con tham gia kỳ thi vào lớp 10. Cả buổi họp, cô giáo luôn nhấn mạnh các con có học lực chưa tốt nên vào trường nghề để học. Sau đó, cô nhấn mạnh nhiều lần rằng, không nhất thiết phải có bằng cấp thì sau này mới thành đạt. Trước buổi họp, đã có một đại diện ở trường trung cấp nghề đến và làm những động thái giống như marketing, phát tờ rơi…
Ngay sau khi thông tin được báo chí phản ánh, bà Phạm Thị Xuân Oanh - Hiệu trưởng Trường THCS Kim Giang đã khẳng định, quan điểm của Trường là giáo viên chủ nhiệm khối 9 chỉ có nhiệm vụ tư vấn cho phụ huynh học sinh. Nhà trường tuyệt đối không ủng hộ việc giáo viên yêu cầu hay ép học sinh không được thi vào lớp 10 công lập. “Trong tất cả cuộc họp với giáo viên, tôi luôn dùng đúng một từ chuẩn là “tư vấn”, nhắc đi nhắc lại rằng thầy cô chỉ làm nhiệm vụ tư vấn, còn quyền quyết định là của cha mẹ học sinh” - bà Oanh nói.
Cô giáo chủ nhiệm sau đó cũng khẳng định các phụ huynh đang hiểu sai, hiểu lầm, nghĩ là cô không cho học sinh thi trong khi thực tế cô vẫn nhận đơn đăng ký của học sinh và nói rõ nếu như học sinh đủ điều kiện xét tốt nghiệp thì các em sẽ được thi vào lớp 10, nếu chưa tốt nghiệp thì sang năm các em sẽ thi sau.
Ngày 26/4, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có công văn gửi Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, thị xã; yêu cầu xử lý nghiêm nếu có tình trạng này. Đồng thời, quán triệt, chỉ đạo văn bản tới tất cả các trường THCS trên địa bàn chấm dứt ngay việc vận động, tuyên truyền học sinh không đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT năm học 2023-2024 và các năm tiếp theo (nếu có).
Theo PGS.TS Trần Thành Nam (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội), giáo viên chỉ cung cấp cho phụ huynh số liệu khách quan về tình hình thi cử, số lượng chỉ tiêu, điểm mạnh và điểm yếu của từng học sinh và hỏi phụ huynh xem họ cảm thấy thế nào về những thông tin được chia sẻ và họ quyết định theo hướng nào, chuẩn bị phương án B ra sao. Ngay cả khi phụ huynh yêu cầu giáo viên đưa ra lời khuyên trực tiếp về hành động cần thực hiện, giáo viên cũng nên khẳng định quyền quyết định thuộc về gia đình, cô giáo đã cung cấp hết tất cả những con số và sự thật về kỳ thi năm nay và tin rằng gia đình đã có suy nghĩ về một hướng lựa chọn tốt nhất.
PGS.TS Trần Thành Nam (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, một giáo viên với vị thế và quyền uy của mình đưa ra lời khuyên, định hướng tư vấn dựa trên những nhận định khách quan của thầy cô thì cũng đã cướp đi “quyền tự quyết” của học sinh. Gián tiếp phủ nhận cha mẹ không đủ năng lực để tự tìm ra đúng con đường đi cho con em mình. Và như vậy, phụ huynh của học sinh phản ứng là việc khó có thể tránh khỏi. Giáo viên chỉ nên cung cấp các số liệu và sự thực khách quan, cẩn trọng trong việc đưa ra lời khuyên.