Cơ hội kinh doanh dần trở lại
Sau 3 tháng giảm nhẹ, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 4/2023 đã bật tăng trở lại… Nhiều ý kiến lạc quan cho rằng, cơ hội kinh doanh đang dần trở lại khi các chính sách hỗ trợ lãi suất, giãn, hoãn thuế… bắt đầu được thẩm thấu?
Những tín hiệu tích cực
Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 4/2023, cả nước có gần 16 nghìn doanh nghiệp (DN) thành lập mới với số vốn đăng ký là 154,6 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký gần 119,1 nghìn lao động, tăng 12,3% về số DN, tăng 6,2% về vốn đăng ký và tăng 28,5% về số lao động so với tháng 3/2023. Vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới trong tháng đạt 9,7 tỷ đồng, giảm 5,4% so với tháng trước và giảm 11,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, cả nước có 49,9 nghìn DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 465 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký 331,4 nghìn lao động, tăng 0,6% về số DN, giảm 26,8% về vốn đăng ký và giảm 4,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Tình hình kinh tế - xã hội của nước ta đã trải qua 4 tháng đầu năm nhiều khó khăn và thách thức. Nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, nhiều giải pháp đã được đưa ra. Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương đã có nhiều hoạt động như gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính; tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp;…nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp và người sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, công điện và chỉ thị về việc đẩy mạnh sản xuất - tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh xuất khẩu...Bộ Tài chính cũng đã đề xuất với cấp có thẩm quyền giảm, gia hạn thuế, phí và tiền thuê đất áp dụng cho năm 2023 để giúp DN có vốn để kinh doanh.
PGS.TS Lê Xuân Trường - Trưởng Khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính), cho rằng, chính sách tài khóa đã hỗ trợ tích cực cho cộng đồng DN phục hồi sản xuất kinh doanh, dần chiếm lĩnh thị trường và phát triển trở lại. Có thể thấy, các nghĩa vụ thuế đối với DN là khá phù hợp, mức độ điều tiết từ thuế của Việt Nam so với các nước phát triển là tương đối thấp. Đặc biệt, việc tiếp tục duy trì chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu đã tạo điều kiện giảm chi phí sản xuất, kinh doanh cho DN.
Ông Trường cũng khẳng định, chính sách chi ngân sách và các giải pháp đẩy nhanh tiến độ chi đầu tư phát triển, một mặt tạo tiền đề phát triển kết cấu hạ tầng sớm cho nền kinh tế, mặt khác giữ vai trò quan trọng là “vốn mồi” thúc đẩy các DN phục hồi và phát triển.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho rằng, xu hướng tăng trưởng kinh tế Việt Nam thường là thấp trong quý I, gia tăng dần ở quý II sau đó bứt phá ở nửa cuối năm. Năm 2023, kinh tế Việt Nam vẫn có thể đi theo xu hướng này. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới hiện nay, kinh tế quý II tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, chưa thể tăng trưởng bứt phá nhưng sẽ cải thiện hơn so với quý I.
Cơ hội liên kết
Ngày 3/5, trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Tuấn Ngọc- Giám đốc một DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nói rằng: “Thời gian này, DN của chúng tôi đang hoạt động thu mua chanh leo và chế xuất thành phẩm nên rất cần nguồn vốn lưu động lớn. Dù khó khăn nhưng chúng tôi vẫn nhận thấy ngành nông nghiệp có nhiều cơ hội khi các thị trường lớn như châu Âu, châu Mỹ vẫn đang mở ra”.
Trong khi đó giới chuyên gia thì cho rằng, rất nhiều nhà đầu tư tìm đến thị trường Việt Nam và đây chính là cơ hội để DN nội có thể liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài mở ra cơ hội kinh doanh mới. Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ TP Hà Nội nói rằng, sau 2 năm ảnh hưởng đại dịch Covid – 19, DN đã đẩy mạnh kinh tế số, áp dụng công nghệ truyền thông, đưa ra rất nhiều giải pháp tối ưu để DN tiếp cận các tệp khách hàng. Như vậy, cơ hội kinh doanh cũng được mở ra.
Tại hội thảo “Hiệp định UKVFTA - Thương mại xanh và công bằng với Việt Nam” vừa diễn ra, ông Nguyễn Cảnh Cường - Tham tán thương mại Việt Nam tại Vương quốc Anh cho rằng, các DN Việt Nam nhìn thấy những cơ hội mới trong thương mại xanh với thị trường Anh. Đó là triển vọng xuất khẩu các sản phẩm sắt thép được sản xuất theo công nghệ phi carbon hoá. Vì vương quốc Anh đi đầu trong chuyển đổi sản xuất thép theo công nghệ này. Các DN thép Việt Nam được hưởng lợi từ Chương trình phi các bon hoá trong khuôn khổ hợp tác giữa Vương quốc Anh và các nước ASEAN để thúc đẩy sản xuất thép ít sử dụng năng lượng và giảm thiểu phát thải.
Bên cạnh đó là cơ hội xuất khẩu các sản phẩm gia dụng và thiết bị sử dụng tiết kiệm điện như: Tủ đá, máy giặt, bóng đèn... Cơ hội xuất khẩu các sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm làm từ vật liệu tự nhiên gồm từ tre, nứa, sản phẩm cách nhiệt làm từ vật liệu tái chế đang có nhu cầu sử dụng lớn trong ngành xây dựng của Anh.
Nhiều giải pháp trọng tâm
Theo ông Mạc Quốc Anh, DN đánh giá cao nỗ lực của cơ quan quản lý nhằm tạo các điều kiện kinh doanh cho DN. Tuy nhiên, vẫn còn những băn khoăn về tính thực chất của hoạt động này. Bởi còn nhiều quy định gia tăng chi phí kinh doanh bất hợp lý cho DN.
TS. Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, các kết quả cải cách vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư, DN. Gánh nặng chính sách đối với DN tồn tại dưới nhiều hình thức, thể hiện qua nhiều bất cập khác nhau. Có những vấn đề kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết.
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN ổn định sản xuất, kinh doanh, hồi phục và tạo đà phát triển trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần thực hiện một số giải pháp hỗ trợ tăng tính thanh khoản cho DN như: Tiếp tục chính sách giãn, hoãn thời gian nộp thuế cho DN; giảm thuế, phí, các khoản phải nộp; cắt giảm chi phí cho DN; thực hiện chính sách cấp bù lãi suất cho các DN trong những ngành nghề bị tác động mạnh bởi dịch bệnh Covid-19 và những nhóm ngành trọng tâm ưu tiên phát triển để tạo đà phục hồi cho kinh tế.
Còn chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh thì cho rằng, cần hỗ trợ tái cấu trúc DN, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong DN, nâng cao năng lực cạnh tranh bền vững.
Giới chuyên gia đều có chung nhận định cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng thuận lợi cho DN như: Rà soát, sửa đổi các quy định chồng chéo, mâu thuẫn để tháo gỡ vướng mắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Công khai, minh bạch các định hướng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các cơ chế chính sách để định hướng cho DN đầu tư theo quy hoạch, kế hoạch phát triển và bảo đảm quyền lợi đầu tư, giảm rủi ro kinh doanh. Tạo điều kiện để DN tiếp cận bình đẳng các nguồn lực phát triển, nhất là trong việc thực hiện các dự án, công trình theo hình thức hợp tác công - tư.
Theo TS Trần Du Lịch - Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nếu nhìn tổng thể, năm 2023 có thể có nhiều khó khăn nhưng Việt Nam vẫn có triển vọng rất lớn. Xuất khẩu nông sản, thủy sản năm nay chắc chắn sẽ giữ vững phong độ tăng trưởng khi chúng ta gỡ được khá nhiều rào cản từ việc tham gia ký kết các hiệp định FTA. Thu hút FDI của 2022 cũng khá tốt, nhiều dự án được triển khai trong 2023 sẽ tác động tích cực tới nền kinh tế...
Để gỡ khó cho các hoạt động tiêu thụ sản phẩm xuất khẩu, mở rộng thị trường, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cũng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ chú trọng làm tốt công tác thông tin thị trường, nhất là thị trường tiềm năng. Bên cạnh đó, đổi mới, nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, đặc biệt là thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm thúc đẩy các chuỗi cung ứng, liên thông, mở rộng thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu; đồng thời cần tiếp tục theo sát diễn biến của kinh tế thế giới nhất là chính sách và động thái chính sách mới của các nước lớn, các nước có tầm ảnh hưởng…. để tham mưu, tư vấn, phản ứng chính sách phù hợp.
Dự kiến quý II/2023, có 44,1% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý I/2023; 35,3% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và chỉ 20,6% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn. Theo ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, một mong muốn quan trọng của cộng đồng DN là sự ổn định môi trường pháp lý để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân. Đối với các dự án đầu tư lớn, thực hiện trong thời gian dài, các nhà đầu tư luôn đòi hỏi tính ổn định và khả năng dự đoán của môi trường pháp lý để quyết định liệu có đầu tư hay không.