Cẩn trọng với bài toán học phí
Một trong 3 yếu tố cần được quan tâm khi thí sinh chọn ngành, chọn trường đại học (ĐH) để ứng tuyển đó là học phí. Năm nay, dự kiến học phí các trường ĐH có sự điều chỉnh tăng sau 2 năm trì hoãn vì dịch Covid-19.
Tăng học phí cần minh bạch
Hiện nhiều trường ĐH, học viện đã công bố đề án tuyển sinh năm học 2023-2024, trong đó một số trường thông báo dự kiến tăng 10-20% học phí so với năm học trước. Tuy nhiên, vấn đề nhiều người băn khoăn đó là cách tính học phí của từng trường rất khác nhau. Đơn cử, có trường tính theo tháng, theo học kỳ, có trường tính theo từng tín chỉ, khiến các bậc phụ huynh khó có được cái nhìn toàn cảnh về mức học phí của trường so với các trường đào tạo cùng khối ngành đó.
Các chuyên gia tuyển sinh lưu ý, khi cân nhắc chọn ngành, chọn trường, với bài toán học phí, phụ huynh cần nhận diện rõ, nếu cùng một trường, cùng một khối ngành thì chương trình chất lượng cao, chương trình tiên tiến luôn có mức học phí cao hơn hẳn so với chương trình chuẩn. Chẳng hạn, Trường ĐH Ngoại thương thông báo mức học phí chênh lệch của 3 chương trình chuẩn - chất lượng cao - tiên tiến lần lượt theo năm đối với mỗi sinh viên vào trường là từ 22-45 triệu đồng và 70 triệu đồng.
Một điểm đáng lưu ý nữa là đối với các trường tự chủ tài chính, mức học phí cũng được xác định cao hơn so với các trường chưa tự chủ. Theo TS Võ Đức Toàn (Trường ĐH Sài Gòn), các trường công lập chưa tự chủ tài chính có mức học phí trung bình khoảng từ 9-11 triệu đồng/năm (số liệu năm học 2022-2023). Trong khi đó, học phí ĐH hệ đại trà bình quân khi các trường ĐH tự chủ tài chính dao động từ 19-25 triệu đồng/năm, như vậy học phí sẽ tăng hơn 2 lần so với chưa tự chủ tài chính. Đây là một vấn đề đáng quan tâm đối với đại đa số người dân có thu nhập thấp, hộ nghèo và cận nghèo.
Tìm kiếm cơ hội học bổng, vay tín dụng sinh viên
Cơ sở pháp lý để các trường thực hiện là Nghị định 81 của Chính phủ về quản lý học phí. Trong giai đoạn 2022 - 2026, các trường ĐH tự chủ tài chính có mức học phí tối đa dao động từ 3-8 triệu đồng/tháng. Mức học phí này có thể cao hơn thu nhập bình quân đầu người ở nước ta.
Đáng chú ý nữa là theo quy định, mức học phí các trường có thể tăng hàng năm là 10% - 15% theo lộ trình được các trường công bố. Vì vậy, người học cần cân nhắc về việc càng những năm sau, học phí ĐH sẽ càng tăng để tránh sốc khi chọn trường cũng như dự trù kinh phí để trang trải.
Về lâu dài, TS Võ Đức Toàn đề nghị trong thời gian tới, Chính phủ và các cơ quan liên quan cần nghiên cứu chỉnh sửa, bổ sung các quy định liên quan đến hỗ trợ tài chính đối với người học để giúp họ an tâm hơn, nỗ lực hơn trong quá trình học tập và các trường cũng an tâm hơn khi chuyển sang cơ chế tự chủ tài chính. Hiện đã có quy định về việc cho vay đối với người học. Tuy nhiên, không phải tất cả người học đều được vay, mà chỉ có những sinh viên thuộc diện khó khăn mới được vay, điều này làm hạn chế khả năng học tập của sinh viên.
Từ phía nhà trường, ThS Trần Thúy Trâm Quyên - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (HIU) cho rằng, thí sinh cần tận dụng các cơ hội xét tuyển sớm để tăng khả năng trúng tuyển và nhận học bổng từ các trường để giảm chi phí học tập. Đặc biệt, với đào tạo ngành Y Dược thường có học phí cao hơn vì thế thí sinh nên “săn” học bổng của trường, có những suất học bổng lên đến hàng trăm triệu đồng.
Thực tế đã có những thí sinh phải đứt gánh giữa đường vì mức học phí quá cao của trường ĐH, gia đình không gánh nổi chi phí. Cũng có những thí sinh đắn đo khi chọn trường này thay vì trường kia do mức học phí chênh lệch là chuyện bình thường bởi nếu điều kiện tài chính của gia đình không dư giả, phải vừa học vừa làm, quá vất vả sẽ khó đáp ứng được chất lượng học tập, dẫn tới việc dù sở hữu tấm bằng ĐH nhưng có thể kiến thức chuyên ngành không xuất sắc, khó tìm việc làm như ý. “Liệu cơm gắp mắm” là lời khuyên với tất cả các thí sinh ở thời điểm này.