Giải bài toán tinh giản cơ học
Mới đây, trong tờ trình gửi Chính phủ liên quan đến dự thảo Nghị định quy định về tinh giản biên chế để thay thế các Nghị định cũ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết: Theo số liệu kiểm tra tinh giản biên chế đến ngày 31/12/2022 thì các bộ, ngành, địa phương đã tinh giản được 79.178 người; trong đó khối bộ, ngành là 5.511 người; khối địa phương là 73.667 người. Một kết quả không thể tốt hơn.
Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Nội vụ cũng đã thẳng thắn nhìn nhận: Kết quả tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021 tuy đạt về chỉ tiêu số lượng nhưng chưa thực sự gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Nói như vậy cũng có nghĩa, tinh giản biên chế dường như mới dừng ở giảm một cách cơ học- tức là mới đạt được chỉ tiêu, định mức nhưng rất có thể lại tinh giản nhầm những người tài đang muốn ra khỏi khu vực công và tìm kiếm cho mình một cơ hội mới, tốt hơn; hoặc những người vì lý do nào đó mà chưa nhận được sự khách quan trong đánh giá xếp loại và vô hình chung trở thành đối tượng tinh giản.
Sự thẳng thắn đáng lưu tâm từ cơ quan quản lý công tác cán bộ của Chính phủ đã cho chúng ta thấy một vài điểm cần lưu ý trong chính sách cũng như trong thực thi công tác tinh giản biên chế. Lý giải về vấn đề này thì có nhiều. Do công tác rà soát, đánh giá công chức, viên chức vẫn còn là khâu yếu, chưa thực sự chặt chẽ, khách quan. Rồi do cả cán bộ, công chức, viên chức, do muốn ra khỏi khu vực công mà lại không thuộc đối tượng tinh giản do đó, họ làm việc cầm chừng để “được” xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ và rơi vào đối tượng tinh giản- báo cáo của Bộ Nội vụ chỉ ra một số nguyên nhân.
Điều đó cho thấy, công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức vẫn chưa phản ánh đúng thực chất nên mục tiêu đưa ra khỏi đội ngũ những người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện và không đáp ứng được yêu cầu công việc nhiều nơi, nhiều lúc không đạt được. Bên cạnh đó, việc xác định vị trí việc làm cũng chưa thực sự thống nhất giữa các bộ, ngành, địa phương nên cơ sở để cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm chưa đạt kết quả.
Việc tinh giản một cách cơ học không phải bây giờ mới được đề cập đến. Còn nhớ, tại kỳ họp Quốc hội khóa XIV nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ lo lắng trước tình trạng cắt giảm biên chế một cách cơ học theo kiểu, cứ sáp nhập là giảm trên số lượng, nhất là với một số lĩnh vực, ngành nghề đang rất thiếu chỉ tiêu biên chế như ngành Giáo dục. Đến kỳ họp Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đem băn khoăn này gửi tới Bộ trưởng Bộ Nội vụ với phân tích: Việc thực hiện tinh giản ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước hiện nay chưa tính tới yếu tố vùng, miền và chủ yếu tập trung vào lĩnh vực giáo dục, y tế do tỷ lệ biên chế hai ngành này chiếm trên 90% tổng biên chế viên chức của các địa phương là chưa thực sự hợp lý. Trong khi đó các tỉnh miền núi, biên giới với đặc thù về vị trí địa lý, địa hình, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, việc đẩy mạnh cơ chế tự chủ cũng như thực hiện xã hội hóa hai lĩnh vực này rất khó thực hiện, dẫn đến ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ý kiến của đại biểu Vương Thị Hương (đoàn Hà Giang) là một trong những ý kiến cho thấy mặt trái của giảm biên chế một cách cơ học và sự ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, an sinh xã hội của một vùng khó khăn.
Trả lời đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, để khắc phục tình trạng giảm biên chế một cách cơ học và đảm bảo tinh gọn, chất lượng, hiệu lực, hiệu quả thì cần tiếp tục thực hiện giải pháp sắp xếp lại tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp cũng như đơn vị hành chính. Đây là mục tiêu phải thực hiện- bà Trà nói. Và, việc xây dựng một Nghị định mới liên quan vấn đề này cũng là lộ trình, giải pháp để thực hiện hiệu quả hơn tinh giản biên chế.
Như vậy cho thấy, phải có lời giải rất căn cơ cho bài toán giảm biên chế mới giúp cho biên chế tinh gọn nhưng hiệu quả.