Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Tăng niềm tin cho người lao động
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Nguyễn Bá Hoan khẳng định, mục tiêu của việc cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) lần này là để BHXH thực sự là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững.
Nhiều điểm tiến bộ
Mặc dù vẫn còn những quy định khiến nhiều người băn khoăn nhưng theo đánh giá dự thảo Luật BHXH sửa đổi có nhiều quy định tiến bộ, ưu việt hướng đến bảo vệ quyền lợi cho người lao động khi tham gia BHXH. Một trong những đề xuất nhận được sự đồng tình lớn từ chuyên gia cũng như của người lao động, doanh nghiệp tại dự thảo Luật BHXH sửa đổi đó là đề xuất giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn, hoặc tham gia không liên tục dẫn đến số năm đóng thấp.
Đánh giá về đề xuất này, ông Robert Palacios - Chuyên gia kinh tế trưởng, Ban An sinh xã hội (Ngân hàng thế giới Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương) cho rằng, việc giảm số năm tham gia tối thiểu để đủ điều kiện nhận lương hưu, được gọi là quy tắc trao quyền, sẽ giúp nhiều người lao động có cơ hội nhận lương hưu hơn. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho những người lao động có quá trình tham gia BHXH bị gián đoạn, hoặc những người tham gia muộn.
Điều chỉnh thời gian đóng cũng sẽ giúp cho nhiều người có cơ hội nhận lương hưu, nhất là từ khu vực tư nhân. Chẳng hạn, năm 2019 có 11,3 triệu lao động từ khu vực tư nhân tham gia BHXH bắt buộc, nhưng số người hưởng hưu trí từ khu vực này chỉ là 177.000 người. “ Quy định 15 năm cũng là tương đối phù hợp hơn với kinh nghiệm quốc tế” - ông Palacios nhấn mạnh.
Theo ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), đây là một đề xuất, chính sách được người lao động rất ủng hộ. Bởi nó đáp ứng, đảm bảo an sinh cho người lao động và tiến tới tăng độ bao phủ cho nhiều người hưởng chế độ hưu trí. Đặc biệt đối với những người lao động tham gia vào thị trường lao động muộn, những người có thời gian đóng BHXH không liên tục vẫn sẽ có cơ hội được nhận chế độ này.
Cùng với quy định trên để chính sách hấp dẫn hơn, tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), các cơ quan chức năng đề xuất mở rộng, bổ sung chế độ, tăng quyền lợi cho người tham gia BHXH tự nguyện.
Tăng quyền lợi cho người dân khi tham gia BHXH
Đánh giá về những nội dung của Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân cho rằng, thực ra BHXH còn nhiều vấn đề như đóng – hưởng thế nào, bảo đảm an toàn quỹ ra sao... Tuy nhiên, thực tế cho thấy với quy định đóng BHXH 20 năm thì có những người lao động rất khó để đủ điều kiện hưởng lương hưu. Khi giảm số năm đóng BHXH thì tốt hơn cho người lao động, đây là cách xử lý tình huống. Nhưng, bây giờ, đóng thời gian ít hơn mà hưởng tỷ lệ phần trăm nhiều thì an ninh của quỹ BHXH không bảo đảm bền vững. Vì thế, cần phải tính tiếp vấn đề này.
Cũng theo ông Huân, cải cách BHXH là bảo đảm công bằng hơn, cân bằng giữa hiện tại và lâu dài, chứ không phải là tốt hơn ngay được. Vì thế, khi bản thân người lao động có việc làm, thu nhập thì tích lũy đóng góp dần thành quỹ để đến lúc hết tuổi lao động có số năm đóng BHXH nhiều, hưởng tỷ lệ % cao thì có nguồn đó để sống, cũng như đảm bảo an sinh xã hội.
Trước những ý kiến băn khoăn xung quanh các quy định, đề xuất tại Dự thảo BHXH sửa đổi Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Bá Hoan cho biết, mục tiêu hàng đầu của lần sửa luật này là tăng quyền lợi cho người tham gia. Cụ thể, bổ sung quyền hưởng các chế độ ốm đau, thai sản với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn. Theo quy định hiện hành, nhóm này mới chỉ được hưởng 2 chế độ là hưu trí và tử tuất. Người lao động tham gia BHXH tự nguyện khi sinh con có cơ hội hưởng trợ cấp thai sản mà không phải đóng thêm tiền, nguồn kinh phí chi trả trợ cấp do ngân sách nhà nước bảo đảm. Dự thảo cũng nghiên cứu điều chỉnh giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi, đồng thời tích hợp trợ cấp hưu trí xã hội trở thành một tầng trong hệ thống BHXH đa tầng. Người dân khi hết tuổi lao động mà có thời gian đóng quỹ BHXH sẽ được lựa chọn hưởng trợ cấp hưu trí sớm hơn độ tuổi 75 tuỳ thuộc thời gian tham gia người lao động tích luỹ được...
“Việc sửa đổi Luật BHXH lần này cũng là dịp thể chế hóa các nội dung cải cách chính sách bảo hiểm của Nghị quyết 28 của Trung ương nhằm xây dựng hệ thống bảo hiểm đa tầng, mở rộng diện bao phủ, hướng tới mọi người khi hết tuổi lao động đều được nhận lương hưu hàng tháng hoặc trợ cấp hưu trí xã hội...” - ông Hoan khẳng định.
Theo Bộ LĐTB&XH, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) được thiết kế gồm 9 Chương, 133 Điều (nhiều hơn 8 Điều so với Luật hiện hành). Dự thảo sửa đổi tập trung vào 5 nhóm chính sách lớn đã được Chính phủ, Quốc hội thông qua, với nhiều nội dung lớn. Từ ngày 1/3/2023, Ban soạn thảo lấy ý kiến các ban, bộ, ngành, địa phương, đăng website; từ tháng 5/2023 gửi Bộ Tư pháp thẩm định; tháng 6/2023 - trình Chính phủ; tháng 7/2023 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tháng 10/2023 Quốc hội sẽ cho ý kiến thảo luận lần đầu.