Nghiên cứu khoa học - Kim chỉ nam phát triển của BSR
Đối mặt với nhiều khó khăn về biến động thị trường, nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu, cạnh tranh năng lượng... trong lĩnh vực lọc hóa dầu, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn đã xác định nghiên cứu khoa học là giải pháp chiến lược trong việc tối ưu hóa công suất; đảm bảo sản xuất an toàn, ổn định; giảm tiêu hao năng lượng và đảm bảo yếu tố môi trường, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh và phát triển bền vững của đơn vị.
Nghiên cứu để phát triển
Bắt đầu từ cuối năm 2014, thị trường lọc hóa dầu có những bất thường về giá, tác động lớn đến hiệu quả sản xuất của ngành lọc dầu trên thế giới. Ngoài ra, các hiệp định thương mại tự do bắt đầu có hiệu lực, buộc BSR xác định phải tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, thách thức mới.
BSR nhận định, sự cạnh tranh sản phẩm xăng dầu của thị trường Việt Nam ngày càng khốc liệt khi nước ta hội nhập nền kinh tế thế giới, thông qua các hiệp định thương mại tự do. Thị trường dầu thô trên thế giới lúc bấy giờ cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi nhuận của Nhà máy, do chi phí nguyên liệu dầu thô chiếm tới 94-95% tổng chi phí hoạt động của BSR.
Giai đoạn 2015–2019, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đối mặt với rất nhiều khó khăn do nguy cơ không đủ nguyên liệu dầu thô cho hoạt động ổn định bởi nguồn dầu thô Bạch Hổ ngày càng suy giảm về sản lượng cũng như chất lượng. Bên cạnh đó, giá dầu và sản phẩm biến động mạnh và liên tục dẫn đến hiệu quả của NMLD Dung Quất sụt giảm liên tục. Ngoài ra, những diễn biến bất thường của thị trường dầu thô trên thế giới do nhiều nguyên nhân khác nhau cũng đặt ra bài toán đối với BSR trong việc “bắt đáy” giá dầu thô.
Xác định mục tiêu nghiên cứu, sáng tạo là chủ chốt để tối ưu hóa vận hành sản xuất của NMLD Dung Quất, BSR quyết tâm đẩy mạnh và phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào quá trình sản xuất. Mục đích của BSR là nâng cao hiệu quả vận hành, sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh của BSR.
Giai đoạn 2015-2019, BSR tập trung nghiên cứu tối ưu hóa và thực hiện trên toàn bộ dây chuyền công nghệ, công trình của NMLD Dung Quất. BSR hướng đến tập trung vào các khâu trọng yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn vận hành, chi phí sản xuất, hiệu quả kinh doanh như nguyên liệu dầu thô đầu vào, sản phẩm, công suất chế biến, điều kiện vận hành và tiêu thụ năng lượng. Các chỉ số về môi trường cũng được cải thiện, mang lại lợi ích kinh tế cho BSR hơn 4.200 tỷ đồng (tương đương 194 triệu USD).
Mục tiêu của các công trình nghiên cứu tại BSR được định hình từ đa dạng hóa và hợp lý tính chất hóa nguồn nguyên liệu dầu thô để thay thế một phần hoặc thay thế hoàn toàn dầu thô Bạch Hổ trong điều kiện thị trường dầu thô biến động từng ngày. Qua đó, đảm bảo luôn đủ nguyên liệu cho Nhà máy hoạt động ổn định và hiệu quả. Bên cạnh đó, việc tối ưu hóa, đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm tại BSR cũng sẽ tạo ra được nhiều chủng loại sản phẩm mới trong điều kiện hạn chế thay đổi lớn về cấu hình công nghệ Nhà máy hiện hữu. Công tác tiết giảm chi phí vận hành sản xuất trong điều kiện năng suất và chất lượng sản phẩm luôn đáp ứng nhu cầu của thị trường cũng giúp BSR tăng lợi nhuận chế biến và giảm giá thành sản phẩm.
Nghiên cứu khoa học giúp làm lợi hàng nghìn tỷ đồng
Nổi bật nhất trong công tác nghiên cứu khoa học tại BSR thời gian qua là cụm công trình “Các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ tối ưu hóa quá trình sản xuất của NMLD Dung Quất nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của BSR”. Cụm công trình vinh dự được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ vì đã góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Cụm công trình cũng góp phần làm giảm chỉ số tiêu thụ năng lượng EII của Nhà máy từ mức 118% trong năm 2014 xuống mức 103-106% trong các năm 2018, 2019 (theo tính toán giảm 1% chỉ số EII đã tiết kiệm được khoảng 2,6 triệu USD/năm). Tổng chi phí sản xuất của Nhà máy giảm dần từ mức 7,1 USD/thùng dầu trong năm 2014 xuống còn 4,9 USD/thùng dầu trong năm 2019 (tiết kiệm tương ứng khoảng 24-43 triệu USD/năm). Tổng hiệu quả kinh tế của cụm công trình tính đến ngày 31/12/2019 là 4.270 tỷ đồng.
Trong phong trào nghiên cứu, sáng tạo, ông Nguyễn Văn Hội, Chủ tịch HĐQT BSR là người tích cực tham gia và đồng thời là đại diện trong cụm công trình mới được trao tặng giải thưởng Khoa học và Công nghệ cấp Nhà nước.
Ông Hội cho biết: “Trong giai đoạn từ 2015 đến hết 2019, chỉ tính riêng các sáng kiến trong cụm 16 công trình “Các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ tối ưu hóa quá trình sản xuất của NMLD Dung Quất nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của BSR” đã đem lại lợi ích kinh tế hơn 4.200 tỷ đồng. Từ thời điểm 2021 trở đi, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng nổ, cùng với sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường xăng dầu và các yêu cầu về nâng cao chất lượng sản phẩm, Công ty được dự báo bước vào giai đoạn rất khó khăn. Do vậy, công tác nghiên cứu khoa học, sáng kiến, sáng tạo càng cần được đẩy mạnh để đưa ra những giải pháp giúp Công ty tiết kiệm, vượt khó”.
Những thành tựu khoa học, kinh nghiệm nghiên cứu ứng dụng và phát triển khoa học và công nghệ của Cụm công trình đã nhận được nhiều giải thưởng, trong đó có 14 giải pháp được công nhận sáng kiến cấp Tập đoàn, 9 giải pháp đạt Giải thưởng Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC), 4 giải pháp đạt Giải thưởng Quốc tế về khoa học công nghệ (SIIF) do Hiệp hội Thúc đẩy sáng chế Hàn Quốc (KIPA) trao tặng; đạt giải A, Giải thưởng Khoa học và Công nghệ Dầu khí lần thứ II năm 2020 và 5 giải pháp được công bố trên Sách vàng sáng tạo Việt Nam.
Bên cạnh Cụm công trình làm lợi hơn 4.200 tỷ đồng, BSR còn có các công trình đạt giải thưởng VIFOTEC trong những năm 2019-2022. Với những kết quả đạt được, BSR tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến để đảm bảo tối ưu hóa trong vận hành, công nghệ, năng lượng và phát triển sản phẩm. Qua đó, khẳng định “chìa khóa” định vị thương hiệu BSR có sự đóng góp quan trọng từ công tác nghiên cứu, sáng tạo của chính người lao động NMLD Dung Quất.