Thí sinh lưu ý gì khi thi đánh giá năng lực Trường Đại học Sư phạm Hà Nội?
Kỳ thi đánh giá năng lực do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 6/5. So với năm ngoái, số lượng thí sinh dự thi năm nay tăng gấp đôi.
Hơn 4.600 thí sinh thi
Năm 2022 là năm đầu tiên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển đại học với mục tiêu đa dạng hóa phương thức tuyển sinh, gia tăng cơ hội trúng tuyển vào trường. Kỳ thi này cũng được cho là phân loại tốt hơn năng lực của thí sinh để tuyển chọn được các tân sinh viên phù hợp với từng ngành đào tạo.
Năm ngoái, gần 2.400 thí sinh dự thi 2 đến 4 bài thi đánh giá năng lực trong số 8 bài gồm: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý. Trong đó, đề Ngữ văn 30% câu hỏi trắc nghiệm về ngôn ngữ và 70% tự luận. Các môn còn lại có 70% câu hỏi trắc nghiệm và 30% tự luận.
Ở năm thứ 2 tổ chức, theo Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023 có hơn 4.600 thí sinh đã đăng ký dự thi, gấp đôi so với năm trước.
Trong đó, có 2.912 thí sinh đăng ký dự thi môn Toán; 2.876 thí sinh thi môn Ngữ Văn; 2.248 thí sinh thi môn Tiếng Anh; 902 thí sinh thi môn Vật lí; 832 thí sinh thi môn Hoá học; 88 thí sinh thi môn Sinh học; 1.010 thí sinh thi môn Lịch sử; 289 thí sinh thi môn Địa lý.
Các thí sinh sẽ tham gia thi đánh giá năng lực do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức vào ngày 6/5 với năm ca thi. Ca 1 thi Toán (90 phút). Ca 2 thi Ngữ văn (90 phút) và Tiếng Anh (60 phút). Ca 3 thi Vật lý (60 phút) và Lịch sử (60 phút). Ca 4 thi Hóa học (60 phút) và Địa lý (60 phút). Ca 5 thi Sinh học (60 phút) và Tiếng Anh (60 phút).
Cụ thể các ca thi như sau:
Thí sinh lưu ý gì?
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội dự kiến tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023 với nhiều điểm thay đổi và mở rộng phạm vi.
Năm nay, kỳ thi được tổ chức tại 5 điểm thi. Trong đó có 4 điểm thi được tổ chức trong khuôn viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 1 điểm thi (gồm 2 phòng thi) được tổ chức tại Trường Đại học Quy Nhơn.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội yêu cầu thí sinh có mặt tại điểm thi trước 30 phút để làm thủ tục dự thi. Thí sinh bắt buộc đeo khẩu trang trong suốt quá trình thi, chỉ bỏ khẩu trang khi cán bộ coi thi đối chiếu gương mặt thí sinh với ảnh chụp trên căn cước công dân và hồ sơ dự thi.
Thí sinh lưu ý chỉ được mang vào phòng thi: Bút viết, bút chì, compa, thước kẻ, thước tính, máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ, Atlat Địa lý Việt Nam đối với môn thi Địa lý (không có đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung nào khác).
Những vật dụng không được mang vào phòng thi gồm: Giấy than, bút xoá, đồ uống có cồn, vũ khí và chất gây nổ, gây cháy, tài liệu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi, các loại máy ghi âm, ghi hình, truyền, nhận được thông tin, tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, so với năm ngoái, thí sinh có thể sử dụng kết quả thi này để đăng ký vào các trường đại học khác.
Hiện trên cả nước có 8 trường đại học sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức để xét tuyển đại học năm 2023, gồm: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Trường Đại học Quy Nhơn.
Về đề thi, nhà trường cho biết, nội dung các bài thi tương ứng và phù hợp với nội dung các môn học, môn thi cấp THPT mà học sinh đã quen thuộc; thí sinh làm bài thi trực tiếp trên giấy. Đề thi có kết hợp trắc nghiệm và tự luận với tỉ lệ điểm phù hợp tùy theo bài thi, bao gồm các câu hỏi đánh giá mức độ thông hiểu kiến thức cốt lõi và năng lực lập luận, phân tích, đánh giá, giải quyết vấn đề và sáng tạo.
Cấu trúc các bài thi và thời gian làm bài cụ thể như sau:
Trường sẽ tăng tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực 2023 lên khoảng 20-30% tuỳ từng ngành.
Ngoài ra, trường cũng sử dụng 4 phương thức khác như năm ngoái, gồm: Xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển thẳng học sinh tham gia các đội tuyển học sinh giỏi, học sinh trường chuyên, có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học quốc tế; xét học bạ THPT; xét kết hợp học bạ và kết quả thi năng khiếu với một số ngành.
Theo Quy chế thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trường sẽ công khai đề thi và đáp án trên Cổng thông tin của trường sau khi ca thi cuối cùng kết thúc.
Kết quả thi sẽ được công bố trước ngày 1/6/2023. Thí sinh có thể tra cứu kết quả thi trên cổng thông tin của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Nhà trường cũng lưu ý, thí sinh được nhận giấy chứng nhận kết quả thi từ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (trực tiếp hoặc qua bưu điện). Sau đó, thí sinh cần nộp giấy chứng nhận cho trường đại học có sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội để xét tuyển.