Lừa đảo qua mạng vẫn nhức nhối
Khi các giao dịch qua mạng ngày càng phổ biến, những chiêu trò lừa đảo người dùng xuất hiện ngày càng nhiều với thủ đoạn ngày càng tinh vi... Dù đã tăng cường cảnh giác, nhiều nạn nhân vẫn rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo.
Cảnh giác với những cuộc gọi rác
Theo ông Ngô Minh Hiếu (Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia - NCSC), các tin đồn hiện nay về việc nhận cuộc gọi rác bị mất tiền trong tài khoản ngân hàng là hoàn toàn sai sự thật và là tin giả. Rất nhiều người tạo dựng câu chuyện để câu views, câu likes sau đó bán hàng hoặc quảng cáo sản phẩm; một số thì họ không chia sẻ rõ và rành mạch câu chuyện dẫn đến nhiều người lầm tin và gây hoang mang.
Trên thực tế, kẻ lừa đảo có thể sử dụng phần mềm dịch vụ hoặc thiết bị hoặc SIM rác sau đó dùng những số điện thoại giả mạo này. Đôi khi họ còn tạo ra cuộc gọi thương hiệu giả mạo như FlashAI vừa qua và thường thì kẻ xấu gọi ngẫu nhiên đến các số điện thoại trên danh sách cũng như trên các cơ sở dữ liệu đã bị lộ lọt và công khai.
Khi có một người nào đó trả lời, kẻ lừa đảo sẽ giả danh mình là một nhân viên của ngân hàng hoặc tổ chức tài chính hoặc giả danh cơ quan chức năng để yêu cầu thông tin tài khoản hoặc dẫn dụ nạn nhân để chuyển tiền. Một số trường hợp nhẹ hơn thì người nghe điện thoại chỉ có thể bị mời chào đầu tư, bị làm phiền và nghe các quảng cáo rác.
Đây là một hình thức lừa đảo qua điện thoại phổ biến trong thời gian gần đây. Vì vậy, để việc bị lừa qua nghe điện thoại thì nạn nhân bắt buộc phải làm theo yêu cầu và hướng dẫn của kẻ lừa đảo như cung cấp thông tin tài khoản hoặc mã PIN để truy cập vào tài khoản ngân hàng, sau đó lợi dụng thông tin đó để “trộm tiền”. Kẻ lừa đảo thường sử dụng kỹ thuật để truy cập vào tài khoản ngân hàng của người khác và gây thiệt hại về tài sản. Mức độ vi phạm tài khoản có thể lớn hoặc nhỏ tùy thuộc vào số tiền trong tài khoản của người bị lừa.
Để tránh bị lừa đảo điện thoại, người dùng có thể giảm thiểu nguy cơ theo các cách sau: Không nghe các cuộc gọi từ các số điện thoại lạ không quen biết hoặc không rõ danh tính.
Không cung cấp thông tin nhạy cảm như mã PIN, số tài khoản hay mật khẩu khi nhận cuộc gọi không mong muốn từ các tổ chức tài chính, ngân hàng hoặc cơ quan chức năng.
Luôn theo dõi tài khoản ngân hàng và báo cáo với ngân hàng ngay khi có bất kỳ hoạt động nghi ngờ nào trên tài khoản của mình.
Nếu gặp phải cuộc gọi lạ hoặc có hành vi lừa đảo, người dùng nên báo cáo số điện thoại lừa đảo, quấy rối, quảng cáo làm phiền... theo hướng dẫn của chongthurac.vn hoặc cú pháp “LD (Nguồn phát tán cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo) (nội dung cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo)” tới tổng đài 5656. Còn để phản ánh cuộc gọi rác, người dân soạn tin nhắn cú pháp “V (nguồn phát tán) (nội dung cuộc gọi rác) gửi 5656; phản ánh tin nhắn rác, soạn tin nhắn cú pháp “S (nguồn phát tán) (nội dung tin nhắn rác)” gửi tới đầu số 5656. Đồng thời thông báo cho cơ quan chức năng hoặc các tổ chức tài chính, ngân hàng để được hỗ trợ và tư vấn.
Lừa đảo đầu tư tài chính, cộng tác viên online
“Nạn nhân bị lừa như đầu tư liên quan tài chính online hoặc tham gia cộng tác viên việc làm online thì sẽ không bao giờ lấy lại được tiền” - Chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu khẳng định. Lý do được ông Hiếu phân tích là bởi hầu hết các web hay app lừa đảo đều vận hành ở nước ngoài và mọc lên như nấm mỗi ngày. Các đối tượng lừa đảo luôn sử dụng nhiều tài khoản ngân hàng giả mạo, sử dụng tiền mã hóa tiền ảo và chúng luôn dùng nick ảo, kèm hình ảnh profile giả mạo đánh cắp của người khác để nhằm tạo lòng tin và dẫn dụ. “Vì vậy, nếu bất kỳ ai khẳng định họ có thể giúp bạn lấy lại được tiền đều là lừa đảo, giả mạo” - ông Hiếu nhấn mạnh.
Trong một số trường hợp, có khả năng lấy lại được tiền (dù tỷ lệ phần trăm thấp) nhưng vẫn có thể, nếu nạn nhân báo cáo kịp thời cho ngân hàng một cách chi tiết thông tin về vụ việc mình bị lừa đảo như thế nào. Điều nạn nhân cần làm là chứng minh được mình là nạn nhân bị lừa mất tiền qua đường link độc hại lấy cắp thông tin tài khoản ngân hàng hoặc bị kẻ gian lừa gạt chuyển tiền online. Vì vậy, phải gọi ngay đến ngân hàng để khóa thẻ, cấp thẻ mới, đổi mật khẩu, mã PIN..., và sau đó nên làm việc trực tiếp tại trụ sở của ngân hàng để báo cáo ngay khi sớm nhất có thể.
Ngoài ra nếu bị trục lợi, lừa gạt, người dân cần nhanh chóng thông báo đến cơ quan Công an để được hướng dẫn, xử lý. Bên cạnh đó, các nạn nhân không nên giữ im lặng khi biết mình đã bị lừa và hãy lên tiếng chia sẻ để cảnh báo cho những người xung quanh.
Mối đe dọa từ Deepfake
Chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu cho biết, hiện nay đang tồn tại rất nhiều thủ đoạn lừa đảo trên mạng, tình trạng này ngày càng trở nên nhức nhối. Các hình thức lừa đảo này tuy không mới nhưng liên tục biến tướng và gia tăng không ngừng khiến nhiều nạn nhân vẫn tiếp tục sập bẫy. Theo đó, một trong những hình thức lừa đảo chủ yếu đang phổ biến hiện nay là cuộc gọi deepfake; cuộc gọi mạo danh; lừa đảo thông qua đầu tư liên quan tài chính online hoặc tham gia cộng tác viên việc làm online…
Phân tích về các thủ đoạn lừa đảo phổ biến này, ông Hiếu cho rằng: Deepfake là một thuật ngữ chỉ việc sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để tạo ra những video hoặc hình ảnh giả, sao chép chân dung người nổi tiếng hay những người khác và làm giả hình ảnh của họ để đánh lừa người xem rằng họ nói hoặc làm những điều mà họ không có làm trong thực tế.
Deepfake sử dụng các thuật toán học sâu như học máy (machine learning) và học sâu (deep learning) để học cách tạo ra một bức ảnh hoặc video giả hợp lý dựa trên dữ liệu đầu vào (như một bức ảnh hoặc video gốc). Điều này đòi hỏi một số kỹ năng chuyên môn về xử lý ảnh, học máy, học sâu và xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Nó cho phép người sử dụng tạo ra các video và hình ảnh giả mạo gần giống nhất có thể.
Một số dấu hiệu nhận biết về deepfake người dân có thể tham khảo như: Khuôn mặt của video thiếu tính cảm xúc và khá "trơ" khi nói, hoặc tư thế của họ trông lúng túng, không tự nhiên, hướng đầu và cơ thể của họ trong video không nhất quán với nhau. Những điều này có thể sẽ là điểm đáng nghi ngờ và nên dừng lại để suy nghĩ… Ngoài ra, âm thanh cũng là một vấn đề có thể nghi vấn trong video. Âm thanh sẽ không đồng nhất với hình ảnh, có nhiều tiếng ồn bị lạc vào clip hoặc clip không có âm thanh.
Cuối cùng, có thể xảy ra tình huống mà tài khoản chuyển tiền không phải của người đang thực hiện cuộc gọi. Và thường kẻ gian sẽ ngắt giữa chừng, lấy lí do là mất sóng, sóng yếu... Các yếu tố lạ như trên là “báo hiệu đỏ” của deepfake. Người dân nên luôn cảnh giác và tuyệt đối bình tĩnh để tránh bị kẻ xấu lợi dụng.
Theo ông Ngô Minh Hiếu (Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia - NCSC), cách tốt nhất để tránh bị làm giả deepfake thì người dùng nên hạn chế chia sẻ hình ảnh hay video cá nhân trên mạng xã hội; Luôn bảo mật tài khoản, Email của mình bằng mật khẩu có độ khó cao, bảo mật 2 bước bằng phần mềm như Microsoft Authenticator. Trong trường hợp phát hiện bị làm giả, nên thông báo ngay lập tức cho mọi người biết. Và báo lên cơ quan chức năng tại canhbao.ncsc.gov.vn hay báo lên dự án chongluadao qua website https://chongluadao.vn.
Luật sư Nguyễn Văn Đoàn - Hệ thống Luật sư X (Đoàn Luật sư TP Hà Nội):
Phối hợp để ngăn chặn
Thực tế ngày càng có nhiều hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn ra với những thủ đoạn tinh vi, sử dụng công nghệ thông tin, không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội. Số tiền chiếm đoạt được từ các “phi vụ này” rất lớn với không chỉ một mà của nhiều nạn nhân, ở nhiều nơi khác nhau do tính “không biên giới, không khoảng cách” mà mạng xã hội tạo ra.
Không những vậy, các thủ đoạn không ngừng biến tướng này còn gây nhiều khó khăn cho công tác phát hiện, phòng ngừa, bắt giữ, xử lý các đối tượng vi phạm. Hành vi này không chỉ ảnh hưởng tới an ninh trật tự mà còn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân. Trong khi đó, khung hình phạt theo quy định hiện hành chưa thực sự đủ sức răn đe.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Đoàn, người dân cần thường xuyên theo dõi, cập nhật kịp thời tin tức về các thủ đoạn, chiêu trò lừa đảo trên các kênh truyền hình, báo chí chính thống, trang mạng xã hội để trang bị kiến thức, hiểu biết và chủ động nhận biết, phòng tránh.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cũng cần được đẩy mạnh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Mỗi người dân cũng cần chia sẻ cho gia đình, bạn bè, người thân xung quanh mình về các thủ đoạn, chiêu trò lừa đảo để nâng cao kiến thức nhận biết, cảnh giác, phòng tránh.